Anh chàng này mua được HAI TẤN LEGO về chơi, dùng machine learning để phân loại từng miếng

    Dink,  

    Nếu không chẳng lẽ ngồi nhặt tay?

    Chẳng có trường hợp nào kì dị như chuyện anh Jacques Mattheij đi mua đồ này cả. Một tối đẹp trời, anh lên eBay mua đồ và đấu giá một lốc LEGO, rồi sau đấy để đó đi ngủ. Khi tỉnh dậy, anh bỗng dưng trở thành người tàng trữ LEGO nhất xóm, khi phát hiện ra rằng mình đã thắng cuộc đấu giá đêm qua và giờ anh là chủ sở hữu của hơn HAI TẤN đồ chơi LEGO.

    Điều đầu tiên mà anh chia sẻ, đó là “Bài học số 1 của việc đấu giá: nếu như bạn thắng gần như mọi giá mà mình đã đưa ra thì bạn đang ra giá quá cao”.

    Anh Mattheij nhận thấy rằng đống LEGO ấy chưa được phân loại, sẽ có giá khoảng 10 euro/kg, những phần nào đi theo bộ sẽ có giá khoản 40 euro/kg và những mảnh ghép hiếm sẽ có thể có giá lên tới 100 euro/kg. Những mảnh LEGO chỉ có giá trị lớn khi chúng đã được phân loại ra, cứ tưởng tượng như anh Mattheij mua về 2 tấn đất đá để đào lấy vàng và ngọc quý vậy.

    Người ta thường dùng tay để lựa, còn với 2 tấn đồ nhựa này, anh Mattheij nghĩ rằng nó sẽ là một bài thử cực kì hợp lý cho máy tính. Anh sẽ nhờ máy tính làm phần việc khó khăn này. Mattheij viết: “Có khoảng 38.000 mảnh ghép vào khoảng 100 màu sắc khác nhau”.

    Thế là trong nhiều tháng tiếp theo, sau khi nhận được cả tấn LEGO kia, anh xây dựng một hệ thống phân loại LEGO. Anh phân tách “bài toán lớn” này thành nhiều vấn đề nhỏ để xử lý từng phần một, rồi tổng hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh. Sau khi thử nghiệm nhiều mẫu khác nhau, anh tạo ra một hệ thống phức tạp gồm một băng chuyền (chạy trên “nền tảng” một máy chạy bộ thể dục), một hệ thống khay đựng và “một lượng hồ dán nhiều đến khó tả”.

    Machine learning giúp anh Mattheij phân loại LEGO.

    Thời gian dài thử nghiệm cũng cho phép anh có thể viết đi viết lại phần mềm phân loại cho hoàn hảo, để nó có thể hoàn thiện được nhiều việc đơn giản khác nhau. Về cơ bản, một webcam thu nhận hình ảnh của những miếng LEGO, đưa vào mạng thần kinh nhân tạo (neural network) để tiến hành phân loại. Tất nhiên là mạng thần kinh này phải được “huấn luyện” trước: chúng sẽ được xem dần dần các hình ảnh, đoán cho đến khi nào đúng và từ những thông tin đúng, chúng sẽ tự học để ghi nhớ.

    Anh Mattheij vẫn phải tự mình vận động, làm giám khảo chấm xem mạng thần kinh nhân tạo của mình có nhận dạng được đúng miếng LEGO thuộc loại nào không. Càng thực hiện nhiều, cơ sở dữ liệu càng được cập nhật thêm nhiều. Nó làm liên tục cho tới khi có thể tự phân loại mà không cần chỉ dẫn.

    Hiện tại, cỗ máy này phân loại được 50 loại LEGO khác nhau. Anh Mattheij cũng chưa hoàn toàn hài lòng với hệ thống này và anh vẫn đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện nó, cố gắng làm cho việc phân loại được nhanh hơn. Anh sẽ sớm đưa hệ thống này lên mạng dưới dạng mã nguồn mở, để mọi người có thể tự xây cho mình một hệ thống tương tự hoặc ít ra là nghiên cứu xem nó ra sao.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ