Android phân mảnh một cách tệ hại, và đây chính là dự án sẽ giải quyết hoàn toàn điều đó

    Nguyễn Hải,  

    Thay vì phụ thuộc vào các nhà sản xuất, với Mainline, Google sẽ gửi các bản cập nhật bảo mật thẳng tới thiết bị Android thông qua Play Store.

    Đã từ lâu vấn đề phân mảnh đã trở thành một nỗi đau nhức nhối của hệ điều hành Android. Về cơ bản, nó liên quan đến thực tế rằng, những thiết bị Android khác nhau đang chạy trên các phiên bản khác nhau của hệ điều hành này. Điều này tương phản hoàn toàn với iPhone khi hầu hết các thiết bị đều chạy trên cùng một hệ điều hành.

    Vấn đề này đã bắt đầu gần như từ khi Android ra mắt và nó càng trở nên tồi tệ hơn mỗi khi một phiên bản Android mới ra mắt. Nó không chỉ gây ra các vấn đề về tính năng mà còn cả các vấn đề về bảo mật đối với người dùng. Google nỗ lực giải quyết vấn đề này từ nhiều năm nay nhưng dường như không có gì thực sự hiệu quả.

    Tuy nhiên trong hội nghị nhà phát triển I/O 2019 đang diễn ra, Google đang đưa ra một dự án mới để giải quyết một phần nỗi đau này: Project Mainline. Giờ đây thay vì phụ thuộc vào các nhà mạng, các nhà sản xuất thiết bị, Google sẽ đưa các bản cập nhật bảo mật tới thẳng thiết bị Android thông qua Play Store.

    Android phân mảnh một cách tệ hại, và đây chính là dự án sẽ giải quyết hoàn toàn điều đó - Ảnh 1.

    Những nỗ lực đầu tiên

    Nỗ lực đầu tiên trong cuộc chiến chống lại sự phân mảnh là liên minh Android Update Alliance được thông báo trong hội nghị I/O 2011 của Google. Mục tiêu của nó là hợp tác với các nhà mạng và các nhà sản xuất để cung cấp các bản cập nhật Android kịp thời hơn. Tuy nhiên, bên cạnh thông báo đó, liên minh này gần như chẳng làm gì để chống lại điều này.

    Sáu năm sau thất bại đó, Google nỗ lực lần hai với Project Treble, một dự án nhằm cấu trúc lại cách các bản cập nhật của Android hoạt động bằng một nền tảng được xây dựng nên để giúp đỡ quá trình đó. Do nó chỉ là một tùy chọn cập nhật cho các nhà sản xuất, vì vậy, mức độ chấp nhận dự án này rất chậm chạp, và chỉ mới tăng tốc từ Android 9.0 (Pie).

    Android phân mảnh một cách tệ hại, và đây chính là dự án sẽ giải quyết hoàn toàn điều đó - Ảnh 2.

    Tình trạng phân mảnh của Android

    Về lý thuyết nó giúp quá trình xây dựng và xuất xưởng các bản cập nhật dễ dàng hơn cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên phần lớn các thiết bị không nhận được cập nhật bảo mật hàng tháng như những chiếc Pixel – chúng thường được cập nhật hàng quý, nghĩa là người dùng có thể bị rủi ro 3 tháng mỗi lần.

    Project Mainline sẽ là giải pháp cho tình trạng này

    Giờ đây, Google có thể bỏ qua các nhà sản xuất và nhà mạng để đưa các bản cập nhật tới thiết bị thông qua Play Store. Một ưu điểm khác của dự án này là nó có thể cài đặt các bản cập nhật mà không cần khởi động lại hệ thống, vốn là điều bắt buộc khi cài đặt các bản cập nhật hệ điều hành cho điện thoại Android.

    Tuy nhiên, không phải mọi thiết bị Android đều sẽ được hưởng lợi ích này. Project Mainline là một phần trong Android Q. Nghĩa là bạn sẽ phải đợi điện thoại của mình được cập nhật lên hệ điều hành vẫn chưa ra mắt này của Google thì mới có thể cảm thấy an toàn khi các cập nhật về bảo mật sẽ được đưa tới thiết bị của mình kịp thời.

    Android phân mảnh một cách tệ hại, và đây chính là dự án sẽ giải quyết hoàn toàn điều đó - Ảnh 3.

    Ngoài ra, một điều khác cần chú ý. Việc cập nhật thông qua Play Store mới chỉ dành cho các bản cập nhật bảo mật, Google vẫn chưa thể gửi cả phiên bản hệ điều hành Android tới điện thoại của bạn thông qua cách thức này. Bạn vẫn phải chờ nhà sản xuất của bạn làm điều đó. Có thể điều đó sẽ đến vào một lúc nào đó, nhưng không phải hôm nay.

    Hiện tại Project Mainline sẽ cập nhật 12 bộ phận cốt lõi quan trọng trong Android, vốn trước đây được đưa tới thiết bị thông qua các bản cập nhật lớn, do nó liên quan tới hoạt động của các phần khác trong hệ điều hành. Google chia nó thành 3 danh mục chính:

    Bảo mật: Media Codec, Media Framework Component, DNS Resolver (phân giải DNS), Conscrypt.

    Riêng tư: Documents UI, Permission Controller, ExtServices.

    Tính nhất quán (Consistency): Timezone Data, ANGLE (tùy chọn của nhà phát triển), Module Metadata, Networking component, Captive Portal Login, Network Permission Configuration.

    Do những bộ phận cốt lõi này nằm sâu trong Android nên các thiết bị có UI tùy chỉnh như của Xiaomi hoặc Samsung sẽ không thể cập nhật theo cách này. Trên thực tế, ban đầu danh sách các bộ phận được cập nhật còn lớn hơn thế, nhưng sau một quá trình đàm phán giữa Google và các đối tác, nó đã được rút xuống còn 12 bộ phận.

    Bên cạnh thông báo về Project Mainline, Google cũng cho biết danh sách các thiết bị sẽ nhận được bản Android Q beta, bên cạnh những chiếc Pixel còn có các thiết bị từ các nhà sản xuất khác bao gồm: Asus Zenfone 5z, Essential PH-1, Nokia 8.1, Huawei Mate 20 Pro, LG G8, OnePlus 6T, Oppo Reno, Realme 3 Pro, Sony Xperia XZ3, Tecno Spark 3 Pro, Vivo X27, Vivo NEX S, Vivo NEX A, Xiaomi Mi 9, Xiaomi Mi MIX 3 5G.

    Nếu thiết bị của bạn có tên trong danh sách, có lẽ bạn sẽ sớm được trải nghiệm những khác biệt mà Android Q và Project Mainline đem lại trong thời gian tới.

    Tham khảo HowtoGeek, Android Central

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ