Thua lỗ ròng rã 10 năm, chật vật sống nhờ từng đồng từ séc cá nhân của Steve Jobs, điều gì đã giúp Pixar lật ngược tình thế và thẳng tiến đến vô cực?
“Khi cuộc đời làm bạn thất vọng, bạn biết cần phải làm gì không?” Và sau đó, một cách ngọt ngào và say đắm, Dory bắt đầu hát: “Hãy cứ bơi tiếp. Hãy cứ bơi tiếp. Hãy cứ bơi tiếp, bơi tiếp, bơi tiếp”.
Bạn sẽ không thể ngờ rằng Pixar- hãng phim hoạt hình danh tiếng với 16 tượng vàng Oscar ngày nay từng chật vật duy trì hoạt động mỗi tháng bằng tiền từ… séc cá nhân của Steve Jobs. Và hẳn bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết hãng phim đã mê hoặc bao khán giả cũng từng là một công ty yên ắng bị cả thế giới lãng quên.
Nhưng điều gì đã giúp Pixar lật ngược tình thế và cứ thế đi đến vô cực?
Từ trái tim
Nếu phải lựa chọn bất cứ điều gì đã làm nên thành công của Pixar, điều đầu tiên phải kể đến chắc chắn là điều này. Giám đốc sáng tạo của Pixar, John Lasseter từng nói: “Phim của chúng ta phải bắt nguồn từ con tim. Nó không chỉ là giải trí. Nó là việc kể những câu chuyện mà khán giả kết nối được với cảm xúc”.
Hãy thử nhớ lại Up - một trong những bộ phim hay nhất của Pixar và cũng là bộ phim tôi yêu thích nhất. Bộ phim kể về hành trình tìm kiếm thác Thiên Đường một ông lão góa vợ, lãng tai tên Carl và “nhà thám hiểm hoang dã” nhí tên Russell. Xuyên suốt bộ phim, có lẽ không ít lần khán giả khẽ nở nụ cười khi Ellie tuyên bố “tỏ tình” với Carl bằng cách của cô: “Cậu thật kỳ quặc, nhưng tớ thích cậu”, hay hạnh phúc cùng Carl khi được Ellie hàng trăm lần âu yếm thắt cà vạt cho mình.
Và khi ngôi nhà của Carl vút bay khỏi mặt đất với hàng ngàn trái bóng rực rỡ, tôi tin chắc cảm xúc của khán giả đã vỡ òa. Pixar quả không hổ danh “phù thủy của cảm xúc” khi đưa khán giả trở thành người bạn đồng hành, thậm chí là nhân vật chính và cùng đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Nhưng sự thật thì không chỉ có John Lasseter đặt trọn con tim mình tại Pixar, nhiều nhân viên của Pixar cũng đã đặt toàn bộ sự nghiệp và cống hiến những năm đẹp nhất của họ ở đây. Điều gì đã giữ họ lại thay vì không nhảy lên con tàu khác với cơ hội hấp dẫn hơn? Lý do duy nhất chỉ có thể là họ đam mê Pixar, tin tưởng vào tiềm năng công ty và muốn đi đến cùng với niềm tin ấy.
Với hiện tại, mọi thứ có vẻ đơn giản khi Pixar đã là một đế chế trong lĩnh vực của nó. Nhưng quay lại thời gian đầu khởi nghiệp trong xưởng sản xuất tồi tàn của Pixar, khi mỗi họa sĩ phải vẽ tay hàng trăm ngàn bức hình để kết xuất thành đồ họa và chuyển động máy tính- giữa lúc tình hình kinh doanh của Pixar vẫn là một dấu hỏi lớn, bạn sẽ hiểu rõ đam mê kia đã lớn đến thế nào.
Tôi cũng có thể dành thêm một bài viết khác về những câu chuyện tuyệt diệu mà Pixar đã tạo ra suốt 32 năm qua. Nhưng nếu chỉ còn một cơ hội, tôi muốn trích dẫn câu thoại kinh điển của Coco - bộ phim mới nhất dựa trên nền của lễ hội người chết nhưng tràn đầy niềm tin cuộc sống của Pixar rằng: “Gia đình là điều tuyệt vời nhất trên đời”.
Để rồi bạn sẽ cùng Miguel đắm mình trong giai điệu du dương của Remember Me và điều kỳ diệu sẽ đến.
Văn hóa doanh nghiệp
Lawrence Levy- Giám đốc tài chính Pixar đã từng thử đặt câu hỏi mang tính thời cuộc:
“Tại sao IBM, công ty dẫn dắt thế giới máy tính hàng thập kỷ, hay Xerox, công ty phát minh giao diện sử dụng đồ họa, không tự trở thành Microsoft hay Apple? Tại sao Disney không trở thành Pixar? Nếu Pixar có được thành công, tại sao Disney, ông vua ngành phim hoạt hình trong hơn hai thế hệ, không muốn tự mình làm phim hoạt hình máy tính? Điều gì đã ngăn cản họ?”
Lawrence tin rằng câu trả lời phải liên quan đến một thứ: văn hóa doanh nghiệp.
Chính văn hóa doanh nghiệp đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo liên tục tại Pixar. Trong khi các doanh nghiệp thành công thường bảo thủ và không dám đón nhận những ý tưởng mới mẻ (nhưng đầy rủi ro) thì Pixar chọn đi ngược lại đám đông. Không chỉ vì trụ sở văn phòng của Pixar ban đầu được đặt tại Point Richmond - khu vực xa xôi hẻo lánh gần như tách biệt với thế giới Hollywood hào nhoáng. Lý do còn đến từ văn hóa cho phép thử nghiệm và luôn cởi mở trước những ý tưởng mới thay vì bóp nghẹt nó.
Dù đôi khi, văn hóa cởi mở ấy bao gồm việc để những áp lực khốc liệt về sáng tạo, đặc biệt trong nghệ thuật kể chuyện và phương pháp sản xuất hoạt hình máy tính va chạm nhau ở mức tuyệt đối.
Brave chính là một ví dụ điển hình về suy nghĩ không bao giờ đi theo khuôn khổ của Pixar. Merinda - một công chúa-kiểu-Pixar không nhất thiết phải hoàn hảo như luật lệ gò bó của hoàng gia mà hoàn toàn có thể là chiến binh dám dũng cảm sống như ý muốn của mình, yêu cuộc sống độc thân và say mê săn bắn. Bởi Merinda hiểu: “Định mệnh có sẵn trong mỗi chúng ta, bạn chỉ cần đủ dũng cảm để nhận ra nó”.
Nhưng liệu chỉ văn hóa cởi mở trước ý tưởng sáng tạo đã đủ để Pixar tạo nên những kiệt tác? Câu trả lời chắc chắn là không!
Pixar đi sâu hơn thế, khi trao quyền và đặt trọn tin tưởng cho tập thể sáng tạo để tự quyết định và chịu trách nhiệm về những sản phẩm của mình - theo cách không phải kiểu-của-Hollywood.
Ngay từ những sản phẩm đầu tiên khi hợp tác với Disney: Toy Story, quyền quyết định sáng tạo đã thuộc về những tài năng trực tiếp sản xuất như John Lasseter mà không phải là đội ngũ lãnh đạo Pixar như Steve Jobs, Edwin Catmull hay phía Disney như Michael Eisner thời điểm bấy giờ.
Với những bộ phim được đầu tư kinh phí sản xuất lớn và là sản phẩm chính kéo dài hàng năm, không dễ để các nhà điều hành doanh nghiệp tự tin giao phó quyền quyết định cho đội ngũ sáng tạo. Nhưng ở Pixar, cả phía ban điều hành lẫn phía nhóm sản xuất trực tiếp đã vượt qua được rào cản này. Từ đó, một loạt những tác phẩm xuất sắc mang tên Finding Nemo (2003), The Incredible (2004), Ratatouille (2007), Wall-E (2008), Inside Out (2015)… đã nối nhau ra đời. Và Pixar thì chẳng có vẻ gì là muốn dừng danh sách những tuyệt phẩm này.
Hãy cứ bơi tiếp
Sẽ không đầy đủ nếu trong bài phân tích thành công của Pixar thiếu mất nhân tố bền bỉ của tập thể này. Doanh nghiệp hội tủ một nhóm tài năng đạt ở mức xuất sắc, say mê với công việc, cực đoan trong những quyết định sáng tạo với sự trao quyền tuyệt đối. Nhưng ở thời điểm khai sinh của hoạt hình máy tính, Pixar đã từng phải đối mặt với thực tế hoạt động kinh doanh thua lỗ hơn 50 triệu USD từ vốn đầu tư của Steve Jobs và những bế tắc trong chính nội bộ công ty.
Vậy tại sao trong thời điểm khủng hoảng liên tục như vậy, Pixar vẫn tồn tại?
Có lẽ nó bắt nguồn từ sự cứng đầu của ông chủ Steve. Khó có nhà đầu tư nào khác chịu được thời gian thua lỗ suốt 10 năm và tổng số tiền hơn 50 triệu USD như Steve.
Steve từng nói thời kỳ thai nghén những sản phẩm vĩ đại mất nhiều thời gian hơn người ta nghĩ. Những thứ tưởng như không biết xuất phát từ đâu là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, thử nghiệm và sơ suất. Pixar chính là ví dụ sống động nhất. Thời gian thai nghén Toy Story của hãng đã bắt đầu từ 16 năm trước khi Pixar còn nằm trong bộ phận đồ họa của Lucasfilm. Đó là một chặng đường dài và khó khăn kể từ thời điểm đó, với vô vàn thách thức.
Nó cũng được khơi nguồn cảm hứng bởi chính mỗi cá nhân trong mái nhà Pixar, những người thay vì đầu hàng trước thách thức liên tục, đã tiếp tục tìm cách để những đồ chơi vô tri vô giác sống dậy, làm cho những con quái vật trở nên thân thiện, gieo ước mơ yêu thương cho những người máy hay xây dựng một gia đình cho những siêu anh hùng. Hoặc hơn thế, để nỗ lực gìn giữ và đặt thương hiệu tâm huyết Pixar đứng ngang hàng thay vì đằng sau ông vua hoạt hình Disney. Một lần nữa, tất cả những kết quả này chưa bao giờ đến dễ dàng!
Nhưng cũng giống như thông điệp mà Pixar muốn nhắn nhủ độc giả trong Finding Nemo: Khi Marlin bất lực trong việc tìm kiếm con trai, Dory- người bạn đồng hành mới của Marlin, với kiểu dễ mến, quái lạ và vô tư của cô đã nói:
“Khi cuộc đời làm bạn thất vọng, bạn biết cần phải làm gì không?”
Và sau đó, một cách ngọt ngào và say đắm, Dory bắt đầu hát:
“Hãy cứ bơi tiếp.
Hãy cứ bơi tiếp.
Hãy cứ bơi tiếp, bơi tiếp, bơi tiếp”.
Đó chính xác là những gì mà cả tập thể Pixar đã làm, đã “cứ bơi tiếp” đến… vô cực để tạo ra những sản phẩm điện ảnh phi thường - những sản phẩm dù không có người thật đóng vẫn đủ sức làm mê đắm bao khán giả trên khắp toàn cầu.
Bài viết có sử dụng tư liệu “Qua Pixar là vô cực”- Lawrence Levy
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4