Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà

    Dink,  

    Bằng Phương trình Drake nổi tiếng, ta tính ra được một con số "mang tính chất tham khảo".

    Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà - Ảnh 1.

    Ta có cô đơn trong Vũ trụ này không? Câu hỏi này vẫn làm phiền các nhà khoa học, nhà triết học có lẽ là từ khi ta biết Vũ trụ rộng lớn vô tận này tồn tại. Hơn nửa thập kỷ nay, ta đã nhờ cậy vào tổ chức khoa học mang tên Tìm kiếm Trí tuệ Ngoài Hành tinh (SETI) làm công việc đúng với cái tên của họ. Kể từ khi SETI khởi động vào năm 1960, ta đã có ít nhiều tia hi vọng mỏng manh.

    Trong vũ trụ có tới hàng nghìn tỉ tỉ ngôi sao, và ta cũng biết rằng đa số số sao này đều có những hành tinh quay quanh mình. Tỉ lệ để có một nền văn minh ngoài Trái Đất cực kì cao, vấn đề nằm ở chỗ ta phải tìm được nó.

    Thế nhưng đã gần 60 năm kể từ lúc Dự án Ozma sử dụng kính viễn vọng vô tuyến tìm quanh Vũ trụ hòng tìm thấy một dấu vết nhỏ nào, ta vẫn chưa có được một chút bằng chứng nào cho thấy ta không cô đơn cả. Một số nhà nghiên cứu tại SETI, đơn cử như nhà thiên văn học lão làng Seth Shostak, thì lại lạc quan rằng việc thiết lập liên lạc với người ngoài hành tinh có thể diễn ra bất kì lúc nào.

    Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà - Ảnh 2.

    Seth Shostak.

    Nhưng theo một nghiên cứu mới của Viện Tương lai Nhân loại của Đại học Oxford, thì điều này có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra. Khả năng cao con người là giống loài thông minh nhất trong khoảng Vũ trụ nhìn thấy được.

    Năm 1950, nhà vật lý học Enrico Fermi bận bịu với việc phát triển, chế tạo bom hydro – một trong những thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh hoàng nhất từng được chế tạo ra - tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos. Tuy nhiên, trong thời gian rảnh, ông vẫn ngồi suy ngẫm đôi chút về Vũ trụ này.

    Xét tới kích cỡ của Vũ trụ, ông Fermi nhận định rằng Vũ trụ sẽ đầy rẫy những sinh vật có trí tuệ cao. Thế nhưng vẫn ta vẫn chưa thiết lập được liên lạc với bất kì dạng sống khác nào.

    Quá im ắng, đến mức người ta gọi sự trái ngược này là Nghịch lý Fermi. Tuy nhiên, nhà vật lý học Fermi chỉ nêu ra sự trái ngược đó chứ chưa có bất cứ nghiên cứu chuyên sâu nào. May mắn thay, một thập kỷ sau, nhà khoa học hành tinh Frank Drake biến Nghịch lý Fermi thành con số thực thụ.

    Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà - Ảnh 3.

    Enrico Fermi.

    Ta có được Phương trình Drake nổi tiếng, cho tới giờ vẫn được các nhà nghiên cứu tại SETI sử dụng để đo đạc tỉ lệ tồn tại sự sống trong Dải Ngân hà.

    Để có được con số ước tính số lượng các nền văn minh có trí thông minh trong Vũ trụ, Phương trình Drake kết hợp từ số lượng trung bình của sao tạo ra trong một năm, số lượng sao có hành tinh quanh quanh, số lượng hành tinh giống Trái Đất, số lượng hành tinh giống Trái Đất có thể duy trì sự sống, số lượng sự sống có thể là dạng sống thông minh, số lượng dạng sống thông minh có thể tiến hành liên lạc và ta nhận được tín hiệu, độ dài của những nền văn minh ta đã tìm ra ấy.

    Tại Hội nghị Green Bank diễn ra năm 1961, nối tiếp sau việc Dự án Ozma đóng cửa, lần đầu tiên Frank Drake giới thiệu cho đồng nghiệp về phương trình của mình. Họ tính toán ra rằng Dải Ngân hà của chúng ta có khoảng từ 1.000 cho tới 100.000.000 nền văn minh thông minh. Bản thân Drake, ông tính ra rằng có khoảng 10.000 nền văn minh thông minh có thể liên lạc được.

    Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà - Ảnh 4.

    Tuy nhiên, phương trình này cũng không chính xác hoàn toàn, bởi lẽ đa số các dữ liệu trong phương trình chỉ là phỏng đoán. Ta có được duy nhất hai con số thực đó là tỉ lệ hình thành sao và số lượng hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có thể tồn tại sự sống.

    Chưa hết, kết quả của Phương trình Drake còn phụ thuộc vào việc người ta có lạc quan về việc trí tuệ ngoài hành tinh kia đã tự kết liễu mình hay chưa. Không thể đổ lỗi cho các nhà khoa học được, đa số họ lúc ấy đang nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Mỗi người lại đưa định kiến và giả định của bản thân mình vào phương trình kia.

    Trong một báo cáo khoa học được đăng tải trên arXiv hồi đầu tháng này, các nhà nghiên cứu tại Viện Tương lai Nhân loại của Đại học Oxford đưa ra tranh cãi rằng Phương trình Drake không nên tính bằng các giá trị hằng số, mà là bởi một tổ hợp các khoảng xác suất. Bằng cách nhìn vào các giá trị xác suất, họ thấy rằng Nghịch lý Fermi không hẳn trái ngược lắm, bởi lẽ tỉ lệ lớn rằng ta đơn độc trong thiên hà này, thậm chí là duy nhất trong toàn bộ vùng Vũ trụ nhìn thấy được.

    Theo các nhà khoa học, vấn đề nằm ở chỗ nếu đưa các con số vào Phương trình Drake dưới dạng "phỏng đoán", kết quả sẽ là những dự đoán sai lệch. Với những khoảng xác xuất, sẽ cho phép phương trình giải ra được những điểm chưa chắc.

    Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà - Ảnh 5.

    Để ước tính tỉ lệ ta cô đơn trong vũ trụ, các nhà nghiên cứu sử dụng hai cách thức khác nhau. Một là khảo sát hiểu biết khoa học hiện tại của chúng ta về những đại lượng biến thiên khác nhau trong Phương trình Drake, đơn cử như tỉ lệ sự sống xuất hiện từ nước trong thời tiền sử.

    Cách thức thứ hai, họ lấy mẫu từ các báo cáo khao học đã được đăng tải có sử dụng Phương trình Drake, nhằm xác định số lượng của các yếu tố không rõ ràng cho các đại lượng biến thiên, dựa trên hiểu biết hiện tại của chúng ta về khoa học.

    Kết quả của cả hai cách thức này đều tương đương, đều cho thấy khả năng cao là chúng ta cô đơn. Theo các nhà khoa học, có tỉ lệ giữa 38% và 85% ta cô độc trong Vũ trụ rộng lớn này, và 53 và 99,6% ta đơn côi trong thiên hà này.

    Kết quả đáng buồn lắm, nhưng các các nhà nghiên cứu vẫn có đôi chút lạc quan. "Kết luận này không khẳng định rằng chúng ta vẫn cô độc, chỉ là theo khoa học thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra và nó không nên khiến chúng ta quá ngạc nhiên", các nhà khoa học viết trong báo cáo. "Đây là một tuyên bố về hiện trạng hiểu biết loài người, chứ không phải là một thước đo chính xác".

    Nói cách khác thì, đừng buồn vội vì chưa có kết luận cuối cùng. Ta vẫn cần hiểu biết thêm về Vũ trụ này, mà ngay đến hành tinh của ta, ta còn chưa biết hết thì cứ phải từ từ đã. Ta càng hiểu thêm về hai thứ ấy, phương trình Drake sẽ càng bớt yếu tố cần đưa ra ước tính hơn.

    Các nhà khoa học còn nói thêm cái này, nếu như có giống loài ngoài hành tinh thật, họ sẽ "ở quá xa, có lẽ là vượt quá vùng chân trời Vũ trụ mà ta thấy và sẽ không bao giờ với tới được".

    Kết thúc lại với một câu trích dẫn:

    Báo cáo khoa học từ Oxford: có đến 99,6% khả năng chúng ta cô độc trong Dải Ngân hà - Ảnh 6.

    "Có hai khả năng xảy ra: Hoặc là ta cô độc trong Vũ trụ này hoặc là không. Cả hai đều đáng sợ như nhau. Ta vẫn chưa chứng minh được rằng trí thông minh có bất cứ giá trị sống còn nào".

    "Two possibilities exist: Either we are alone in the Universe or we are not. Both are equally terrifying. It has yet to be proven that intelligence has any survival value".

    - Nhà tiểu thuyết khoa học giả tưởng viết nên cuốn 2001: A Space Odyssey, cây bút khoa học, nhà phát minh, nhà thám hiểm, Ngài Arthur Charles Clarke.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ