Về TV 8K của Samsung: đừng để định kiến "không có nội dung 8K thì TV 8K làm gì?" che mắt bạn
Khi bạn nghĩ thị trường TV có lẽ đã hạ nhiệt, thì những công nghệ xuất hiện tại IFA 2018 lại chứng minh bạn đã hoàn toàn sai lầm.
Tại sao lại nói vậy? Bởi bỗng nhiên, những chiếc TV độ phân giải 4K mà bạn vừa làm quen chưa được bao lâu dường như đang bị đạp sang một bên bởi một đạo quân TV 8K hoàn toàn mới, với số điểm ảnh gấp 4 lần những người tiền nhiệm.
Và ở đây, chúng ta không chỉ nói về những concept 8K được các hãng giới thiệu, chúng ta đang nói đến một dòng TV 8K có thực mà bạn sẽ sớm được mang về nhà vào cuối tháng này: Samsung Q900R.
Không còn là concept, mà là thực tế
Dù có những vấn đề thực tế không thể chối cãi với định dạng 8K, nhưng những cảm nhận ban đầu về chiếc TV Q900R của Samsung tại IFA cho thấy, 8K không phải là một sự lãng phí thời gian, cũng không phải là một mối đe doạ đến sự tồn tại của thế giới TV mà một số người đang lo ngại.
Về mặt thẩm mỹ, Q900R có thiết kế khá khiêm nhường, đến mức nếu bạn nhìn qua bộ khung màu xám hết sức bình thường được gắn trên cặp chân đế cũng bình thường không kém của Q900R, có lẽ bạn sẽ không hề nghĩ đây là chiếc TV dẫn đầu "cuộc cách mạng 8K" đâu.
Mặt lưng của Samsung Q900R 8K TV
Chân đế TV đơn giản nhưng hiện đại
Q900R mỏng như một siêu mẫu
Thực sự mà nói, hướng tiếp cận có phần bảo thủ này mang lại cảm giác khá phù hợp với tình hình thực tế nội dung 8K của Samsung một cách đáng ngạc nhiên.
Trong bất kỳ trường hợp nào, điều thực sự đáng quan tâm trên Q900R là những thành tố bên trong lớp vỏ khiêm nhường của nó. Và đó cũng là nơi Samsung để lại dấu ấn của mình, khi mà chiếc TV 8K mới chập chững bước vào cuộc chơi của họ có nhiều thứ để hấp dẫn người dùng hơn chỉ đơn thuần là được bổ sung thêm 24 triệu điểm ảnh so với các TV 4K trước đó.
Dòng Q900R kết hợp độ phân giải 8K với độ sáng ấn tượng 4.000 nits, đèn nền trực tiếp với hàng trăm vùng tối, phiên bản mới nhất của công nghệ QLED Quantum Dot (Chấm lượng tử) giúp tăng cường màu sắc và độ sáng, và có lẽ quan trọng hơn cả, là vi xử lý video mới tích hợp AI để kéo dãn hình ảnh lên độ phân giải 8K của Samsung. Nói cách khác, không như những chiếc TV 4K đầu tiên mà chúng ta từng thấy, chiếc TV 8K đầu tiên xuất hiện trên thị trường này có nhiều thứ đáng để quan tâm hơn chỉ là số điểm ảnh.
Đáng chú ý, trong suốt 90 phút trình diễn tại IFA, Samsung chưa bao giờ chọn nội dung 8K thuần để chiếu lên màn hình. Bạn sẽ cười và nói "làm sao họ có thể biểu diễn một thứ không hề tồn tại?". Nhưng thực sự thì Samsung đã chiếu một số nội dung demo ở độ phân giải 8K thuần trong quá trình trưng bày sản phẩm, và mọi nhãn hiệu khác tại IFA có màn hình 8K cũng đều làm điều tương tự. Do đó, việc Samsung chọn nội dung demo độ phân giải thấp hơn 8K là cực kỳ thận trọng, được tính toán chu đáo và giúp hãng tránh được mọi lời không hay.
Samsung biểu diễn AI kéo dãn hình ảnh lên 8K với nhiều nguồn hình ảnh khác nhau
Samsung tất nhiên quảng cáo khá nhiều về tiềm năng trong tương lai của nội dung 8K thuần - ám chỉ niềm tin của nhà đài nổi tiếng Nhật Bản là NHK rằng 8K là "độ phân giải tri giác", tức hình ảnh về cơ bản trông không khác gì ngoài đời thực. Và Samsung cũng chỉ ra rằng, không như bạn nghĩ, cơ sở hạ tầng để phát sóng các nội dung 8K đã được thiết lập ở khá nhiều nơi. Tuy nhiên, hãng không phủ nhận rằng nội dung 8K thuần lúc này vẫn rất thiếu thốn và khả năng cao sẽ chưa xuất hiện với số lượng lớn trong thời gian ngắn sắp tới.
Xóa tan định kiến về "kéo dãn hình ảnh"
ĐIều đó có nghĩa là, ít nhất về ngắn hoặc trung hạn, khi nói đến 8K, chúng ta mặc định nói đến việc kéo dãn hình ảnh.
Trải qua nhiều năm, kéo dãn hình ảnh (upscale) đã luôn bị xem là một việc không mấy hay ho trong cộng đồng AV (audio/video). Nhu cầu chuyển đổi các nguồn nội dung độ phân giải thấp lên độ phân giải cao hơn của các TV HD thời kỳ đầu, và sau đó là TV 4K, đã tạo ra suy nghĩ rằng kéo dãn nội dung nguồn sẽ khiến chúng trông tệ hơn so với khi hiển thị ở độ phân giải thuần. Nhưng qua những gì Samsung đã trình diễn trên chiếc Q900R, có thể nói khá chắc chắn rằng, nếu có đủ sức mạnh xử lý và nắm được kỹ thuật cốt yếu đằng sau quá trình đó, thì việc kéo dãn nội dung lên độ phân giải 8K có thể cải thiện chất lượng hình ảnh một cách rõ rệt, hơn bất kỳ thứ gì mà ngay cả những chiếc TV 4K tốt nhất có thể mang lại.
8K AI Upscaling Engine (hệ thống kéo dãn nội dung lên độ phân giải 8K sử dụng AI) của Samsung có 4 thành phần chính: kiến tạo chi tiết, khôi phục nội dung rìa (giảm nhòe thông qua nội suy), giảm nhiễu (tập trung vào cải thiện nhiễu lượng tử hóa tạo ra đối với các nguồn bị nén khi stream) và loại bỏ răng cưa khỏi các chi tiết cong và cạnh rìa. Màn trình diễn của Samsung đã cho người xem thấy được tất cả những thành phần đó, và kết quả thực sự rất ấn tượng.
Độ chi tiết, chiều sâu, màu sắc... là những thế mạnh của Q900R
Điều này càng được khẳng định khi bạn xem một màn demo so sánh hình ảnh độ phân giải 4K thuần trên một chiếc TV 4K của Samsung với phiên bản được kéo giãn của nó trên chiếc TV Q900R 85-inch. Sự khác biệt giữa hai hình ảnh hiển thị không chỉ hiển nhiên mà còn rất ngoạn mục. Hình ảnh 8K trông chi tiết hơn nhiều, nổi và có chiều sâu hơn, màu sắc trung thực hơn, sắc nét hơn, rõ ràng hơn, và tinh tế hơn, và phần viền của các vật thể trong hình ảnh trông tinh tế hơn nhiều.
Tất cả những cải tiến về mặt hình ảnh noi trên đều hiện ra không chút gượng ép hay mang lại cảm giác đã qua xử lý. Có thể nói, chúng trông đẹp mắt hơn và sống động hơn. Sống động hơn rất nhiều.
Sự khác biệt rõ nét giữa 4K/8K sẽ được thấy rõ ràng từ khoảng cách 3m trở lên. Bạn chẳng phải dán mặt vào màn hình 8K đâu.
Hình ảnh và màu sắc trung thực dưới mọi góc độ, một điểm mạnh của công nghệ QLED
Samsung còn có một số mẫu Q900R kích cỡ 75-inch tại khu vực demo, và trên những mẫu TV này, sự khác biệt của 8K cũng rất dễ nhận thấy.
Xét về mật độ điểm ảnh (pixels per inch - PPI) - một cách để xem xét độ phân giải, cho thấy số điểm ảnh được "nhét" vào một inch trên màn hình, ảnh hưởng đến độ mượt mà và trung thực tổng thể của hình ảnh. Theo cách xem xét này thì một TV 4K 43-inch sẽ mang lại độ phân giải thị giác tương tự một TV 8K 85-inch. Và một khi bạn bắt đầu nghĩ về độ phân giải theo hướng đó, cách nhìn nhận của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đây chính là chiếc TV QLED 8K đầu tiên của Samsung trên thị trường
Chiếc màn hình 4K mà Samsung dùng để hiển thị nội dung 4K thuần khi so sánh với nội dung đã được kéo dãn lên 8K do Q900R hiển thị là một mẫu TV khá cũ, không phải là mẫu Q9FN trứ danh. Do đó, không chỉ số lượng điểm ảnh trên Q900R, mà còn nhiều yếu tố khác như độ sáng, màu sắc, và đặc biệt là mức độ vùng tối được thừa hưởng từ Q9FN, đã khiến sự khác biệt trở nên rất rõ ràng giữa hai màn hình. Kết quả là, người xem không chỉ bị lôi cuốn bởi độ phân giải 8K mà còn bởi độ tương phản và sự tinh tế về màu sắc nữa. Hình ảnh trên Q900R không thể bàn cãi, là hình ảnh lộng lẫy nhất mà có thể thấy trên bất kỳ chiếc TV sắp ra mắt nào trên thị trường.
Bài toán nội dung thực sự không phải vấn đề nữa
Samsung không chỉ cho thấy khả năng hoạt động của 8K AI Upscaling đối với nội dung 4K, mà còn với các nguồn HD và cả các nội dung stream được nén khá nặng.
Với các hình ảnh HD, bạn không thấy rõ sự tăng cường độ phân giải như khi kéo dãn từ 4K, nhưng hệ thống kéo dãn hình ảnh vẫn làm một việc rất ấn tượng khi loại bỏ được hiện tượng dải màu và khối màu; làm mượt mà các cạnh răng cưa, và nhìn chung làm hình ảnh trong trẻo và đẹp hơn nhiều.
Với các nguồn nội dung stream bể hạt, dù hình ảnh thu được trên Q900R chẳng hề giống độ phân giải 8K hay cả 4K nữa, nhưng hệ thống kéo dãn hình ảnh AI 8K mới của Samsung đã làm tốt việc giảm hiện tượng ảnh giả - artifact khi nén hình và làm hình ảnh rõ nét hơn một cách cực kỳ ấn tượng.
TV 8K chắc chắn phải vượt qua những rào cản về tính thực tế và giải thích cho người tiêu dùng rõ những lợi ích của nó. Các nội dung 8K hiện vẫn chưa và sẽ chưa xuất hiện với số lượng lớn trong thời gian tới. Đồng thời, những ý kiến (sai lầm), như 4K là sự lãng phí thời gian vì mắt người không thể nhận ra sự khác biệt giữa 4K và HD, cũng sẽ gây khó dễ cho 8K.
Một điều khá bực bội nữa là một loạt các mẫu TV 8K giá rẻ sẽ xuất hiện trong năm tới, khả năng cao chỉ được tăng cường độ phân giải chứ không mang lại cải tiến nào về mặt chất lượng hình ảnh (đặc biệt là xử lý chuyển động và xử lý kéo dãn hình ảnh), qua đó giới hạn tiềm năng của 8K. Những chiếc TV như vậy có thể là "tội đồ" khiến hình ảnh 8K trông còn tệ hơn cả các hình ảnh 4K thuần.
Chứng kiến chiếc Q900R của Samsung trực tiếp hoạt động, bạn mới thấy một sự thật đơn giản là khi đi kèm với một giải pháp xử lý chất lượng hình ảnh mạnh mẽ, 8K sẽ có khả năng mang lại hình ảnh chất lượng rất nịnh mắt và được cải thiện đáng kể so với 4K. Thậm chí điều này vẫn đúng nếu bạn xem một nội dung 8K không thuần.
Hình ảnh hiển thị trên màn hình 8K của Q900R cực kỳ nịnh mắt và chân thực
Vậy nên, đến thời điểm này, nếu bạn đã hiểu cách thức tạo ra hình ảnh 8K của Samsung ấn tượng như thế nào, thì chúng ta cũng nên xua đi những ác cảm với 8K.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4