Thanh niên làm ứng dụng chat tốn tiền nhất thế giới, vẫn có người dùng: nhắn 1 ký tự phải trả 250 VNĐ
Đây không phải lừa đảo kiếm tiền. Đây chỉ đơn thuần là kiếm tiền một cách khôn khéo.
- Google khai tử ứng dụng chat đình đám một thời Allo
- Google Maps được tích hợp thêm tính năng chat, khiến cho ứng dụng bản đồ này quá tải
- Đi trước cả Facebook Messenger một bước, giờ đây có thể vừa chat Zalo vừa chuyển tiền
- Instagram vừa được cập nhật tính năng chat video, chat video theo nhóm và một số hiệu ứng mới
- Yahoo ra mắt ứng dụng chat nhóm mang tên Squirrel
- Google một lần nữa tìm cách giải quyết "mớ bòng bong" nhắn tin trên Android với Chat
Sáng thứ Năm theo giờ địa phương, lập trình viên kiêm nhà đầu tư Marc Köhlbrugge công bố công cụ trò chuyện trực tuyến có tên Expensive Chat – Trò chuyện Tốn tiền, một phòng chat công cộng yêu cầu người sử dụng phải trả tiền cho TỪNG KÍ TỰ họ gõ ra. Mỗi kí tự sẽ tốn của bạn 0,01 USD (tương đương 250 VNĐ).
Trong bài đăng Twitter của mình, Köhlbrugge mô tả Expensive Chat như "một thử nghiệm xã hội để xem chuyện gì xảy ra với một phòng chat không phải ai cũng dùng được, mọi tin nhắn gửi đi đều mất tiền". Việc thanh toán sẽ được thực hiện qua Stripe, chấp nhận cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.
Số tiền bên cạnh mỗi khung thoại cho thấy số kí tự đã được gõ ra trong suốt quá trình sử dụng của người dùng.
Nhìn từ ngoài vào, người ta có thể suy ra Expensive Chat được thiết kế để nhắc nhở người dùng tiêu tiền một cách tính toán, hay cách suy nghĩ của một người sẽ ra sao nếu như từng chữ mình gõ đều đánh vào hầu bao. Không hẳn thế. Köhlbrugge nói với Motherboard anh làm ra ứng dụng này để kiếm tiền.
"Thẳng thừng và thành thật mà thổ lộ, tôi khởi động chương trình này vì nghĩ nó là một cách thú vị để kiếm tiền". Được hỏi về tiền kiếm được sẽ đi về đâu, Köhlbrugge mạnh dạn chỉ thẳng vào túi. Tính tới thời điểm Motherboard phỏng vấn Köhlbrugge, anh đã kiếm được 103,41 USD.
Ước mơ tương lai của anh là đưa quy mô Expensive Chat lên một tầm cao nữa.
"Tôi đang tính tới chuyện biến nó thành sản phẩm đứng đắn hơn, có thể cho người nổi tiếng hay các giáo sư bác sĩ lập phòng chat để nói chuyện với nhau chẳng hạn, tiền kiếm được sẽ chuyển về các đơn vị từ thiện, v.v…", anh trả lời Motherboard trên Twitter. "Ví dụ như chat với Kanye West với 10 USD mỗi tin nhắn chẳng hạn, tiền sẽ đi về quỹ từ thiện mà anh West chọn. Nhưng như bạn thấy đấy, cần cải thiện vài vấn đề kỹ thuật trước khi thực hiện được dự án đó".
Köhlbrugge là nhà sáng lập và cũng là người đứng đầu Work in Progress, một trang web chat nhóm, một nền tảng cho các nhà đầu tư tha hồ bàn bạc. Mỗi tháng, người dùng sẽ phải đóng 20 USD và Köhlbrugge tuyên bố anh kiếm được 40.000 USD mỗi năm từ Work in Progress. Anh cũng có một trang web khác phục vụ startup như tìm việc hay hỗ trợ tìm kiếm startup, có tên BetaList.
Cứ vài tháng, Köhlbrugge lại công bố một trang web thử nghiệm gì đó để kiếm thêm thu thập. Khoảng ba năm trước, anh cũng có một trang web quái lạ chẳng kém Expensive Chat, đó là highscore.money: người tham gia chơi trò chơi tại đây sẽ cố gắng … hối lộ nhà phát triển để leo lên được đầu bảng xếp hạng.
Theo lời Köhlbrugge, anh kiếm được 2.500 USD chỉ trong 24 giờ. Tuy nhiên, khi cơn sốt highscore.money nhanh chóng sụt giảm, tiền anh kiếm được cũng tụt theo. Ở thời điểm bài viết gốc được đăng tải, Köhlbrugge kiếm được tổng cộng 2.574 USD từ highscore.money.
"Vì việc kiếm tiền khá là ‘dễ’, tôi thường nghĩ ra ý tưởng hay ho để kiếm chác. Tiền kiếm được từ highscore,money đã được đổ vào chuyến du lịch châu Á của tôi", Köhlbrugge trả lời phỏng vấn. "Phụ thuộc vào expensive.chat kiếm được bao nhiêu, tôi sẽ tiêu pha tương ứng. Hiện tôi đang du lịch khắp nơi và đang ngụ tại Bali, Indonesia – Tôi sẽ phải nghĩ ra ý tưởng mới sớm thôi".
Expensive Chat không phải là một nền tảng xã hội mà bạn có thể tiêu tốn hàng giờ vào nó, cũng không phải lừa đảo, cũng chẳng phải một bài học về việc tiêu tiền. Đó là cách kiếm tiền cực kỳ khôn khéo của Marc Köhlbrugge.
Expensive.chat hiện đang không hoạt động, chưa rõ lý do là gì.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming