Sau thành công của "Gia Đình Siêu Nhân 2", liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện?

    Hằng Nga, Theo Trí Thức Trẻ 

    "Incredibles 2" (Gia Đình Siêu Nhân) ra rạp hồi tháng 6 năm nay đã nối dài thêm danh sách những phim hậu truyện của Pixar. Liệu thành công của bom tấn này sẽ tiếp tục khuyến khích hãng hoạt hình "đẻ" thêm những phần hậu truyện nữa?

    Làm phim hậu truyện không phải là hiện tượng mới lạ ở Hollywood . Các nhà làm phim dễ dàng "vắt sữa" một bom tấn ngoài rạp bằng cách khai thác tiếp những câu truyện trước hoặc sau đó. Kể từ khi tác phẩm đầu tiên - Toy Story - ra mắt năm 1995 đến nay, Pixar đã có 7 bộ phim thuộc dạng hậu/tiền truyện.

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 1.

    "Kung Fu Panda" là thương hiệu hái ra tiền của DreamWorks

    Trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao mà sức sáng tạo lại có giới hạn, làm phim hậu truyện là một hướng đi an toàn. Các hãng phim có thể kế thừa các nhân vật, cốt truyện, mô típ đã xây dựng ở phần trước đó. Đây cũng là một lợi thế lớn về mặt truyền thông khi các thương hiệu bom tấn luôn thu hút sự chú ý mỗi khi ra mắt.

    Từ khi thành lập đến nay, Pixar đã chứng tỏ bản lĩnh của mình trên cả hai đường đua nghệ thuật và thương mại. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng phim hậu truyện của Pixar ngày càng tăng và bị nhận định là đang dần đánh mất tinh thần sáng tạo độc đáo của mình. Làm phim hậu truyện liệu có phải là một hướng đi ổn định, lâu dài hay đang khiến Pixar dần bị rơi vào lối mòn sáng tạo?

    The Incredibles 2 (Gia đình siêu nhân 2, 2018)

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 2.

    "The Incredibles 2" hấp dẫn không thua kém phần trước.

    Đây là phần tiếp theo của The Incredibles (2004) và là tác phẩm mới nhất của Pixar tính đến thời điểm hiện tại. Bộ phim vẫn tiếp nối câu chuyện về gia đình Parr, những siêu nhân phải sống và hoạt động lẩn lút trước sự cấm đoán của chính quyền.

    The Incredibles 2 có cốt truyện cuốn hút không thua kém gì phần đầu tiên. Bệnh cạnh những pha hành động đầy gay cấn hay những chi tiết cảm động về gia đình thì những phân đoạn hài hước về cậu bé Jack Jack cũng khiến người xem thích thú. Việc lồng ghép những thông điệp về nữ quyền, về sức mạnh của truyền thông, về trách nhiệm đối với cộng đồng của con người khiến bộ phim có chiều sâu hơn.

    Trên mặt trận phòng vé, bộ phim là một bom tấn nữa của Pixar với doanh thu toàn cầu hơn 949 triệu USD tính đến thời điểm hiện tại. Trên IMDb, bộ phim được chấm điểm 8,1/10 và đạt 80/100 điểm trên trang phê bình Metacritic. Với những đánh giá tích cực của giới phê bình, tác phẩm được coi là ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar năm nay.

    Nhìn lại số phận các thương hiệu "vắt sữa" nổi tiếng của Pixar

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 3.

    Pixar có loạt phim "Toy Story" vô cùng thành công.

    Toy Story ra mắt lần đầu tiên năm 1995 đã mở màn cho một loạt phim vô cùng thành công của hãng. Toy Story 2 (1998) có nội dung hấp dẫn không thua kém gì phần đầu và Toy Story 3 (2010) còn được đánh giá là xuất sắc hơn cả hai phần trước đó. Cả 3 phần đều được giới phê bình đánh giá cao, mang về cho Pixar rất nhiều giải thưởng và đề cử danh giá, đặc biệt Toy Story 3 là bom tấn phòng vé với doanh thu toàn cầu hơn 1 tỷ USD.

    Sự thành công của loạt phim này đều dựa trên ý tưởng rất đơn giản và khôn ngoan: những đồ chơi sống dậy khi không có con người và nằm bất động khi con người xuất hiện. Ý tưởng đồ vật có thể nói chuyện với con người đã xuất hiện trong nhiều bộ phim hoạt hình trước đó, nhưng ở Toy Story thế giới đồ chơi và thế giới con người tách biệt hoàn toàn. Từ đó, những câu chuyện đầy thú vị bắt đầu được kể. Tiếp nối thành công của loạt phim này, Pixar dự kiến sẽ cho ra mắt Toy Story 4 vào năm 2019.

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 4.

    "Cars 2" là thất bại đầu tiên của Pixar.

    Trong khi đó, sau hàng loạt những tác phẩm được giới phê bình ngợi ca trước đó thì Cars 2 được xem là cú ngã đau đầu tiên của Pixar. Cars 2 không phải là một bộ phim thất bại về doanh thu nhưng lại bị giới phê bình chê bai thậm tệ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tác phẩm của Pixar bị giới phê bình hạ điểm.

    Sau khi Cars 2 bị chỉ trích nặng nề, chủ tịch Ed Catmull đã phát biểu: "Nếu bạn không thất bại thì có nghĩa là bạn chưa liều". Và quả thực Pixar đã rất "liều" khi vẫn tiếp tục cho ra mắt Cars 3 (2017). Mặc dù nội dung được đánh giá tốt hơn phần 2, nhưng đây vẫn chưa được coi là tác phẩm thành công của Pixar khi cả doanh thu và đánh giá của giới phê bình đều ở mức khiêm tốn.

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 5.

    Tuy không gây được tiếng vang như phần trước nhưng "Monster University" vẫn thắng về doanh thu.

    Đối với Monster University, đây là bộ phim tiếp nối thành công của Monster, Inc. (2001). Tác phẩm đánh dấu lần đầu tiên Pixar làm một bộ phim prequel (tiền truyện) thay vì sequel (hậu truyện). Nội dung phim kể về hai anh chàng quái vật Mike (Billy Crystal) và Sullyvan (John Goodman) thời còn học cùng một trường đại học. Đây là hai nhân vật rất thú vị ở phần trước và việc tìm lại quá khứ của họ khiến nhiều khán giả tò mò.

    Mặc dù không tạo được tiếng vang như Monster, Inc, song Monster University vẫn mang về cho Pixar khoản doanh thu hơn 743 triệu USD và được xem lại lấy lại "tinh thần Pixar" sau hai bộ phim không mấy thành công trước đó là Cars 2 và Brave (2012). Brave tuy đoạt giải Oscar nhưng bị coi là đánh mất "tinh thần Pixar" và bị "lai" Disney quá nhiều.

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 6.

    Finding Dory là bom tấn phòng vé.

    Finding Dory là phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình đình đám Finding Nemo (2003), nhưng có cốt truyện và nhân vật độc lập với phần trước. Bối cảnh phim diễn ra sáu tháng sau cuộc hành trình "đi tìm Nemo" với nội dung kể về cô cá Dory ( Ellen DeGeneres ), mắc chứng hay quên, muốn tìm lại gia đình mà mình bị thất lạc từ bé. Finding Dory thu hút người xem bởi sự xuất hiện của những nhân vật mới đầy thú vị và những tình tiết hài hước, vui nhộn. Finding Dory không vượt qua phần trước về mặt phê bình song đây vẫn là một bộ phim thành công vang dội về thương mại của Pixar, với doanh thu toàn cầu lên đến hơn 1 tỷ USD.

    Pixar có nên tiếp tục làm phim hậu truyện?

    Đối với Pixar, khi làm phim hậu truyện hay tiền truyện, tuy thành công và thất bại từng lúc khác nhau, nhưng về doanh thu thì chưa bao giờ thất bại. Trong loạt phim kể trên, ngoại trừ Toy Story 3 và Incredibles 2 được đánh giá là thành công ngang bằng hoặc hơn phần trước thì đa số các bộ phim còn lại đều không vượt qua được cái bóng quá lớn của phần trước.

    Không hẳn Pixar đang chạy theo xu thế khi làm phim hậu truyện, điều này đã diễn ra ngay từ thập niên 90, khi bộ phim thứ 3 của hãng, Toy Story 2 là một bộ phim hậu truyện. Việc làm tiếp phần 2 sau 3 năm và phần 3 sau 15 năm kể từ khi ra mắt phần đầu cho thấy Pixar không hề vội vàng tận dụng ánh hào quang quá khứ

    Ed Catmull, chủ tịch của xưởng Pixar từng tuyên bố hãng chỉ làm phần tiếp theo của phim nếu có những ý tưởng thật sự mới mẻ. Pixar không bận tâm đó là phần đầu hay phần tiếp theo, miễn là có ý tưởng thôi thúc họ làm. Chúng ta phải cảm ơn Ed Catmull và đội ngũ sáng tạo của ông vì nếu họ không làm những hậu truyện thì tuổi thơ của chúng ta đã không có loạt phim Toy Story tuyệt vời đến vậy.

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 7.

    "Inside Out" là bộ phim được đánh giá cao vì tính sáng tạo

    Thành công của một bộ phim không nằm ở chỗ đó là phim hậu truyện hay một bộ phim hoàn toàn mới, chỉ cần họ vẫn có câu chuyện hấp dẫn để kể thì bộ phim đó vẫn có thể thành công, như Toy Story 3 đã làm được. Trải qua hơn hai thập kỷ phát triển, Pixar đã cho thấy họ sẵn sàng liều lĩnh, dấn thân, thử nghiệm những cái mới mẻ. Pixar đã gặt hái những thành công vang dội và cũng phải chấp nhận những lần thất bại.

    Sau thất bại của Cars 2, Pixar đã cho ra mắt 8 bộ phim, trong đó chiếm đến một nửa là những phim hậu truyện. Từ tiến trình sản xuất 2 năm cho ra mắt một phim mới, Pixar đã rút ngắn thời gian, mỗi năm cho ra mắt một phim đều đặn, thậm chí có năm ra mắt đến hai bộ phim. Phải chăng Pixar cũng đang dần bị cuốn theo guồng quay của nền công nghiệp điện ảnh?

    Sau thành công của Gia Đình Siêu Nhân 2, liệu Pixar có nên tiếp tục kiếm lời bằng hậu truyện? - Ảnh 8.

    "Coco" được khen ngợi vì câu chuyện hấp dẫn.

    Trong 8 bộ phim Pixar ra mắt từ 2013 đến nay, hầu hết đều là những bom tấn phòng vé. Tuy nhiên những phim được đánh giá cao lại không phải là những phim hậu truyện. Những bộ phim đoạt giải Oscar như Brave, Inside Out (2015), Coco (2018) đều là những tác phẩm mới. Trong đó Inside Out và Coco được đánh giá rất cao vì nội dung sâu sắc và tính sáng tạo độc đáo.

    Trong một thời kỳ mà cả thế giới dường như đang "bội thực" với những phim hậu truyện, tiền truyện, làm lại, phải chăng Pixar nên dừng lại một chút để nhìn lại mình, tìm lại chính mình, tìm lại cái "tinh thần Pixar" đã bị cỗ máy Hollywood nhào nặn?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ