Tình bạn thử lửa: Những nhiếp ảnh gia nơi tiền tuyến "địa ngục lửa"
Ngắm nhìn bộ ảnh và đọc tâm sự của những nhiếp ảnh gia dũng cảm, không ngại xông vào những đám cháy đáng sợ để tác nghiệp.
Cảnh báo: Bài viết có nhiều từ ngữ ghê rợn và có thể gây sốc
Năm ngoái, một trận cháy lịch sử đã xảy ra tại California, Mỹ. Hàng ngàn lính cứu hỏa đã được điều động để dập tắt, cùng với đó cũng là rất nhiều những nhiếp ảnh gia quả cảm, không ngần ngại đến gần hiểm nguy để cho chúng ta những bức ảnh chân thực nhất về hiểm hỏa khốc liệt này.
Qua việc phải tham gia những nhiệm vụ nguy hiểm, các nhiếp ảnh gia đã gắn kết, trở thành những người bạn để giúp đỡ nhau về cả tinh thần lẫn vật chất. Những người có mặt trong bài viết bao gồm Noah Berger, Josh Edelson, Stephen Lam, Gabrielle Lurie, Justin Sullivan và Marcus Yam.
Từ trái sang phải: Mason Trinca, Gabrielle Lurie, Stephen Lam, Josh Edelson, và Justin Sullivan tại đám cháy vùng Camp tháng 11 năm 2018. Ảnh bởi Noah Berger.
Điểm bắt đầu
Những nhiếp ảnh gia mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết gặp nhau ở những đám cháy khác nhau, trong khi tác nghiệp cho các tòa soạn, kênh tin tức khác nhau. Noah Berger 'bị mê' việc chụp ảnh hỏa hoạn khi tác nghiệp trong đám cháy dùng Rim năm 2013 cùng với Sullivan, người mà anh đã làm bạn suốt 2 thập kỉ qua. Berger là một cộng tác viên cho các tờ báo như Associated Press, SF Chronicle, và NY Times; còn Sullivan là biên tập viên tại Getty Images. 2 người đàn ông này bắt đầu sự nghiệp báo chí từ giữa những năm 90.
Edelson gặp Berger khi anh chụp hình một vụ hỏa hoạn nhỏ trong thành phố San Francisco năm 2009. Ngay sau khi gặp nhau, họ đã trở nên thân thiết, Berger đồng ý trở thành một người thầy, hướng dẫn Edelson trong sự nghiệp báo chí.
Lurie (biên tập viên của SF Chronicle), Lam, Berger, Edelson, và Sullivan đều sinh sống tại San Francisco nên đều quen biết nhau, tạo thành một cộng đồng nhiếp ảnh gia của vùng này. Yam (biên tập viên của LA Times) sống tại Los Angeles nhưng có cùng đam mê nên cũng đã gia nhập nhóm nhiếp ảnh.
Từ trái sang phải: Justin Sullivan, Marcus Yam, Stephen Lam, Noah Berger, Josh Edelson tại đám cháy Detwiler tháng 7 năm 2017. Ảnh bởi Noah Berger.
Tình bạn dần gắn kết
Trong nhiều năm, nhóm nhiếp ảnh gia này dành hàng giờ sinh sống, tác nghiệp bên cạnh nhau để đem cho người đọc những bức ảnh về các vụ cháy đình đám của nước Mỹ.
Anh Edelson chia sẻ: "Chúng tôi thực sự quan tâm đến nhau. Đôi lúc tình bạn và vài câu bông đùa sẽ làm mọi người nhẹ nhõm sau những giờ phút lâm nguy tại hiện trường".
Nhiếp ảnh gia Marcus Yam ngủ gật khi đang copy ảnh ra máy tính trong đám cháy Erskine năm 2016. Ảnh bởi Noah Berger.
Họ chia sẻ với nhau tất cả, từ thức ăn tới nơi ở (thường là các phòng khách sạn gần với hiện trường đám cháy).
Anh Lam chia sẻ: "Trong vụ cháy vùng Camp, chúng tôi đã ngủ cùng nhau trên một căn phòng lớn với 14 chiếc giường nhỏ".
Nữ nhiếp ảnh gia Lurie cũng nói thêm: "Chúng tôi ăn, ngủ, chia sẻ thiết bị cùng nhau. Điều đó thật tuyệt vời, giúp chúng tôi cảm thấy như mình được bảo vệ và như một gia đình lớn vậy".
Từ trái sang phải: osh Edelson, Stephen Lam, Gabrielle Lurie, và Noah Berger nghỉ ngơi trong trận cháy Clayton năm 2016. Ảnh bởi Noah Berger.
Ngay cả khi không tác nghiệp, nhóm cũng thường xuyên liên lạc với nhau để đi ăn uống, hay thậm chí làm các công việc xã hội.
Theo Sullivan: "Theo tôi kỉ niệm tình bạn sâu đậm nhất đó là việc các nhiếp ảnh gia đã chụp đám cháy tại hạt Napa và Sonoma đều có mặt để tham gia tình nguyện tại trung tâm Redwood Empire tại Santa Rosa. Chúng tôi đã quyên góp được tận 5 tấn thức ăn để giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng bởi đám cháy mà chúng tôi tác nghiệp".
Những nhiếp ảnh gia tình nguyện phân phát thức ăn. Ảnh bởi Justin Sullivan.
"Chúng tôi đã trở nên thân thiết và liên lạc với nhau thường xuyên. Mọi người cũng đã tạo ra một nhóm chat nhằm báo với nhau về những vụ hỏa hoạn trong địa bàn để tất cả mọi người đều biết để tới tác nghiệp."
Tình bạn và sự ganh đua
Những nhiếp ảnh gia tác nghiệp ở cùng một sự kiện thường sẽ có sự ganh đua, xem ai có thể chụp được những bức ảnh ấn tượng nhất gửi cho tòa soạn, nên thật lạ khi nhóm nhiếp ảnh gia chụp cháy này lại có thể trở thành những người bạn thân thiết. Không những thế, họ còn chia sẻ với nhau những thông tin, kinh nghiệm ngày trên hiện trường.
Anh Berger nói: "Từng người trong chúng tôi đều muốn có những bức ảnh ấn tượng nhất, nhưng luôn nhớ về việc phải giúp đỡ nhau chứ không cạnh tranh, một điều hiếm có ở bất cứ nhóm nhiếp ảnh nào. Ví dụ như trong đám cháy Valley, Stephen Lam nhìn thấy một con ngựa chết cháy ở bên vệ đường, thông thường các nhiếp ảnh khác sẽ giữ hình ảnh đó cho riêng mình, nhưng anh ấy đã gọi nhóm tới để tất cả mọi người đều có thể chụp".
Ảnh bởi Justin Sullivan/Getty Images.
Edolson cũng nói thêm: "Chúng tôi cũng thường bàn bạc với nhau để tăng tính hiệu quả công việc. Ví dụ trong một lần tôi, Noah và Justin nhìn thấy một lính cứu hỏa vác xác của một nạn nhân cháy ra khỏi hiện trường, chúng tôi đã bàn bạc, phân chia chụp để không đứng trong khung ảnh của nhau".
Làm việc cùng nhau cũng giúp những nhiếp ảnh gia này học hỏi được thêm nhiều điều.
Nhóm nhiếp ảnh tại đám cháy vùng Camp năm 2018. Ảnh bởi Stephen Lam.
Ảnh bởi Stephen Lam.
Nhiếp ảnh gia Justin Sullivan chìm trong lửa để chụp đám cháy Camp năm 2018. Ảnh bởi Noah Berger.
"Đây là một điều lạ lùng đối với những người làm công việc khác, nhưng lại là cách chúng tôi làm việc trong nghề nhiếp ảnh hỏa hoạn" - Edelson nói thêm.
Những nhiếp ảnh gia Justin Sullivan, Noah Berger, và Stephen Lam. Ảnh bởi Gabrielle Lurie.
Ảnh bởi Stephen Lam.
Sự an toàn đến từ số đông
Bên cạnh việc chia sẻ thông tin và công cụ tác nghiệp, một trong những lợi ích lớn nhất của việc tác nghiệp theo nhóm đó là mọi người có thể đảm bảo sự an toàn cho nhau. Mặc dù do tính chất công việc, mọi người đều phải xông vào những đám cháy đáng sợ, nhưng trong nhiều năm qua không có bất cứ ai trong nhóm bị trọng thương cả.
Anh Sullivan nói: "Nhóm chúng tôi gồm có những người được huấn luyện để đối phó với những điều kiện làm việc khắc nghiệp nhất. Hơn nữa, chạy xe trên một con đường đầy cây và lửa cháy ở 2 bên đường với 2 hay 3 người vẫn sẽ an toàn hơn là đi một mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng cảm thấy an toàn hơn khi có những người bạn bên cạnh mình, từ đó an tâm tác nghiệp và tạo ra các tác phẩm tốt nhất".
Ảnh bởi Justin Sullivan.
Anh Berger vẫn nhớ rõ vụ cháy vùng Valley năm 2015:
"Josh lúc đó đã có mặt tại một đám cháy tại khu thung lũng. Stephen và tôi đều đang tới đó nhanh nhất có thể, trên một con đường toàn đá sỏi và cây cháy ở 2 bên đường. Stephen đến được địa điểm chụp hình, nhưng chiếc SUV của anh bị thủng và mất hơi rất nhanh. Chúng tôi đã phải dừng lại liên tục để bơm hơi, nhưng tôi luôn sẵn sàng chở anh ấy bằng xe của tôi nếu tình hình tệ đi".
Trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, tất cả mọi người đều trong tâm thế luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy.
"Chúng tôi luôn phải để ý tới các đường dây điện dưới đất, những cây cối và cột có thể rơi xuống. Những điều này tưởng như nhỏ nhặt, nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của những thành viên trong nhóm".
Nhiếp ảnh gia Marcus Yam, chụp bởi Noah Berger.
Luôn luôn sẵn sàng
Ảnh bởi Gabrielle Lurie.
Những nhiếp ảnh gia chụp hỏa hoạn thường chuẩn bị máy và trang bị của mình để chống chọi với lửa. Về quần áo, họ thường mặc những bộ đồ của lính cứu hỏa: mũ bảo hiểm, mặt nạ thở, kính, áo và ủng chống lửa. Nhưng điều quan trọng hơn nữa đó là việc biết đứng ở đâu để chụp.
Ảnh bởi Josh Edelson.
Ảnh bởi Josh Edelson.
Ảnh bởi Justin Sullivan.
"Khi chụp các đám cháy, bạn nên đứng ở vùng 'đen' tức là các vùng đã bị cháy, chứ không phải là những vùng 'xanh', có những bãi cỏ và cây cối có thể bắt lửa bất cứ lúc nào" - Anh Berger chia sẻ.
"Một chiến thuật nữa đó là tìm những mảnh đất hoặc phiến đá lớn không có cây cối, đỗ xe ở gần đó và chụp ra ngoài. Tôi chỉ dùng kỹ thuật này khi có những lính cứu hỏa ở gần đó, đứng ở giữa một đám cháy mà không có người yểm trợ thì thật đáng sợ!"
Ảnh bởi Gabrielle Lurie.
Ảnh bởi Gabrielle Lurie.
Anh Edelson cũng chia sẻ: "Chúng tôi luôn luôn để xe chạy, cùng với đó là để ý đường thoát và hướng gió để không bị lửa thiêu rụi. Bạn không nên đỗ xe ở gần đường dây điện hoặc cây cối, khi có lửa thì những vật này có thể bị yếu và đổ xuống bất cứ lúc nào. Luôn luôn nghĩ rằng cột điện sẽ có điện, mặc dù trong nhiều trường hợp chính quyền sẽ ngắt điện ở những khu vực bị cháy".
Nhiếp ảnh gia Noah Berger, chụp bởi Josh Edelson.
Sau nhiều năm công tác, anh Berger trở thành trưởng nhóm và là người mà các thành viên khác tìm đến khi cần lời khuyên trong quá trình tác nghiệp.
Nữ nhiếp ảnh gia Lurie nói: "Nói thật lòng thì tôi không phải là người mê mạo hiểm, nên khi gặp nguy hiểm tôi thường tâm sự với các anh trong nhóm. Mọi người rất biết lắng nghe và làm tôi cảm thấy an tâm hơn trong công việc".
"Noah [Berger] thường là người tiên phong, nếu anh ấy xông vào một đám cháy để chụp ảnh thì mọi người cũng sẽ theo sau. Anh ấy luôn là người dám đánh đổi sự an toàn của mình để có một bức ảnh đẹp nhất. Thế nên, mỗi khi anh ấy không muốn làm điều gì thì cả nhóm đều biết rằng làm như vậy thì sẽ rất nguy hiểm".
Nhiếp ảnh gia Noah Berger đứng trên một chiếc SUV, ảnh bởi Justin Sullivan.
Hỗ trợ nhau về tinh thần
Trong đám cháy đều có những nạn nhân bị bỏng nặng hoặc những cảnh vật tang thương, nên việc làm việc theo nhóm sẽ giúp mọi người trấn an tinh thần của lẫn nhau.
Ảnh bởi Stephen Lam.
Edelson nói: "Trong đám cháy vùng Camp, tôi được phép chụp ảnh những xác chết và gặp phải nhiều trường hợp ghê rợn đến mức tôi không dám gửi cho tòa soạn. Tôi vẫn còn nhớ một trường hợp bị chết cháy trên mái nhà, sau đó mái nhà đổ sập xuống, tôi không thể quên được vẻ mặt đau đớn của cô ấy".
"Tôi thậm chí còn không dám chắc rằng nạn nhân đó là nữ, tôi không dám nhìn lâu. Cô ấy bị đám cháy thiêu rụi, toàn thân đã trở thành than, khuôn mặt khắc khổ như đã chấp nhận cái chết của mình. Cô ấy nghiến răng chịu đựng, lông mi và lông mày bị thiêu rụi hoàn toàn, thực sự rất đáng thương".
Noah Berger (phải) an ủi Josh Edelson (bên trái) sau khi anh này phải chứng kiến nhiều cảnh tượng ghê gớm trong trận cháy. Ảnh bởi Stephen Lam.
Lurie cũng nói thêm: "Câu chuyện về những nạn nhân bị mất nhà rất ám ảnh. Có những người làm việc cả cuộc đời để có một ngôi nhà để sinh sống, rồi tất cả biến mất chỉ trong tích tắc. Sau trận cháy Santa Rosa năm 2017, tôi bị trầm cảm trong suốt 3 tuần. Có một ngày tôi lái xe tới đó, nhìn đám cháy và khóc suốt 10 phút".
Ảnh bởi Stephen Lam.
Ngay sau khi những vụ cháy đã được dập tắt, các nhiếp ảnh gia tìm đến nhau để xem mọi người có an toàn hay không cũng như hỗ trợ nhau về tinh thần.
Anh Sullivan chia sẻ: "Nhóm của chúng tôi gồm những người biết lắng nghe và hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ nỗi lòng, mặc dù chúng có đáng sợ đến mức nào".
Ảnh bởi Stephen Lam.
Edelson cũng nói thêm: "Nhiều lúc có những thành viên không thể trở lại cuộc sống bình thường sau khi đi tác nghiệp nhiều ngày. Tôi cũng đã có những lúc nhìn cây cối, nhà bên đường và nghĩ về việc chúng bị cháy thì sẽ trông như thế nào."
"Làm những công việc này chắc chắn sẽ làm tâm trí của bạn bị rối loạn. Được tâm sự với đồng nghiệp để giải tỏa, về công việc mà không phải ai cũng hiểu được là một điều rất tuyệt vời".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI