Thu nhập tới 700 triệu/năm nhưng hóa ra coder ngành này ở Việt Nam vẫn chỉ thuộc loại thấp nhất thế giới

    Nguyễn Hải, Thể Thao Văn Hóa 

    Dù đang được nhận mức lương đáng mơ ước tại Việt Nam, nhưng thu nhập của nhân sự ngành này vẫn đang thấp hơn nhiều so với thế giới.

    Mức thu nhập tới 700 triệu/năm là một con số đáng mơ ước đối với đại đa số người Việt Nam, ngay cả đối với những người làm trong ngành lập trình. Thế nhưng con số này lại là mức trung bình đối với nhân sự làm lập trình blockchain tại Việt Nam.

    Theo báo cáo mới công bố về thị trường crypto Việt Nam 2022 của Coin98 Analytics, mức lương trung bình đối với nhân sự blockchain tại Việt Nam đang ở mức 30.000 USD. Điều này từng được ông Trần Huy Vũ – CTO Kyber Network – xác nhận khi cho biết "mức lương dành cho nhân sự blockchain thường cao hơn các ngành IT truyền thống từ 20-50%. Người có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain có thể tương đương với mức 6-9 năm ở ngành khác".

    Thu nhập tới 700 triệu/năm nhưng hóa ra coder ngành này ở Việt Nam vẫn chỉ thuộc loại thấp nhất thế giới - Ảnh 1.

    Ảnh Coin98 Analytics

    Dù nhận được mức lương đáng mơ ước như vậy, con số này ở Việt Nam vẫn khá thấp so với mức trung bình trong khu vực châu Á cũng như nhiều vùng khác. Báo cáo của Coin98 Analytics cho biết, mức lương trung bình cho nhân sự blockchain ở Nam Mỹ là 42.000 USD, ở châu Phi con số còn cao hơn khi lên đến 47.000 USD mỗi năm. Các khu vực khác như châu Á, châu Âu hoặc thậm chí làm từ xa cũng có mức thu nhập trung bình cao gấp nhiều lần so với Việt Nam.

    Báo cáo của Coin98 Analytics cho rằng, việc nhân sự làm trong lĩnh vực blockchain có mức lương cao hơn so với ngành IT truyền thống là vì Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này.

    Mặt khác, hiện tại chưa có nhiều trường đại học ở Việt Nam phát triển chương trình đào tạo nhân sự chuyên nghiệp về blockchain càng khiến sự thiếu hụt này trở nên trầm trọng hơn. Nếu so sánh với thế giới, hiện tại nhiều trường đại học lớn trên thế giới như MIT, Stanford, Oxford, Harvard, Berkeley … đều có nhiều chương trình đào tạo dành riêng cho blockchain.

    Nhận định về nhu cầu nhân sự blockchain tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của Vietnamnet, ông Huy Nguyễn, CEO KardiaChain cho biết: "Nếu theo công thức một quốc gia cần 1% dân số để phát triển các ngành công nghiệp mới, thì Việt Nam cần ít nhất một triệu lao động. Tuy nhiên trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu của thị trường".

    Thu nhập tới 700 triệu/năm nhưng hóa ra coder ngành này ở Việt Nam vẫn chỉ thuộc loại thấp nhất thế giới - Ảnh 2.

    Ảnh Coin98 Analytics

    Điều đó cho thấy nhu cầu đối với nhân lực chuyên ngành blockchain đang cao như thế nào ở Việt Nam. Hơn thế nữa, trái với suy nghĩ của nhiều người, thay vì chỉ hiện diện trong các ứng dụng tiền số, hiện Việt Nam đã có trên 10 doanh nghiệp lớn thử nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh của mình. Phần lớn trong số đó là các ứng dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng, bên cạnh đó là quản lý điểm thưởng, thông tin cá nhân, …

    Trong khi đó, theo Forbes, đã có 50 công ty tỷ USD hàng đầu trên thế giới, bao gồm các cái tên nổi tiếng như Amazon, Google, Samsung, Facebook … ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động của mình.

    Với mức thu nhập hiện tại cũng như môi trường làm việc online của ứng dụng blockchain cũng cho thấy tiềm năng cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trên thị trường thế giới trong lĩnh vực này.

    Cho dù đánh giá cao khả năng cạnh tranh của nhân lực blockchain Việt Nam, báo cáo của Coin98 Analytics cũng thừa nhận rằng, thừa nhận môi trường doanh nghiệp blockchain tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Các rào cản về pháp lý đang hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các startup blockchain, kéo theo khả năng cạnh tranh cũng như thu hút nhân lực blockchain Việt Nam càng yếu hơn so với khu vực về thế giới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ