Vi khuẩn gây bệnh lậu không thể chữa được đang lây lan tại Trung Quốc

    zknight,  

    Cách tốt nhất là phòng bệnh ngay từ đầu.

    Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục và đang được điều trị bằng 2 loại kháng sinh: azithromycin đường uống và ceftriaxone đường tiêm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cảnh báo khuẩn lậu đang đề kháng mạnh với cả 2 loại thuốc này – và tình trạng đang lan rộng ra tại Trung Quốc.

    "Ceftriaxone là loại thuốc cuối cùng dùng để điều trị bệnh lậu", Vanessa Allen, trưởng khoa vi sinh tại Public Health Ontario cho biết. "Tại thời điểm này, chúng ta không có loại thuốc nào thay thế cho ceftriaxone".

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos Medicine. Trong đó, các nhà khoa học đã lấy mẫu gần 4.000 trường hợp mắc bệnh lậu trên khắp đất nước Trung Quốc. Kết quả chỉ ra 19% mẫu vi khuẩn giữa năm 2013 và 2016 kháng lại azithromycin, và 11% kháng ceftriaxone.

    Cá biệt, 3,3% mẫu vi khuẩn có khả năng đề kháng với cả hai loại thuốc này. Con số đã gia tăng so với tỷ lệ của năm 2013 chỉ là 1,9%.

    Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn thế giới, với khoảng 78 triệu trường hợp mắc mới mỗi năm. Nếu không được điều trị, lậu có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ vĩnh viễn như vô sinh và đau bụng mạn tính ở phụ nữ.

    Phụ nữ mang thai bị nhiễm lậu có thể truyền bệnh cho thai nhi, gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, chẳng hạn như nhiễm trùng mắt. Nếu vi khuẩn lây được máu hoặc khớp, nó có thể gây tử vong.

    Mặc dù tỷ lệ khuẩn lậu kháng kháng cả azithromycin và ceftriaxone chưa cao, nó rất đáng lo ngại. Nếu hai loại thuốc duy nhất có thể điều trị bệnh lậu bị mất hiệu lực, chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn.

    "Gần như khuẩn lậu đang chạy nhanh hơn khả năng phát triển thuốc an toàn và hiệu quả của chúng ta”, Allen nói. Hiện tại, chỉ có 2 loại kháng sinh đang được phát triển để dự phòng cho trường hợp xấu nhất:

    Loại thứ nhất được gọi là gentamicin, nhưng nó không phải lựa chọn lý tưởng. Gentamicin có tác dụng phụ ảnh hưởng tới thận và thính giác. Loại thứ hai là meropenem, cùng dòng với ceftriaxone. Nhược điểm của loại thuốc này là nếu khuẩn lậu kháng được với ceftriaxone, nó cũng dễ dàng kháng meropenem.

    Trong khi chúng ta chưa thực sự có được một kháng sinh mới để chống lại khuẩn lậu, cách tốt nhất để đối phó với nó là phòng bệnh ngay từ đầu. Quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su là một biện pháp hàng đầu. (Bệnh lậu cũng có thể lan truyền qua đường tình dục bằng miệng).

    Cũng phải nói rằng khuẩn lậu kháng kháng sinh không chỉ là vấn đề ở Trung Quốc. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, 97% các quốc gia được điều tra từ năm 2009 đến năm 2014 đã phát hiện các dòng khuẩn lậu kháng thuốc. Trong đó, 66% các quốc gia này cũng báo cáo sự xuất hiện của khuẩn lậu kháng được cả loại kháng sinh điều trị cuối cùng.

    CHÚNG TA CÓ THỂ PHÒNG NGỪA BỆNH LẬU NHƯ THẾ NÀO?

    Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Ðây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24.

    Nam giới có 20% khả năng mắc bệnh trong 1 lần quan hệ với nữ giới mắc bệnh. Phụ nữ có khoảng 60–80% khả năng mắc bệnh trong 1 lần quan hệ với nam giới mắc bệnh.

    Triệu chứng mắc bệnh lậu ở nam giời là niệu đạo tiết mủ màu vàng hoặc vàng xanh, kèm tiểu buốt, tiểu dắt. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng thường gặp như viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, có thể dẫn tới trạng vô sinh.

    Biểu hiện bệnh cấp tính ở nữ có những triệu chứng như tiểu buốt, mủ chảy ra từ trong niệu đạo, cổ tử cung, màu nâu, vàng hoặc xanh, số lượng nhiều, có mùi hôi. Tuy nhiên, 50-80% trường hợp bệnh lậu ở nữ không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Biến chứng thường gặp ở phụ nữ là viêm vùng chậu, ống dẫn trứng, vô sinh và mang thai ngoài tử cung.

    Phụ nữ đang có thai bị lậu không được điều trị có thể bị sẩy thai hoặc lây cho trẻ sơ sinh.

    Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh lậu bằng cách:

    • Không quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu

    • Sử dụng bao cao su và các biện pháp quan hệ tình dục an toàn

    • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, chậu, đồ lót…

    • Khám sức khỏe sinh sản định kỳ và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh

    Tham khảo Medium, Theverger

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày