5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng

    M.Đức - WeBuy, Thể thao văn hóa 

    Chưa nói đến vấn đề Tự chủ tài chính, nhiều bạn trẻ giờ muốn không hết sạch tiền vào cuối tháng còn khó

    Sau khi xem những video phân tích về thế hệ GenZ ở cả những nước phát triển hơn Việt Nam rất nhiều đang sống cuộc sống “Làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu”, thậm chí rơi vào nợ nần chồng chất tôi bỗng cảm thấy giật mình vì thấy một phần bản thân trong đó.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 1.

    Ảnh: Internet

    Thói quen chi tiêu vô tội vạ, đôi khi còn vay tiền để mua sắm mà không có khả năng chi trả khiến giấc mơ “Tự chủ tài chính” của GenZ trở nên quá xa vời, nặng nề hơn thì đến ngày cuối mỗi tháng đã “cháy túi” rồi!

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 2.

    Giới trẻ nhiều quốc gia đang nợ nần chống chất! Ảnh: Sưu tầm

    Nếu đó là bạn, hãy thử sử dụng 5 cách dưới đây để đồng tiền lương của bạn không còn gặp tình trạng “không cánh mà bay” nữa!

    Áp dụng thử quy tắc “2 tài khoản”

    Tôi cũng đã có một bài viết riêng về quy tắc “2 tài khoản” của bản thân, nói một cách tóm tắt thì tôi sẽ sử dụng 2 tài khoản ngân hàng một để tiêu dùng một chỉ để tiết kiệm giúp quản lý tài chính tốt hơn, tạo ra “vật cản” mỗi khi muốn mua một món đồ gì đó có giá trị quá cao, không phù hợp với mức lương của mình.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 3.

    Một tài khoản tiết kiệm, một tài khoản chi tiêu thường nhật. Ảnh: M.Đức

    Nếu bạn nghiêm khắc với bản thân trong việc quản lý tài chính thì chả cần dùng tới cách này, bạn sẽ tự ý thức được mỗi tháng nên sử dụng và tiết kiệm bao nhiêu tiền. Thậm chí những bạn có khiếu mua bán còn có thể sử dụng khoản tiền mình tiết kiệm được để kinh doanh, nâng cấp bản thân để không phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất.

    Bỏ thói quen “Cái gì mới là phải mua”

    Muốn không hết tiền thì… đừng tiêu quá nhiều! Nghe câu này thật là hiển nhiên nhưng đôi lúc chúng ta vẫn không thực hiện được. Mỗi người đều có đam mê trong cuộc sống và ai cũng muốn có được món đồ “sang xịn mịn” nhất, nhưng không phải ai cũng có thu nhập để theo kịp được với đam mê.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 4.

    Hội chứng "FOMO" khiến nhiều người tiêu sài quá tay. Ảnh: Internet

    Bản thân là một người yêu các sản phẩm công nghệ, đôi lúc tôi cũng mắc phải FOMO (Hội chứng sợ bị bỏ lỡ) và muốn có được món đồ tốt nhất. Thay vì hài lòng với chiếc smartphone vẫn đang sử dụng được của mình, tôi muốn có một chiếc flagship với cấu hình “mạnh hơn chỗ này chỗ kia”, thay vì tiếp tục gõ phím trên bàn phím được công ty cấp tôi cũng gắng mua một chiếc bàn phím cơ cho “bằng bạn bằng bè”.

    Nhưng trong những lúc này, tôi phải nhắc bản thân rằng mình vẫn còn trẻ chưa có tiềm lực tài chính dồi dào, cần phải hài lòng với các món đồ “đủ tốt” chứ đừng mơ tưởng đến thứ “tốt nhất”.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 5.

    Đồ điện tử hiện nay đã được thiết kế để bền bỉ trong nhiều năm. Ảnh: M.Đức

    Thay đổi suy nghĩ, thói quen mua sắm không phải là dễ, thậm chí nó còn trở thành “Hội chứng mua sắm” hủy hoại cuộc sống của nhiều người. Nếu đó là bạn, hãy như tôi và tự nhắc bản thân rằng những thứ mình có là “đủ tốt” và có thể tiếp tục sử dụng được lâu dài. Smartphone hay bất cứ đồ điện tử nào cũng được thiết kế để có độ bền cao, sử dụng trong nhiều năm; quần áo mua vừa đủ mặc thì sẽ hết công dụng của từng món hơn.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 6.

    Mua ít đồ đạc hơn cũng là 1 cách để bảo vệ môi trường. Ảnh: Internet

    Việc tiêu dùng tiết kiệm, không “bạ đâu mua đó” cũng là cách để bạn bảo vệ môi trường. Ngành thời trang, may mặc xả lượng CO2 lớn thứ 3 trong các ngành công nghiệp (theo World Economic Forum, số liệu của 2021) lại còn làm ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Ngành công nghệ tiêu dùng cũng chả “kém cạnh” khi mỗi năm tạo ra 50 triệu tấn rác thải điện tử (e-waste).

    Đi chơi cũng phải lên kế hoạch và biết nói “Không”

    Tương tự với việc mua sắm, những chuyến ăn - chơi cũng cần được tiết chế nếu bạn muốn tiết kiệm tiền. Thậm chí đây còn là khoản “ngốn tiền lương” đối với 1 số bạn, vì có thể họ mua sắm không nhiều nhưng luôn sẵn sàng đi ăn uống với bạn bè, đi du lịch muôn nơi. Cá nhân tôi cũng thích việc ăn - chơi để có trải nghiệm cuộc sống, kết nối với người xung quanh hơn là “tích góp” đồ đạc, song nếu không biết “tự lượng sức mình” thì cũng rất tốn tiền.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 7.

    Lên kế hoạch trước mỗi chuyến đi để "vui nhưng vẫn tiết kiệm". Ảnh: Internet

    Tôi đặt ra cho mình quy tắc là chỉ đi ăn hoặc đi chơi với những người bạn tối đa 2 lần trong một tuần để không sa đà vào việc hưởng thụ. Trong các chuyến đi chơi, việc tiêu tiền cũng được tôi ghi lại vào sổ hoặc ứng dụng quản lý chi tiêu để không sử dụng quá hạn mức đặt ra cho bản thân.

    Những “chiêu” tiết kiệm khi đi du lịch cũng sẽ được chúng tôi chia sẻ trong những bài viết khác, nhưng kể nhanh thì gồm có: Săn vé máy bay qua ứng dụng để thêm voucher, đặt sớm khách sạn, mua trước các loại vé ở điểm đến…

    Được tăng lương cũng đừng tăng mức sống quá đà

    Việc tiết kiệm đối với tôi được áp dụng dù thu nhập có tăng hay giảm. Khi mới đi làm cộng tác viên bán thời gian với mức lương “sinh viên mới ra trường” cho đến giờ đi làm chính thức, tôi vẫn không tăng mức sống theo tỷ lệ thuận tương xứng. Tiêu xài vẫn vậy giúp tôi có thể tiết kiệm được nhiều hơn, rời xa hơn cảnh sống “cháy túi” vào cuối tháng.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 8.

    Tăng lương cũng đừng tăng mức sống quá nhiều. Ảnh: Internet

    Tất nhiên quy tắc này không nên áp dụng một cách cứng nhắc. Nếu có tiền mà không tiêu vào bản thân và những người xung quanh, chỉ để tiết kiệm thì thật phí hoài. Mấu chốt là không nên “tiêu xài thả ga”, vì dù bạn có kiếm được bao nhiêu đi chăng nữa thì việc có thể tiêu sạch trong thời gian ngắn là quá dễ dàng!

    Đi tìm những nguồn thu nhập khác nhau

    “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” là một quy tắc mà bất cứ ai mới đi làm cũng đều nắm rõ, và nó có thể áp dụng với bất cứ ai, bất cứ nghề gì. Trong năm 2023 kinh tế có những sự khó khăn, bạn không thể phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất để nuôi sống bản thân và những người xung quanh được.

    Đến cả các công ty lớn như Google, Facebook hay Twitter còn thẳng tay sa thải hàng loạt nhân sự cống hiến tới hàng chục năm, thì việc bạn có thể thay thế sau 1 cuộc họp của cấp trên là hoàn toàn có thể.

    5 cách để GenZ không gặp tình trạng "cháy túi" mỗi dịp cuối tháng - Ảnh 9.

    Nguồn thu nhập thụ động giúp bạn không phụ thuộc vào công việc chính. Ảnh: Internet

    Những nguồn thu nhập khác có thể là thụ động như tham gia chương trình affiliate của các chợ thương mại điện tử, tạo nội dung trên mạng xã hội, buôn bán nhỏ lẻ hoặc dễ nhất là gửi tiền ngân hàng nếu bạn có 1 khoản tiết kiệm - lãi không lớn nhưng vẫn không để tiền 1 chỗ. Hoặc nguồn thu nhập có thể là chủ động với công việc thứ 2 - thường là dạng cộng tác viên, freelance với thời gian linh hoạt để không ảnh hưởng tới công việc chính.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ