Xác nhận loài tắc kè mới với cơ chế tự vệ siêu dị: Tự lột bỏ hết vảy để tránh kẻ thù

    Neo,  

    Chắc chắn bạn đã từng nghe chuyện tắc kè, thằn lằn, thạch sùng tự ngắt đuôi để tránh kẻ thù. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra một loài tắc kè mới, đảm bảo mạng sống của mình bằng cách lột bỏ toàn bộ lớp vảy bên ngoài.

    Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài thằn lằn mới sinh sống ở Madagascar này là Geckolepis megalepis. Vảy của G. megalepis có kích thước khá lớn và khi bị đe dọa loài thằn lằn này tự lột bỏ lớp vảy dùng một lớp tế bào da.

    Nhờ vậy, G. megalepis có thể mau chóng chạy trốn trong khi kẻ thù của nó mải mê nhai số vảy còn lại. Phương pháp này có vẻ hơi thô thiển nhưng lại cực kỳ hữu dụng.

    G. megalepis rất dễ lột vảy nên các nhà khoa học gặp khó trong việc bắt giữ một mẫu vật nguyên vẹn phục vụ quá trình nghiên cứu. Thực tế, trong những năm 1800, khi mới phát hiện ra loài tắc kè này, các nhà khoa học đã cố gắng ngăn chặn cơ chế lột vảy bằng cách bọc chú tắc kè bằng bông. Phương pháp này không có tác dụng.

    Hiện tại, các nhà khoa học tiến hành bắt mẫu vật bằng cách bẫy chúng vào những chiếc túi để tránh làm chúng sợ. Nhưng ngay cả khi thực hiện phương pháp này một số lớp vảy vẫn bị bong. Dù vậy, vảy của G. megalepis mọc lại khá nhanh, chỉ sau vài tuần lớp vảy quanh cơ thể nó đã phục hồi hoàn toàn.

    Để xác định xem G. megalepis có phải là một loài tắc kè mới hay không, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp phân tích giải phẫu xương. Hình ảnh 3D độ phân giải cao của bộ xương cho thấy G. megalepis là một loài riêng, khác hẳn 12 loài tắc kè đã được phân loại nhờ phương pháp phân tích DNA trước đây.

    Mặc dù có phương pháp tự vệ tuyệt vời nhưng G. megalepis không thoát khỏi những mối đe dọa từ con người.

    Các loài bò sát sống tại Vùng đệm Ankarana của Madagascar đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn phá rừng, khai thác mỏ sapphire trái phép, những vụ cháy rừng do con người gây ra và nạn chăn thả vật nuôi tự do. Chính vì thế, các nhà khoa học cho rằng G. megalepis cần được liệt kê vào danh sách các loài động vật gần bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

    Theo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ