Tin buồn cho người sợ nhện: Chúng không chỉ biết bò, nhảy, mà còn có thể tung mình bay theo gió
Đừng quên, Spider-man lấy cảm hứng từ nhện.
Nếu bạn là một người mắc chứng sợ nhện thì có lẽ điều này sẽ khiến bạn phải “toát mồ hôi” mỗi khi ra đường: nhện không chỉ bò, mà chúng còn bay được.
Nhưng cũng đừng quá lo, chỉ những loài nhện nhỏ mới có khả năng này mà thôi, chúng có thể bay được là nhờ thả nhiều chùm tơ li ti theo chiều gió để biến bản thân thành một quả “khí cầu" di chuyển từ nơi này sang nơi khác, do đó mà các nhà khoa học gọi cách di chuyển này là “ballooning", nghĩa là bay như khí cầu.
Bằng cách này, nhện con có thể bay đi tìm nơi trú mới và nhện trường thành dùng để di chuyển săn mồi, tìm kiếm bạn tình. Thậm chí, phối hợp với luồng gió biển, chúng còn có thể vượt đại dương bằng loại tơ khí cầu này.
Tuy là hành vi khá phổ biến, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ cách mà loài nhện bay lên trời. Do đó, Moonsung Cho, một kỹ sư khí động học tại trường Đại học Kỹ thuật Berlin đã thực hiện thí nghiệm để tìm hiểu. Ông sử dụng những con nhện cua (carb spider) dù loài này dài khoảng 5mm, khá lớn so với kích thước trung bình của những loài nhện bay được, nhưng nhờ đó dễ quan sát hơn.
Ông đem 14 con nhện vào công viên rồi đặt lên bệ nhỏ hình vòng cung để quan sát cách chúng phản ứng với gió tự nhiên, ông cũng thực hiện thử nghiệm tương tự trong phòng thí nghiệm với máy tạo gió. Moonsung Cho nhận ra trước khi bay, chúng thường nhả một sợi tơ để giữ mình, rồi giơ chân trước lên để nhận biết hướng và tốc độ gió, giống như cách mà chúng ta liếm ngón tay rồi giơ lên trời đoán gió vậy.
Nhện "bay"
Nếu điều kiện gió phù hợp, trong trường hợp với nhện cua là tốc độ thấp hơn 3,3m/s, lúc này chúng sẽ đứng thẳng người lên, nâng phần sau lên rồi phóng ra từ 50 đến 60 sợi tơ siêu nhỏ để nâng mình lên không trung, tổng lượng tơ này có thể dài đến 3m. Khi đã bay lên, chúng sẽ bỏ sợi tơ giữ và hoà mình vào luồng gió.
Sở dĩ loài nhện có thể bay được là nhờ kích thước tơ của chúng quá nhỏ so với độ sệt không khí. Cho phát hiện ra một số sợi tơ của nhện cua thậm chí còn mỏng hơn cả bước sóng ánh sáng, vốn có kích thước từ 400 đến 700 nanomet. Đối với tơ nhện, không khí như là một khối mật ong đặc sệt vậy.
Theo nhà nghiên cứu nhện Cheryl Hayashi, tơ nhện làm từ protein và rất quý giá, ngay cả loài nhện cũng không muốn phung phí tơ nên sẽ kiểm tra gió trước khi “bung dù". Cô cũng chưa rõ cách bay nói trên áp dụng cho mọi loài nhện hay chỉ với nhện cua.
Bằng cách nghiên cứu nhện bay, sau này các nhà khoa học có thể áp dụng đặc tính của nó để chế tạo những cỗ máy siêu nhỏ bay trên không để thu thập dữ liệu thời tiết hay thậm chí là những robot điều khiển từ xa siêu nhỏ.
Nếu bạn vẫn thấy kinh hoàng về chuyện hàng ngàn con nhện bay sẽ ập đến khi đang đi ngoài đường thì cũng đừng quá lo, Hayashi cho biết bản tính của những loài nhện bay là rất nhút nhát, chúng chỉ tìm cách bay thật xa khỏi con người để có cuộc sống an toàn bình yên mà thôi.
Tham khảo: gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời