Trong khi Microsoft đang ngày càng sáng tạo, Google lại luôn là kẻ ăn theo về phần cứng
Tại sao Google cứ phải đi clone các thiết bị phần cứng như vậy?
Sự kiện ra mắt sản phẩm đầy ấn tượng vừa qua của Microsoft với Surface Pro gây sửng sốt và các món phụ kiện đầy sáng tạo không khỏi khiến giới công nghệ phải đặt dấu hỏi về các công ty đối thủ như Apple hay Google, những gã khổng lồ cũng gần như cùng lúc tung ra những sản phẩm phần cứng của riêng mình. Về phía Apple, nhiều chuyên gia không phủ nhận rằng độ sáng tạo của hãng đã đi xuống ít nhiều với phiên bản iPhone và Macbook không có có quá nhiều đột phá hay có thể khiến người ta phải ồ lên thích thú như những lần ra mắt sản phẩm trước đây.
“Mũi dùi” giờ đây lại tiếp tục quay sang Google, ông lớn vừa chính thức cho ra mắt dòng smartphone flagship cho năm nay cách đây không lâu.
Google Pixel mới ra mắt
Đúng như dự đoán, Pixel và Pixel XL trở thành điểm sáng về thiết bị của Google trong năm 2016 và khiến các fan Android khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, ngay sau khi mổ xẻ chiếc máy, không ít người phải chạnh lòng vì sự thiếu vắng của các tính năng cũng như thiết kế sáng tạo như mong đợi.
Thiết kế chiếc máy bị coi là phiên bản clone của iPhone, thực ra cũng dễ hiểu vì Pixel được sản xuất bởi HTC – hãng điện thoại sở hữu chiếc A9 cũng từng bị giới công nghệ chế nhạo là trông giống hệt iPhone. Thậm chí cư dân mạng còn chế câu chuyện vui về việc Google đã tạo ra Pixel như thế nào trong video hài hước có cảnh CEO Google Sundar Pichai ra lệnh cho nhân viên “chế” ra một chiếc điện thoại “mơi mới” chỉ nửa tiếng trước buổi ra mắt dưới đây.
Nhiều hãng smartphone Châu Á cũng từng “lấy cảm hứng” từ Apple, thế nhưng không ai nghĩ một công ty tiềm lực mạnh như Google lại phải đi theo lối mòn đó, nhất là sau khi CEO Pichai phát biểu “chúng tôi sẽ khẳng định rõ quan điểm thiết kế của mình trên các mẫu điện thoại” hồi đầu năm nay.
Hơn thế nữa, ngay cả khi muốn thiết kế một chiếc máy với cảm hứng từ một dòng máy khác thì bạn cũng đừng quên “mô đi phê” lại thiết kế đã tròn 3 năm tuổi của nó. Tiêu biểu như Meizu với thiết kế nút home vừa có thể chạm (để quay lại) hoặc ấn giữ (để về màn hình chủ). Meizu cũng rất khôn khéo cắt bớt cạnh viền trên và dưới để chiếc MX6 có vóc dáng nhỏ nhắn hơn chiếc iPhone 7 cùng kích cỡ màn hình.
Nếu so sánh với các mẫu Android hot hiện nay, chúng ta sẽ càng thấy rõ sự cóp nhặt một cách máy móc và thiếu sáng tạo này đã “hại” Google thế nào.
Meizu MX6
trên Samsung Note7
hay LG V10
Trên thực tế, Pixel cũng không phải sản phẩm clone duy nhất của Google. Những thiết bị như loa Google Home, Google Glass, các thiết bị nhà thông minh Nest cũng đều lấy cảm hứng từ các đối thủ.
Tại sao Google cứ phải đi clone các thiết bị phần cứng như vậy?
Trên thực tế, Google quyết định phát triển hệ điều hành di động của riêng mình (sau khi mua lại startup Android và thiết kế lại sản phẩm của họ) phần lớn cũng là do lo sợ về tương lai của điện toán. Google hiểu rằng PC sẽ sớm sa cơ và thế giới sẽ đắm chìm trong những chiếc máy tính tí hon bỏ túi – những thiết bị điện toán có nguy cơ phá vỡ thế thống trị của công ty về mảng tìm kiếm bởi các hãng sỡ hữu hệ điều hành có thể tùy chọn công cụ tìm kiếm mặc định của riêng họ (Google đã phải trả khoảng 1 tỷ USD cho Apple để giữ Google Search là công cụ tìm kiếm mặc định cho iOS; số tiền chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở đây). Chính vì vậy mà Google buộc có một hệ điều hành miễn phí để phủ sóng rộng công cụ tìm kiếm cũng như thay thế cho Windows Mobile, BlackBerry, Symbian và iOS.
Tiếp sau đó, Google hiểu rằng các thiết bị thông minh bỏ túi kia sẽ sớm có thể tương tác và giúp đỡ người dùng nên hãng cũng phải tự thiết kế một trợ lý ảo riêng. Google Assistant đương nhiên là một trợ lý ảo tuyệt vời, nhưng nó cũng cần có một nơi để “cư ngụ” tương tự như Siri hay Alexa, và nơi cư ngụ đó chắc chắn không thể cứ mãi là các dòng máy của hãng đối thủ. Tại sao vậy? Ngoài Apple đã có Siri, các hãng điện thoại khác sớm muộn gì cũng sẽ đi theo xu hướng và tự phát triển các trợ lý ảo của riêng mình.
Đây chính là lúc Google nhận ra mình cần thiết bị tương đương iPhone và Echo (loa trợ lý ảo của Amazon) đến nhường nào. Ngoài hai thiết bị chính yếu này, gã khổng lồ cũng cần những thiết bị vệ tinh tương tự như PlayStation, Oculus, Vive VR,… để giữ vững hệ sinh thái của mình.
Tất nhiên nhiều người có thể cho rằng Google Assistant và Daydream có thể chạy trên nhiều máy Android khác, thế nhưng hãy nhớ rằng không phải smartphone hay tablet nào cũng hỗ trợ tính năng nhận diện giọng nói. Ngay cả chiếc Nexus đời mới nhất cũng chưa được trang bị Assistant hay Daydream chứ chưa cần nói gì đến các máy Android đời cũ hơn.
Chính vì vậy mà Google hiện nay phải nỗ lực đổ sức vào mảng phần cứng nhiều hơn bao giờ hết – tất cả những điều cần làm để bảo vệ “miếng ăn chính” là mảng tìm kiếm và quảng cáo online. Tuy nhiên, do chưa có chuyên môn sâu về phần cứng nên việc phải “copy” chỗ này, vá víu chỗ kia cũng là điều không quá khó hiểu.
Chắc chắn trong năm tới, chúng ta vẫn sẽ chưa ngừng tìm kiếm và lướt web, thế nhưng điều Google mong muốn chính là người dùng sẽ ngày càng sử dụng nhiều Pixel và Google Home để tìm chứ không phải những chiếc iPhone, Galaxy, Echo hay bất cứ thiết bị cầm tay nào khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"