Từ bộ phim 'Ký sinh trùng' đến đời thực ở Hàn Quốc: Thực tế lạnh lùng và đau xót hơn phim ảnh (P.2)
Những bộ phim tình cảm Hàn Quốc thường khiến nhiều người rơi lệ và câu chuyện thực tế dưới đây cũng vậy. Có khác chăng đây là những giọt lệ tuyệt vọng về một xã hội Hàn Quốc không như là mơ.
- Du khách Azerbaijan bị cướp mất đồng hồ Richard Mille 29,5 tỷ giữa thanh thiên bạch nhật ở Ibiza
- Reddit đang um sùm vì loài cây cho ra hoa giống hệt con chim ruồi!
- Trước khi nổi danh màn bạc, "Wolverine" Hugh Jackman từng bị đuổi cổ khỏi 7-Eleven vì "lắm mồm"
- Razer cắt hợp đồng với nữ streamer bảo "đàn ông là rác rưởi" trên Twitter
Vào một ngày đông lạnh giá tại Seoul, bà Kim (tên đã được thay đổi) đi loanh quanh khu vực ga tàu điện ngầm để thu thập giấy vứt đi và bán lại cho các cơ sở tái chế. Dù đã 81 tuổi nhưng bà làm công việc này đã vài năm. Không chỉ đi quanh ga, bà còn di chuyển nhiều nơi để thu thập phế liệu. Mỗi ngày bà thu được hơn 100 kg rác và bán lại cho các điểm thu mua với giá 100 Won/kg, tương đương 2.014 Việt Nam đồng (VND).
Nếu may mắn ngày nào cũng thu được 100 kg, bà Kim có thể kiếm 10.000 Won, tương đương 201.400 VND mỗi ngày. Với con số này, bà Kim chẳng thể sống nổi ở Hàn Quốc nơi thứ gì cũng đắt đỏ.
"Tôi phải làm việc vì cần mua thuốc cũng như thức ăn. Khi quá đói, tôi uống tạm nước và mua những gói đồ ăn rẻ tiền rồi lại làm tiếp", bà Kim cho biết khi mình chỉ dám tiêu tầm 2.000 Won (hơn 40.000 VND) cho mỗi bữa cơm. Trong khi đó, giá một bữa ăn bình dân tại Hàn có giá khoảng 8.000 Won.
Trớ trêu thay, đây không phải chuyện lạ khi khoảng 3 triệu người cao tuổi đang sống trong cảnh nghèo khó như vậy ở Hàn Quốc.
Từ bộ phim 'ký sinh trùng' đến đời thực ở hàn quốc- thực tế lạnh lùng và đau xót hơn phim ảnh (p.2)
Số liệu năm 2016 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy 50% người cao tuổi Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói, bất chấp đây là nền kinh tế phát triển thứ 4 Châu Á và thứ 11 thế giới. Những hình ảnh hào nhoáng trên phim Hàn chỉ mang tính hình thức khi ¼ số người già nước này sống cô đơn. Dù là nước có nền văn hóa coi trọng người cao tuổi nhưng phần lớn người già tại đây lại phải sống trong tuyệt vọng và đau khổ.
Hiện nay, người già chỉ chiếm 13% tổng dân số Hàn Quốc nhưng tỷ lệ này sẽ đạt 40% vào năm 2060, tạo nên cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, an sinh xã hội.
Vậy tại sao thế hệ những người đã làm nên kỳ tích sông Hàn giờ phải sống nghèo khó đến vậy? Chả lẽ con cháu họ không chăm lo cho người thân? Câu trả lời trên thực tế phức tạp hơn nhiều.
Một thế hệ hy sinh…
Nền kinh tế Hàn Quốc đã vượt qua được cuộc khủng hoảng hậu Thế chiến II và suy thoái năm 1997 để trở thành một trong những trung tâm tài chính, công nghệ Châu Á hiện nay.
Theo Giáo sư Lee Ho Sun của trường đại học Korea Soongsil Cyber University, sự giàu có mà Hàn Quốc có được ngày nay là do sự chăm chỉ của người lao động, những đối tượng đang ở tuổi xế chiều hiện nay.
Trớ trêu thay, tầng lớp này hiện vẫn phải làm việc dù đã qua tuổi nghỉ hưu. Chẳng khó để thấy những người già làm bảo vệ, lao công, nhặt rác quanh các khu phố của thủ đô Seoul. Thậm chí những người già này còn bị gọi là "Thế hệ bị lãng quên", ám chỉ những người sinh ra trong thời kỳ kinh tế khó khăn phải vật lộn để mưu sinh, đến khi kinh tế phát triển thì lại quá già để hưởng thành quả và bị xã hội cho ra rìa.
Phần lớn người già hiện nay ở Hàn đạt độ tuổi lao động khi cuộc khủng hoảng 1997 diễn ra khiến 2 triệu người mất việc làm. Họ vật lộn, hy sinh để lấy lại đà tăng trưởng cho Hàn Quốc nhưng giờ đây bị đào thải bởi những lao động trẻ hơn.
Tệ hơn, xã hội Hàn chẳng quan tâm mấy đến tầng lớp này. Quỹ hưu trí của Hàn chỉ được áp dụng vào cuối thập niên 1980 và chống chỉ định với những người cao tuổi còn con cái hay người thân. Mức hỗ trợ cũng chỉ vào khoảng 200.000 Won/tháng, tương đương 4 triệu VND, một con số quá ít để sống ở đất Hàn Quốc.
Điều thú vị là người già Hàn Quốc lại sống khá lâu với tuổi thọ bình quân trên 80, khiến nhiều người cao tuổi phải tìm đường mưu sinh cho riêng mình. Thậm chí nhiều người già còn phải đi bán dâm, tạo nên một thị trường mại dâm đặc biệt ở Hàn Quốc.
"Người già Hàn Quốc quan niệm mình có trách nhiệm làm gì đó cho xã hội nhưng không bao giờ nghĩ chính phủ sẽ trả ơn điều gì. Họ chỉ đơn giản nuốt đắng cay lại như nuốt thuốc độc", Giáo sư Lee nói.
…trong một xã hội vô tâm
Giám đốc Shin Sun Ho của tổ chức phi chính phủ Silver Volunteer Cooperation Association đã phải bật khóc khi nghe câu chuyện của một số cụ già. Đây là tổ chức chuyên giúp đỡ tài chính, tư vấn miễn phí cho những người cao tuổi Hàn Quốc, đặc biệt là những người trong "vùng xám", nghĩa là họ không được quỹ an sinh xã hội trợ cấp do có con cái hay người thân dù đang trong tình trạng khó khăn.
Bà Yim, một phụ nữ 86 tuổi cũng đi nhặt rác như bà Kim cho biết mình bị chia cắt với gia đình trong Thế chiến II và phải lao động trong nông trại cũng như làm giúp việc để mưu sinh. Khi kết hôn, chồng bà tiêu hết tiền tiết kiệm cho những vụ đầu tư, kinh doanh riêng.
Bất chấp khó khăn, người phụ nữ này vẫn lao động miệt mài để nuôi 5 người con ăn học để rồi chúng rời lên thành phố hết. Khi chồng bà qua đời, người phụ nữ này sống trong cô đơn mà chẳng có sự trợ giúp nào từ con cái.
"Những người con của tôi đến thăm tôi cùng một lúc và cũng đi hết cùng nhau. Các đứa cháu của tôi sợ phải thăm tôi vì ghét những con gián tại nơi tôi ở. Tôi luôn cảm thấy chán nản và tuyệt vọng về cuộc sống", bà Yim cười chua xót nói.
Ngoài lý do cần tiền để sống, bà Yim còn làm nghề nhặt rác cho đỡ buồn. Người phụ nữ này cũng như bao người cao tuổi Hàn Quốc khác không muốn nhờ cậy sự trợ giúp từ ai khác kể cả con cháu. Họ không muốn than phiền hay xin tiền vì không muốn trở thành gánh nặng cho chúng. Dù bị đối xử chẳng ra gì nhưng người phụ nữ này vẫn hết mực nghĩ cho con cháu mình.
Số liệu năm 2015 của Statistics Korea cho thấy 58,5% người già Hàn Quốc vấn tự kiếm tiền trả cho chi phí sinh hoạt hàng ngày, thậm chí 30% người trên 65 tuổi vẫn đang lao động chính thức dù quá tuổi nghỉ hưu.
Một hiện tượng kỳ lạ nữa là nhiều người già tại đây lại không hề thù hằn hay có ý tưởng hận xã hội. Lớn lên trong thời kỳ đất nước khủng hoảng, nhiều người cao tuổi cho rằng mình đã thất bại và khiến con cái cảm thấy thất vọng. Do đó họ không xứng đáng được nhận giúp đỡ.
"Làm sao tôi có thể mở lời nhờ sự giúp đỡ khi chồng và tôi không thể chu cấp đầy đủ cho chúng lúc còn nhỏ?", bà Yim nói.
Đây là một trong những điểm kỳ quặc tại Hàn. Giới trẻ Hàn thực tế không hoàn toàn ích kỷ nhưng họ lại được dạy dỗ tính thực dụng Phương Tây quá nhiều và ít được biết đến nền văn hóa ứng xử phương Đông. Bởi vậy khi cha mẹ nói rằng họ ổn, những đứa con này coi đó là điều hiển nhiên.
"Những đứa con tưởng tôi vẫn khỏe nhưng trên thực tế tôi bị đau lưng và mẩn khắp người mỗi khi đi làm về. Tôi bảo với chúng mình ổn vì không muốn chúng lo lắng", bà Yim thừa nhận.
Vào bệnh viện để... chờ chết
Quay lại câu chuyện của bà Kim ở đầu bài, người phụ nữ này đã làm giúp việc cho một gia đình giàu có suốt 30 năm nhưng bị cho nghỉ vì đã quá già.
Không muốn làm phiền con cái nên bà đã thuê một căn phòng giá rẻ, khoảng 50.000 Won (hơn 1 triệu)/tháng.
"Những con gián trong phòng khiến da tôi bị mẩn ngứa nhưng tôi chẳng có nơi nào để đi nữa cả. Chúng làm tôi phát điên", bà Kim than thở.
Ở tuổi 81, bà Kim biết mình chẳng sống được bao lâu khi sức khỏe suy yếu dần.
"Tôi thường nôn mửa khi ăn cơm vì hệ tiêu hóa đã quá yếu. Con trai tôi bảo tôi nên đi bệnh viện nhưng tôi không muốn. Tôi sẽ chỉ vào đó khi nào sắp chết nhưng tôi cũng cần phải chuẩn bị viện phí cho trường hợp đó. Bởi vậy tôi mới đi nhặt rác như hiện nay", bà Kim nhẹ nhàng nói.
Nghe thật trớ trêu nhưng một xã hội Hàn hiện đại, tiêu chuẩn sống cao và cũng có chế độ an sinh xã hội cho người già, chi trả hết các viện phí áp dụng từ năm 2008 nhưng lại chả mấy thực dụng. Phần lớn những người như bà Kim hay bà Yim đều sẽ bị chương trình này loại từ vòng kiểm tra, còn quan chức địa phương thì chẳng buồn quan tâm.
"Những người già thường không hiểu khái niệm về an sinh xã hội. Họ chẳng biết phải nhờ cậy chính phủ thế nào, được trợ giúp ra sao hay phải đến hỏi ai để được giúp", Giáo sư Lee nói.
Đây là tình trạng cực kỳ đáng báo động khi mô hình gia đình cơ bản nhất của xã hội bị tan vỡ trong khi hệ thống an sinh xã hội chỉ bày ra cho có.
Chủ tịch Yang Seung Jo của Ủy ban y tế và phúc lợi nghị viện Hàn Quốc cho biết trong quá khứ, những vấn đề này có thể được dễ dàng giải quyết trong gia đình. Tuy nhiên hiện nay ngay cả những người ở tầm 30-40 tuổi cũng phải vất vả mưu sinh nên chẳng thể nào lo hết cho người già.
Tệ hơn, nền kinh tế giảm tốc cùng tỷ lệ thất nghiệp 10,4% ở giới trẻ khiến mọi chuyện ngày càng đen tối.
Không những vậy, người già càng nhiều thì gánh nặng lên lớp trẻ càng lớn. Dự tính đến năm 2050, mỗi người già Hàn Quốc sẽ là gánh nặng cho 1,5 người lao động, cao hơn rất nhiều mức 5,1 lao động của năm 2015.
Trong khi các nghị sĩ và chính trị gia Hàn tranh cãi nên giải quyết vấn đề này thế nào thì những người như bà Kim lại chẳng còn quan tâm mấy.
"Tôi sẽ tự kiếm sống cho đến khi tôi còn có thể lao động. Sau đó tôi sẽ rút sạch tiền tiết kiệm, đến bệnh viện và chờ chết mà không nói gì với con cái cả. Giờ đây tôi chỉ quan tâm được đến thế thôi", bà Kim thở dài.
Thực tế phim ảnh chưa lột tả hết được sự đen tối trong xã hội Hàn Quốc
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Giá rẻ hơn, nhưng iPhone 16 "bản thường" lại sở hữu công nghệ còn xịn hơn cả iPhone 16 Pro Max
Hy vọng rằng, nâng cấp này sẽ được Apple mở rộng lên các dòng iPhone Pro trong tương lai.
Ơn trời, AI của Apple sắp hỗ trợ tiếng Việt, nhưng sẽ không phải trong năm nay