Việc không có các tinh chỉnh về hiệu năng và tiêu thụ năng lượng, cũng như không có các ưu thế về xử lý đồ họa đã làm chip MediaTek luôn ở chiếu dưới so với chip Snapdragon của Qualcomm.
Huawei và Samsung là hai nhà sản xuất Android duy nhất có khả năng tự tạo ra các bộ xử lý cho riêng mình. Còn lại các công ty khác đều hoặc sử dụng chip của Qualcomm hoặc của MediaTek cho các thiết bị của mình.
Hai công ty này đang cùng nhau trở thành các nhà cung cấp chipset bên thứ ba thống trị thị trường từ nhiều năm nay, sau khi lần lượt các công ty như Texas Instruments, Intel và NovaThor của ST-Ericsson rút lui khỏi thị trường.
Mặc dù vậy, trong khi chip Qualcomm xuất hiện cả trên các thiết bị tầm trung và gần như là sự lựa chọn mặc định cho thiết bị cao cấp, chip MediaTek lại xuất hiện phổ biến trên các thiết bị tầm trung trở xuống. Vậy điều gì làm nên khác biệt này giữa hai hãng chipset?
Công nghệ CPU
Đối với các lõi CPU - một bộ phận quan trọng trong bộ xử lý - Qualcomm vốn có lịch sử tạo ra các lõi Kryo của riêng mình. Tuy nhiên, từ năm 2017, công ty đã chuyển hẳn sang các thiết kế tùy chỉnh (được đặt tên là Kryo Gold và Kryo Silver). Các thiết kế này được dựa trên các lõi CPU tiêu chuẩn của ARM, với một số tinh chỉnh về hiệu năng và khả năng tiêu thụ năng lượng.
Trong khi đó, MediaTek sử dụng các lõi CPU tiêu chuẩn của ARM cho bộ xử lý của mình, mà không sửa lại chúng tới mức độ như Qualcomm.
Qualcomm thường sử dụng các lõi CPU mới nhất và mạnh nhất của ARM mỗi khi chúng ra mắt, như trong trường hợp với Snapdragon 675. MediaTek không sử dụng các lõi ARM mới nhất (như Cortex-A75, A75 và A55), thay vào đó họ thường sử dụng các lõi cũ hơn.
Điều này lý giải tại sao, cho dù chip của cả Qualcomm và MediaTek đều có cùng số lõi CPU, nhưng việc các chip Qualcomm có xu hướng áp dụng các lõi mới với tốc độ cao hơn sẽ giúp bộ xử lý flagship của họ có sức mạnh lớn hơn.
GPU: vũ khí bí mật của Qualcomm?
Nhờ vào công nghệ đồ họa Adreno bí mật của mình, các GPU là lợi thế lớn nhất của Qualcomm. Vũ khí bí mật này có được từ thương vụ thâu tóm mảng kinh doanh chip đồ họa thiết bị cầm tay của AMD (Adreno vốn là phép đảo nghịch chữ của cái tên Radeon, thương hiệu card đồ họa của AMD).
Các GPU Adreno của Qualcomm gần đây thường ưu thế hơn các GPU Mali của ARM về điểm benchmark - nếu chỉ so sánh điểm số benchmark đồ họa giữa chiếc Samsung Galaxy Note9 dùng chip Qualcomm với phiên bản dùng chip Exynos (dùng công nghệ GPU của ARM).
GPU Mali-G76 mới của ARM đang là một bản nâng cấp lớn so với thế hệ trước, với hiệu năng lý thuyết của nó có thể ngang tầm laptop. Nhưng chắc chắn Qualcomm sẽ không chịu thất thế trong cuộc đua này, vì vậy có thể trong buổi thông báo chip flagship mới của công ty vào tháng 12, chúng ta sẽ thấy những nâng cấp lớn của công ty.
Máy học Machine Learning
Trong những năm gần đây, Qualcomm đã trang bị bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số (DSP) Hexagon của họ cho các tác vụ máy học. Bộ DSP này thường xử lý các tác vụ liên quan đến âm thanh, chụp ảnh và kết nối, nhưng công ty đã tinh chỉnh con chip (cùng với các CPU và GPU của mình) dành cho máy học. Nói cách khác, cho dù công ty không có chip AI dành riêng giống như cách mà Apple và Huawei đang làm, nhưng có vẻ họ vẫn hoàn thành vai trò này.
Bộ DSP hàng đầu Hexagon 685 của họ đang có mặt trên các con chip Snapdragon 845, Snapdragon 710, Snapdragon 670 và Snapdragon 675. Vì vậy, các tác vụ như nhận diện hình ảnh và các dạng tính toán suy luận offline khác sẽ được các con chip này giúp gia tăng sức mạnh xử lý.
Trong khi đó, MediaTek lại giới thiệu chipset Helio P60 với một bộ xử lý AI (bộ APU) chuyên biệt dành cho các điện thoại tầm trung. Bộ APU mang đến các tính năng như nhận diện khung cảnh thông minh, nhận diện gương mặt tốt hơn, và nhiều tính năng khác cho các điện thoại tầm trung.
Hỗ trợ từ các nhà phát triển và các bản cập nhật
Nếu bạn muốn cài một bản ROM mới lên điện thoại của mình, các smartphone trang bị chip Qualcomm thường là sự lựa chọn dễ tìm hơn. Từ nhiều năm nay, các điện thoại sử dụng chip MediaTek vốn đã có tiếng ít nhận được sự hỗ trợ từ các nhà phát triển (nếu không muốn nói là không có) khi so với Qualcomm. Điều này dường như có liên quan đến chính sách của công ty về việc phát hành mã nguồn, khi MediaTek vốn không cởi mở như nhà sản xuất Mỹ.
Các điện thoại dùng chip MediaTek cũng có tiếng là chậm trễ hoặc thiếu các bản cập nhật hệ thống. Lại một lần nữa, điều này lại thường rơi vào các thương hiệu cấp thấp vốn thường sử dụng các chip của họ, và cũng thường không đủ nguồn lực để cập nhật điện thoại của mình thường xuyên. Đây không hoàn toàn là lỗi của nhà sản xuất chip nếu một điện thoại sử dụng chip MediaTek lại không nhận được bản cập nhật.
Nhà sản xuất chip này đang cố gắng thay đổi điều này, bằng cách tham gia vào chương trình GMS Express một năm trước. Chương trình này cho phép MediaTek xuất xưởng một phiên bản Android hoàn thiện hơn, cùng với hàng loạt ứng dụng của Google cho các đối tác (thay vì chỉ phiên bản AOSP tối thiểu). Điều này làm nổi lên hy vọng rằng, các đối tác của MediaTek sẽ bắt đầu đưa các bản cập nhật tới người tiêu dùng nhanh hơn.
Chương trình Project Treble của Google cũng nhắm đến mục đích cung cấp các bản cập nhật nhanh hơn cho cả các thiết bị dùng chip Qualcomm và MediaTek. Project Treble phân chia một cách hiệu quả phần cứng và phần mềm của điện thoại thành các lớp riêng biệt, để các bản cập nhật phần mềm Android sẽ không ảnh hưởng đến phần cứng.
Hiệu quả của các nỗ lực này có thể thấy ở chiếc Nokia 3 và 3.1 - những điện thoại dùng chip MediaTek - đều đã nhận được các bản cập nhật Android. Rõ ràng cho dù nhà sản xuất chip không phải là nguyên nhân làm chậm việc cập nhật, nhưng Qualcomm vẫn có ưu thế hơn về cập nhật, và quan trọng nhất, là sự hỗ trợ về phát triển ROM từ cộng đồng.
Chiếc Meizu Pro 7 Plus, thiết bị hiếm hoi sử dụng chíp cao cấp MediaTek Helio X30.
Các thiết bị dùng chip Qualcomm và MediaTek
Với các yếu tố trên có thể thấy tại sao chip của MediaTek thường có giá rẻ hơn của Qualcomm. Điều này cũng lý giải tại sao chip MediaTek thường là sự lựa chọn phổ biến trên các thiết bị cấp thấp như Nokia 1, Nokia 3 và 3.1 hay Xiaomi Redmi 6 và 6A.
Không chỉ vậy, MediaTek cũng cố gắng tạo ra sự khác biệt cho con chip của mình khi so sánh với các sản phẩm tương tự từ Qualcomm.
Trên thực tế, con chip tầm thấp mới của MediaTek, Helio P22 cùng có thiết kế 8 lõi Cortex-A53 như của đối thủ Snapdragon 450, nhưng do được sản xuất trên tiến trình 12nm, nhỏ hơn so với tiến trình 14nm của chip Qualcomm, nên về lý thuyết, chip của MediaTek sẽ cho thời lượng pin dài hơn. Thậm chí Helio P22 còn hỗ trợ BlueTooth 5, một tính năng hiếm hoi ở dòng chip cấp thấp này.
Xiaomi Pocophone - thiết bị hiếm hoi dùng Snapdragon 845 nhưng có giá phải chăng.
Trong khi đó dòng thiết bị flagship chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của Qualcomm và các chip Snapdragon 800 của hãng (như Snapdragon 835 và 845). Năm ngoái, MediaTek cũng đã cố gắng tiến vào phân khúc này bằng chipset Helio X30 của mình. Tuy nhiên, thật không may X30 mới chỉ xuất hiện trên Meizu Pro 7 Plus, trong khi Snapdragon 835 có mặt trên hầu hết các thiết bị hàng đầu.
Còn đối với các thiết bị tầm trung lại chứng kiến sự hiện diện phổ biến của cả hai công ty. Qualcomm có các series chip như Snapdragon 400, 600 và 700 để đối đầu với các dòng chip Helio P60 và MT6750 của MediaTek - các bộ xử lý xuất hiện trên các thiết bị như Nokia 5.1 Plus, Realme 1, Oppo F9, LG Q7, và LG X Power 2. Trong khi đó, các dòng chip tầm trung của Qualcomm hiện diện trên Nokia 7 Plus, Xiaomi Mi A2, Xiaomi Redmi Note 5, Realme 2 Pro. Có thể thấy Snapdragon vẫn là sự lựa chọn của các thiết bị tầm trung tên tuổi hơn.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
"Trên tay" Sora suốt một tuần, đây là điều YouTuber MKBHD thán phục nhất về công cụ AI của OpenAI
Cho dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhưng YouTuber này cũng nhận ra công dụng hữu ích nhất của công cụ AI này.
Đây rồi Xiaomi YU7: SUV điện với thiết kế giống Ferrari Purosangue, tốc độ tối đa 253Km/h