Bộ trưởng Đinh La Thăng ủng hộ các ứng dụng taxi thông minh

    PV,  

    Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là Bộ trưởng Đinh La Thăng, ủng hộ các ứng dụng taxi thông minh, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết.

    Trong bài trình bày ‘Vai trò của công nghệ thông tin trong nâng cao hiệu quả vận tải, giảm giá cước vận tải’ nói tại tọa đàm ‘Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng’ do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức hôm 8/9/2015, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - dành phần nhiều thời gian nói về lợi ích của các ứng dụng taxi thông minh, trong đó có GrabTaxi và Uber.

     Ảnh minh họa: techinasia

    Ảnh minh họa: techinasia

    Ông Hùng cho rằng các hình thức taxi thông minh - tức có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh taxi, mà ông minh họa chủ yếu bằng GrabTaxi và có nhắc đến Uber - mang nhiều lợi ích không chỉ cho người gọi taxi mà còn cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời mang lợi ích cho quản lý nhà nước, môi trường, lẫn các yếu tố xã hội.

    Cụ thể, ông Hùng cho rằng, các hình thức taxi thông minh giảm được chi phí lương trên một hành khách trên mỗi km. Đầu tiên là giảm được nhân viên tổng đài. Ví dụ taxi hoạt động 3 ca, cần 3 người trực tổng đài, cộng với một nhân viên dự phòng, như vậy tiết kiệm được 4 người so với kinh doanh taxi truyền thống. Hình thức kinh doanh taxi truyền thống còn tốn kém nhân sự cho hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát… Đội ngũ này rất đông, nên nếu chuyển sang hoạt động taxi thông minh thì tiết kiệm được các yếu tố này, tức là lương trên một cây số vận chuyển.

    Thứ hai là tiết kiệm được chi phí tiếp cận khách hàng. Nếu doanh nghiệp không áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động taxi thì khi khách hàng gọi taxi, cùng lúc cả chục chiếc taxi chạy đến, rõ ràng sẽ gây lãng phí. Tuy vậy, nếu áp dụng công nghệ thông tin thì chỉ có chiếc xe gần nhất quyết định nhận chuyến đi này, các xe khác sẽ từ chối. Như vậy có thể tiết kiệm được đến 90% chi phí xe chạy rỗng.

    Ông Hùng phân tích thêm, bản chất của GrabTaxi là sàn giao dịch để các nhà kinh doanh vận tải taxi bán hàng của họ cho khách hàng. Và khi bán hàng qua sàn giao dịch thì doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, do đó chi phí đến khách hàng giảm đi nhiều.

    Khi sử dụng dịch vụ taxi thông minh, khách hàng biết được ảnh lái xe, số điện thoại, tổng giá cước từ điểm đi đến điểm đến và hành trình như thế nào. Đó là những sự khác biệt của taxi thông minh với taxi truyền thống.

    "Giả sử tôi gọi cho GrabTaxi để đưa con tôi đến trường thì tôi hoàn toàn biết được lộ trình và yên tâm rằng chiếc taxi ấy có đưa con tôi đến trường hay không", ông Hùng nói. Áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp nâng cao khả năng khách hàng tiếp cận dịch vụ.

    Vị Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông cũng cho biết, không chỉ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ của khách hàng, taxi thông minh còn tăng cơ hội cho lái xe tiếp cận khách hàng. Theo đánh giá của GrabTaxi và ngay cả Uber, sau khi các lái xe bán dịch vụ qua sàn giao dịch như trên thì số lượng khách hàng đến với họ tăng 300%. Taxi thông minh cũng giúp giảm giá cước, thông tin về dịch vụ minh bạch hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn.

    Với cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Hùng, nếu áp dụng taxi thông minh sẽ có thêm thông tin hỗ trợ quản lý, nâng cao kết quả và hiệu quả trong thu thuế. Nếu chấp nhận dịch vụ này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thuận lợi trong việc kiểm soát doanh thu của doanh nghiệp vì doanh nghiệp thu bao nhiêu đều hiện rõ bấy nhiêu. Từ việc dễ dàng quản lý được doanh thu, sẽ dễ kiểm soát được tiền thuế.

    Bên cạnh đó, áp dụng taxi thông minh, doanh nghiệp vận tải giảm chi phí chạy rỗng, giảm chi phí nhân lực, giảm trang thiết bị điều hành vận tải và cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn. Đối với xã hội, các dịch vụ taxi thông minh sẽ giảm lượng tài xế chạy rỗng trên đường, từ đó giảm nguy cơ kẹt xe, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

    Ngoài ra, khách hàng khi biết trước lộ trình, biết thông tin của lái xe sẽ yên tâm sử dụng dịch vụ hơn. Người tài xế khi biết những thông tin của mình đều được hiện rõ trên ứng dụng thì giảm nguy cơ làm việc xấu. Từ đó góp phần đảm bảo trật tự xã hội.

    Ông Hùng lý giải, hình thức taxi thông minh giúp tiết kiệm chi phí đầu tư: "Tại sao Hà Nội có 17.000 xe taxi và TP.HCM có 12.000 taxi nhưng cảm giác cung không đủ cầu? Trong khi chúng tôi dự đoán nếu khai thác tốt thì TP.HCM chỉ cần 10.000 xe. Nếu ứng dụng CNTT sẽ tiết kiệm được số xe, hiệu suất sử dụng xe cao hơn. Thay vì xã hội phải bỏ ra 17.000 hay 20.000 xe thì chỉ cần đầu tư 10.000 - 12.000 xe".

    Theo ông Hùng, khi chúng ta có một cơ sở dữ liệu rất tốt về trạng thái giao thông trên cơ sở kết nối của các xe trên đường thì công tác quy hoạch, quản lý, tổ chức giao thông, ứng dụng giao thông thông minh trong trong quản lý giao thông chung sẽ tốt hơn rất nhiều. Đôi lúc những doanh nghiệp taxi thông minh đi ra ngoài các quy định pháp luật "nhưng không vì thế mà chúng ta đóng cửa". Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ làm việc với các đơn vị này để hướng dẫn họ hoạt động đúng pháp luật.

    Hải Đăng/Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ