Sony đang mắc phải sai lầm tương tự của Microsoft, đã từng suýt giết chết Xbox
Thị trường máy chơi game luôn vận hành theo một vòng tròn, và không một hãng nào có thể ở trên đỉnh mãi mãi.
Sony PlayStation 4 cho đến nay vẫn là chiếc console phổ biến nhất và bán chạy nhất trên toàn thế giới. Hơn 91 triệu chiếc PS4 đã được bán ra, giúp Sony tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của mình trước hai đối thủ Microsoft và Nintendo.
Nhưng thị trường máy chơi game luôn vận hành theo một vòng tròn, và không một hãng nào có thể ở trên đỉnh mãi mãi. Sony cũng có thể sẽ không thoát khỏi vòng tròn định mệnh này, khi một chu kỳ chuyển tiếp mới đang đến gần.
Cứ mỗi 5 - 10 năm, một thế hệ console mới lại được ra đời từ cả 3 nhà sản xuất này. Và cứ 5 - 10 năm, lại có một hệ máy sẽ giành chiến thắng trước các đối thủ còn lại. Sony và Microsoft chính là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau, khi mà những chiếc console của cả hai đều rất giống nhau, trong khi Nintendo đang lựa chọn một lối đi riêng.
Với PlayStation 2 được ra mắt vào năm 2000, Sony đã thống trị hoàn toàn thị trường game toàn cầu. Đối thủ Xbox của Microsoft hoàn toàn không thể cạnh tranh. Nhưng khi PlayStation 3 ra mắt vào năm 2006, Sony đánh mất vị trí số 1 của mình và để đối thủ Microsoft Xbox 360 vượt mặt.
Vòng tròn này tiếp tục đảo ngược một lần nữa vào năm 2013, Sony và Microsoft ra mắt các hệ máy PlayStation 4 và Xbox One. Với PS4 và các tựa game độc quyền vô cùng hấp dẫn của mình, Sony nhanh chóng giành lại sự thống trị của mình.
Cho đến nay đã là 6 năm và vòng tròn định mệnh đang có rất nhiều khả năng tiếp tục đảo ngược, khi mà những hệ máy console tiếp theo chuẩn bị ra mắt. Và có những lý do chính đáng khiến chúng ta phải tin rằng Sony có khả năng sẽ thua Microsoft trong lần này.
Sự sụp đổ của Cross-play
Fornite là tựa game có số lượng người chơi lớn nhất hiện nay. Nó có thể được chơi trên nhiều nền tảng khác nhau, từ máy tính tới smartphone và tất cả các hệ máy console như PS4, Xbox One hay Switch.
Giống như những tựa game hỗ trợ tính năng Cross-play khác, game thủ Fortnite trên máy tính hoàn toàn có thể chơi cùng với các hệ máy khác, thậm chí là trên cả smartphone. Chính nhờ vậy mà Fortnite đã tạo dựng nên một cộng đồng người chơi đông đảo trên toàn thế giới.
Thế nhưng có một ngoại lệ, đó là game thủ Fortnite trên PS4 không thể chơi cùng với bạn bè khác trên các hệ máy Xbox One và Switch. Tệ hơn, nếu bạn mua sắm các vật dụng trong game trên nền tảng PS4, chúng sẽ biến mất khi bạn sử dụng cùng một tài khoản Fortnite để chơi trên các hệ máy khác.
Quyết định này của Sony khiến các game thủ rất tức giận và phản đối kịch liệt. Sau nhiều tháng đấu tranh, cuối cùng thì Sony cũng phải mang tính năng Cross-play trở lại trên PS4, hồi tháng 9 vừa qua.
Không chỉ khiến game thủ tức giận, Sony còn khiến các nhà phát hành game cũng không hài lòng. Họ cho rằng gã khổng lồ Nhật Bản sau nhiều năm thống trị thị trường game một cách dễ dàng nhờ có PS4, đang dần trở nên kiêu ngạo hơn.
Nó làm chúng ta liên tưởng tới Microsoft khi ra mắt Xbox One sau thành công của Xbox 360, khi mà gã khổng lồ phần mềm không còn quan tâm tới việc các game thủ thực sự muốn gì.
Xbox One thất bại dưới cái bóng quá lớn của Xbox 360
Đầu năm 2013, Microsoft Xbox 360 vẫn bán chạy và được nhiều người sử dụng hơn PlayStation 3. Nguyên nhân không phải vì sức mạnh phần cứng vượt trội hay các tính năng mới hấp dẫn, mà khi đó Microsoft vẫn còn có một lượng người dùng trung thành rất lớn với các tựa game trên Xbox.
Những đến tháng 5 năm 2013, Microsoft ra mắt Xbox One thực sự gây thất vọng. Những gì mà Microsoft giới thiệu cùng với chiếc console này là: Xbox One yêu cầu kết nối mạng internet liên tục, Xbox One đi kèm với bộ cảm biến chuyển động Kinect khá vô dụng, Xbox One có giá bán 500 USD tức là đắt hơn PS4 khoảng 100 USD.
Microsoft đã ra mắt một hệ máy chơi game thế hệ mới, với những tính năng tiên tiến như nhận diện chuyển động để điều khiển nhân vật trong game. Nhưng thực tế, Microsoft đã ra mắt một chiếc console chơi game mà không tập trung vào chất lượng của các tựa game.
Microsoft cho thấy rằng họ đã không lắng nghe những người dùng trung thành của mình. Và giờ đây, Sony cũng có những dấu hiệu sai lầm tương tự như vậy.
Chuyện gì đang xảy ra với Sony?
Trong cuộc phỏng vấn với New York Time tại CES 2019, CEO Kenichiro Yoshida của Sony đã tiết lộ kế hoạch tiếp theo của mình. Đó là kết hợp PlayStation Network - mạng trực tuyến của các hệ máy PlayStation - với mảng kinh doanh phim và âm nhạc.
Theo ông Yoshida: “PlayStation Network là một nền tảng giải trí rất mạnh của Sony, phù hợp với các nội dung âm nhạc và phim ảnh”.
Trước đó, Sony vẫn luôn tách riêng các mảng nội dung game, âm nhạc và phim ảnh. Tuy nhiên sắp tới, các mảng nội dung này sẽ được Sony kết hợp làm một, có thể là trên cùng một nền tảng và hỗ trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên đây có thể là một quyết định sai lầm. Ngay cả khi PlayStation Network có thừa khả năng để trở thành một dịch vụ giải trí trực tuyến với đa nội dung, thì Sony cũng không nên làm như vậy. Bởi vì hướng đi này chính là quay lưng với các fan trung thành, những game thủ gắn bó lâu năm với các hệ máy PlayStation.
Cũng giống như khi Microsoft ra mắt Xbox One, trọng tâm chính không phải là game mà là truyền hình, thể thao và các tính năng thông minh khác. Đây thực sự là một ý tưởng tồi đối với một chiếc console chơi game.
Microsoft cũng đã trải qua việc phải thay thế vị trí giám đốc mảng Xbox rất nhiều lần. Tương tự với những gì đang xảy ra với Sony, cựu CEO mảng PlayStation là ông Shawn Layden đã từ chức và thay thế bằng ông John Kodera. CEO mới nhất của Sony là ông Kenichiro Yoshida cũng vừa nhận chức vào tháng 8, ông Yoshida được biết đến trong các lĩnh vực về tài chính.
Những dấu hiệu đó cho thấy Sony đang mắc phải những sai lầm giống hệt với Microsoft, dẫn tới sự thất bại của Xbox One. Có thể chỉ còn khoảng một năm nữa, các hệ máy console tiếp theo sẽ xuất hiện. Và khi đó chúng ta sẽ cùng xem Sony PlaStation có thực sự phải hứng chịu thất bại trước đối thủ Microsoft Xbox, giống như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ hay không?
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android