Với V20, LG sẽ phá vỡ thế độc tôn của Samsung trên một khía cạnh không mấy ai nghĩ tới
Đây là lần đầu tiên một hãng smartphone ngoại trừ Samsung ra mắt được hai chiếc smartphone cao cấp trong một năm, theo cách thực sự có ý nghĩa.
Vào đầu tuần này, LG đã lên tiếng xác nhận sẽ ra mắt thế hệ LG V10 thứ hai (tên gọi chính thức là V20) vào tháng 9 sắp tới. Cũng giống như V10, V20 được kỳ vọng sẽ là một thế lực trên lĩnh vực phương tiện số nhờ camera xuất sắc, màn hình phụ hữu ích cũng như DAC 32-bit chất lượng cao. Ngoài ra, đây cũng sẽ là một trong những mẫu smartphone đầu tiên được cài đặt Android 7.0 Nougat, phiên bản Android được Google dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 9 sắp tới.
V20 chắc chắn sẽ là một mẫu đầu bảng thú vị hoặc là một nỗi thất vọng, nhưng sự ra đời của chiếc smartphone cao cấp này vẫn sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng cho LG: 5 năm sau khi Samsung ra mắt mô hình "song kiếm hợp bích" nhờ Galaxy S và Galaxy Note, một hãng sản xuất Android cũng đã thành công khi xây dựng mô hình 2 mẫu đầu bảng cho cùng một năm tài chính. Cuối cùng thì nếu như V10 không thành công, LG cũng chẳng có lý do gì để ra mắt V20 cả.
Tại sao một mô hình "song kiếm hợp bích" lại có ý nghĩa quan trọng?
Đầu tiên, hãy cùng nhìn vào từng "năm smartphone" và bạn sẽ nhận thấy không phải vô cớ mà Apple lại lùi lịch ra mắt iPhone từ mùa hè sang mùa thu kể từ năm 2011. Bằng cách phát hành sản phẩm vào cuối tháng 9, Apple sẽ giữ được tối đa sức nóng của iPhone qua ngày thứ sáu đen tối và qua cả kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, vốn đều là các đợt mua sắm màu mỡ nhất tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Thậm chí, khoảng thời gian từ ngày phát hành iPhone (tháng 9/tháng 10) cho tới ngày Tết Nguyên Đán tại các quốc gia châu Á cũng không phải là quá xa. Ngay tại Việt Nam, những ngày giáp Tết/sau Tết cũng luôn là những ngày iPhone cháy hàng nhiều nhất.
Thế nhưng, các hãng sản xuất Android lại không học theo chiến lược sản phẩm rất thông minh này của Táo. Các dòng sản phẩm chủ lực như LG G, HTC One và Galaxy S thường ra mắt vào đầu tháng 2 và thậm chí còn không tận dụng được những ngày mua sắm háo hức trước dịp Tết Nguyên Đán tại các nước châu Á. Đó là một chiến lược thực sự khó hiểu, nhưng có lẽ nguyên nhân là bởi ai cũng hiểu rằng iPhone là vua trên phân khúc cao cấp (ít nhất là về doanh số), và ra mắt vào cùng một khung thời gian với iPhone cũng chẳng khác gì mang phim hành động viễn tưởng đi công chiếu vào cùng một ngày với Avengers hay Star Wars.
Cũng phải chỉ ra rằng vẫn có những hãng Android "dũng cảm" ra mắt sản phẩm đầu bảng vào nửa sau của năm, trong đó đáng chú ý nhất là Sony. Thế nhưng, chiến lược của Sony là một ví dụ điển hình cho... thất bại. Việc ra mắt hai mẫu đầu bảng cùng thuộc dòng Z theo chu kỳ 6 tháng/lần khiến cho người dùng thực sự thấy rối loạn, vì họ vẫn chưa kịp thưởng thức đầy đủ chiếc Z3 mới mua thì thông tin về Z4 đã lộ diện. Làm mới smartphone với chu kỳ 6 tháng không những chẳng giúp Sony tăng sức cạnh tranh với đối thủ bên ngoài mà còn khiến "gà nhà" của hãng điện tử Nhật Bản phải tự đá nhau.
Thất bại do quá "mắn đẻ" của Sony đã chứng minh một sự thật rõ ràng: với mỗi dòng smartphone, chu kỳ nâng cấp 1 năm/1 lần là tối ưu nhất. Nhưng thử thách iPhone vẫn còn đó, và làm thế nào để lấp đi chỗ trống cuối năm?
Thực tế, trước cả khi Sony chuyển sang chu kỳ nâng cấp 6 tháng/lần, Samsung đã tìm ra được lời giải: Galaxy Note. Đây là chiếc smartphone đầu tiên khai phá phân khúc phablet cũng như thị trường người dùng chuyên nghiệp. Nhờ mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới lạ so với khuôn mẫu smartphone thông thường trước đó cũng như đập tan định kiến về màn hình lớn, dòng Note không chỉ thử thách chiếc iPhone ra mắt trong cùng một tháng mà còn góp phần khẳng định vị thế vững chắc của ông lớn Hàn Quốc trên thị trường cao cấp.
Ở khía cạnh khác, do là một dòng sản phẩm có vai trò khác hẳn Galaxy S nên những chiếc Note cũng hề đe dọa tới mẫu đầu bảng của Samsung. Ảnh hưởng tiêu cực giữa hai dòng sản phẩm này chắc chắn vẫn có nhưng chắc chắn sẽ không rõ rệt như Xperia Z.
Sau thành công của Note, các hãng khác cũng nhanh chóng tìm cách "học hỏi" chiến lược của Samsung. Nửa sau năm 2013, HTC ra mắt One Max, Sony ra mắt Xperia Z Ultra. Do đã ra mắt Optimus G từ tháng 11 năm 2012 nên LG nhanh chân hơn và ra mắt Optimus G Pro vào tháng 2/2013.
Không phải là một nhà sản xuất Android nhưng đến cả Nokia cũng muốn học hỏi thành công của Samsung. Vài tháng sau khi ra mắt Lumia 925, hãng smartphone Phần Lan ra mắt chiếc phablet cao cấp đầu tiên (và duy nhất) của mình, Lumia 1520. Thời điểm ra mắt? Cũng là nửa sau năm 2013.
Chìa khóa khác biệt
Song, nỗ lực phablet của các hãng nhanh chóng lụi bại. Tất cả các mẫu phablet kể trên hoặc là chỉ có một "đàn em" duy nhất, hoặc là chìm vào dĩ vãng. Năm 2014, LG rời lịch phát hành mẫu đầu bảng G3 lên tháng 5 và một lần nữa bỏ qua nửa sau của năm. Do G3 có màn hình 5.5 inch, LG cũng không còn lý do gì để ra mắt thêm một thế hệ G Pro mới.
Thất bại sấp mặt của các hãng Android trong cuộc chiến phablet đầu tiên trước Samsung đến từ một nguyên nhân quan trọng: màn hình "khủng" vẫn chưa đủ cho thành công. Công thức chiến thắng của Samsung còn đi kèm cả những tính năng vượt trội nhờ kết hợp với S Pen cũng như tổng thể trải nghiệm xứng tầm cao cấp (và dĩ nhiên là cả những chiến dịch marketing ấn tượng). Phải cho đến khi Apple ra mắt iPhone 6 Plus thì Samsung mới có đối thủ xứng tầm. Song, nói một cách công bằng thì iPhone 6 Plus chẳng có tính năng nào nổi trội so với iPhone 6 "thường" – lý do duy nhất để LG, HTC và Sony không thể làm phablet theo kiểu thiếu sáng tạo như Apple cũng vẫn chỉ là bởi fan Táo rất đông và rất trung thành.
Thành công không đến với những kẻ copy lười biếng.
Đứng từ góc độ này, bạn sẽ càng nhận thấy vai trò quan trọng của LG V10. Thành công của chiếc smartphone này có nghĩa rằng LG đã thực sự tìm ra giải pháp để có thể ra mắt hai dòng smartphone chủ lực trong cùng một năm mà không tự dẫm vào chân mình. Trong khi dòng G luôn luôn có sức mạnh vượt trội và tính năng phá cách thì V10 lại đi theo một triết lý khác hẳn: chiếc smartphone này tập trung vào các tính năng nghe nhìn quen thuộc (màn hình lớn, DAC "xịn") cũng như các đột phá có trọng tâm là trải nghiệm thực tế của người dùng (màn hình phụ luôn bật để hiển thị thông tin thời tiết/pin/thời gian, camera kép mặt trước để tăng chất lượng ảnh tự sướng cũng như khả năng quay và chia sẻ video dễ dàng).
Nói cách khác, trong cùng một năm, LG đã ra mắt được hai sản phẩm cao cấp có lý do tồn tại khác hẳn nhau và đều có thể coi là đủ tốt để cạnh tranh sòng phẳng trên phân khúc cao cấp. Sang tới năm nay, dòng G nhận được cải tiến lớn nhờ thiết kế module đột phá, còn V20 sắp ra mắt sẽ lại càng được tăng cường các tính năng ảnh, video và nhạc, dựa theo tuyên bố mới nhất của LG.
Một thế giới Android mới
Nhìn rộng hơn, thành công của LG V10 là một bài học cho cả thế giới Android: công ty nào cũng có thể tạo ra một mô hình "song kiếm hợp bích" để bao phủ cả năm tài chính, miễn là họ tao ra một sản phẩm đủ khác biệt với dòng đầu bảng sẵn có.
Nói sẽ dễ hơn làm, nhưng rất nhiều hãng Android đang có tiềm năng để làm được điều này. Ví dụ, Lenovo có thể tái cơ cấu dòng Moto X để phục vụ đối tượng người dùng cao cấp cần những sản phẩm hoàn thiện có thiết kế đẹp trong khi tập trung dòng Moto Z vào các tính năng module sáng tạo nhưng lại nằm ngoài phạm vi quan tâm của người dùng phổ thông. HTC có thể ra mắt thêm một dòng đầu bảng mới, tập trung duy nhất vào âm thanh BoomSound hoặc trải nghiệm VR, vốn hiện tại đang được đón nhận tốt nhờ thành công của Vive. Những cánh cửa đã thực sự rộng mở từ đây, và như LG đã chứng minh, chìa khóa là "sáng tạo" và "dũng cảm".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI