Razer ra mắt Raiju, tay cầm chơi game cho máy PlayStation 4, giá đắt gấp 3 phiên bản gốc

    Master Dùi,  

    Sau nhiều tay cầm “eSport” cho Xbox và PC, Razer cuối cùng cũng để mắt tới PS4.

    Là một công ty chuyên về gaming gear, Razer đã có thâm niên gần 6 năm sản xuất tay cầm chơi game bên cạnh các sản phẩm bàn phím chuột ăn khách của mình. Từ chiếc tay cầm đầu tiên được ra mắt vào năm 2011, Razer Onza, chúng ta vẫn chưa từng thấy công ty này ngó ngàng đến nền tảng PlayStation. Onza, Sabertooth hay Wildcat đều là các mẫu tay cầm dựa trên tay cầm Xbox và chỉ tương thích với Xbox 360/ Xbox One và PC.

    Sau ngần ấy năm, cuối cùng Razer cũng ra mắt Razer Raiju, thỏa lòng mong đợi của những fan hâm mộ cả Razer lẫn PS4. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Razer và Sony Interactive Entertainment Europe. Bất ngờ thay là chiếc tay cầm này còn hỗ trợ cả PS4 lẫn PC. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ PC mới chỉ dừng ở dạng thử nghiệm và không được Sony khuyến cáo.

    Vẫn như truyền thống các tay cầm của mình, Razer trang bị thêm cho Raiju 4 nút phụ, 2 ở cạnh các nút vai và 2 ở phía dưới tay cầm. Các nút phụ này có thể được gán thành các nút khác để phục vụ nhu cầu của người chơi. Đặc biệt, 2 nút cò ở phía dưới tay cầm có thể được tháo ra dễ dàng với tô-vít đi kèm nếu người dùng cảm thấy vướng víu. Razer cũng có kèm theo một chiếc hộp vải cứng để đựng tay cầm và các phụ kiện kèm theo.

    Nếu nhìn lướt qua, thiết kế của Raiju khá giống với các tay cầm Xbox One trừ việc vị trí analog và các nút bấm vẫn theo quy chuẩn của PS4. Xung quanh của chiếc tay cầm này được bọc một lớp cao su chống trượt màu xanh giúp người dùng có thể cầm nắm thoải mái hơn. 2 cần analog của Raiju cũng được trang bị 2 miếng bọc cao su có chất liệu tương tự trên thân tay cầm.

    Phía trên 2 cần analog là bàn rê cảm ứng đặc trưng của PS4 và 2 đèn led hiển thị thiết lập đang được sử dụng. Phía dưới là các nút chuyển giữa 2 thiết lập nút, bật/tắt mic hay điều chỉnh volume. Jack cắm tai nghe 3.5mm cũng được tích hợp.

    Các nút bấm trên Raiju đều là dạng nút cơ Hyperesponse đặc trưng của Razer với cấu tạo nút bấm giống nút chuột trái phải, cho cảm giác tương tự thay vì sử dụng màng cao su truyền thống. Những ai lần đầu sử dụng tay cầm Razer chắc chắn sẽ có chút bỡ ngỡ. 4 nút cò đều có khả năng điều chỉnh hành trình phím để phù hợp với game đang chơi.

    Razer Raiju thực tế lại có một điểm yếu chết người về khả năng kết nối. Giờ là năm 2016 và tất cả các console chơi game đều đã sử dụng kết nối không dây cho tay cầm từ nhiều năm nay. Dù được trang bị cáp Micro-USB rời, tính năng này cũng không thể khỏa lấp được sự thiếu hụt về khả năng kết nối không dây. Dẫu biết rằng Raiju được chế tạo để phục vụ “eSport” và kết nối có dân là lựa chọn tối ưu để giảm thiểu độ trễ trong nhập liệu, Razer và Sony đáng ra vẫn nên tích hợp cả kết nối không dây.

    Razer Raiju sẽ sớm được bán ra với giá 169,99 EUR, tương đương với 178,30 USD. Chiếc tay cầm này được bán ra tại hầu hết các thị trường của Razer như châu Âu, Trung Đông, châu Á hay châu Đại Dương. Khá bất ngờ khi Raiju sẽ không được bán ra tại khu vực Bắc Mỹ. Dù có thể sẽ thành công, chiếc tay cầm này chắc chắn sẽ không được lòng nhiều fan hâm mộ vì giá bán đắt đỏ nhưng lại thiếu vắng kết nối không dây.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ