Các bác sĩ điều trị ung thư bằng cách tiêm virus bại liệt biến đổi gen vào não bệnh nhân
Bệnh nhân ung thư não dạng Glioblastoma đang có nhiều cơ hội hơn.
Một báo cáo vừa được công bố trên tạp chí Y học New England tuần trước, cho thấy kết quả khả quan của một thử nghiệm lâm sàng, trong đó, các bác sĩ đã điều trị thành công những ca bệnh ung thư não bằng virus bại liệt được biến đổi gen.
Tỷ lệ sống trên 3 năm của các bệnh nhân ung thư não dạng Glioblastoma, hay còn gọi là khối u nguyên bào thần kinh đệm, đã tăng lên tới 21% trong thử nghiệm. Trước đây, u nguyên bào thần kinh đệm gần như là bản án tử với người bệnh, chỉ có 4% bệnh nhân sống trên 3 năm.
Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị thường chỉ kéo dài tính mạng không quá 15 tháng, khiến khối u nguyên bào thần kinh đệm trở thành một trong những loại ung thư ác tính nhất hiện nay. Trong cả một thập kỷ, các biện pháp điều trị ung thư não Glioblastoma gần như chỉ dậm chân tại chỗ.
Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư tăng gấp 5 lần trong thử nghiệm tiêm virus bại liệt biến đối gen
Glioblastoma là một căn bệnh ung thư khó điều trị bậc nhất trong tất cả các khối u não ác tính. Nó có thể gây co giật, đau đầu, mờ mắt và lú lẫn trước khi giết chết bệnh nhân trong vòng 20 tháng, ngay cả khi họ đã được điều trị tích cực.
Đối với bệnh nhân hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị mà vẫn tái phát, họ thường chỉ sống được dưới 1 năm. Nhưng trong thử nghiệm lâm sàng của các nhà nghiên cứu từ Đại học Duke, thời gian sống cho bệnh nhân ung thư não Glioblastoma đã được kéo dài gấp 3 lần, nhờ một liệu pháp sử dụng virus bại liệt biến đổi gen.
Các nhà khoa học đã nối một ống thông từ ngoài hộp sọ vào não bệnh nhân. Sau đó, họ tiêm trực tiếp vào khối u một liều lượng virus đã được tính toán kỹ càng.
Từ lâu, việc sử dụng virus để điều trị ung thư đã được các nhà khoa học để ý. Nhiều loại virus có tiềm năng trở thành một công cụ kích hoạt hệ miễn dịch tấn công các khối u.
Trong khi một số nhà khoa học Anh mới chỉ có ý tưởng sử dụng virus Zika để điều trị ung thư não, các nhà nghiên cứu của Đại học Duke đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng trên 61 bệnh nhân, sử dụng virus bại liệt được chỉnh sửa gen.
Kết quả cho thấy tỷ lệ sống trung bình của họ đã tăng lên 12,5 tháng, so với 11,3 tháng đối với "nhóm đối chứng lịch sử". Nhóm đối chứng này là những người chỉ được điều trị bằng các biện pháp tiêu chuẩn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tất cả họ đều đã tử vong.
Ngược lại, một số bệnh nhân được điều trị bằng virus bại liệt đã tăng thời gian sống sót lên mức ấn tượng. Debra Puffer, một bệnh nhân 61 tuổi ở Rome, NY, được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh vào năm 2014.
Sau khi được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, bệnh ung thư của bà vẫn tái phát. Puffer đã tìm đến các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke để tham gia thử nghiệm liệu pháp virus bại liệt. Bà đã sống sót tới hai năm rưỡi mà không hề có biểu hiện tái phát.
Cho tới tháng 8 năm ngoái, các tế bào ung thư mới xuất hiện trở lại, nhưng Puffer tiếp tục được tiêm một liều virus tăng cường. Ảnh chụp não của bà cho thấy căn bệnh đã một lần nữa được quản lý. "Mọi thứ trông có vẻ tốt đẹp hơn", bà nói. "Tôi đang tận hưởng mùa hè của mình".
Debra Puffer, một bệnh nhân mắc Glioblastoma đã được điều trị thành công nhờ sử dụng virus bại liệt được chỉnh sửa gen
Nhà thần kinh học Annick Desjardins, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết điều trị ung thư não bằng virus bại liệt về cơ bản giống như các liệu pháp miễn dịch khác ở chỗ, đa số bệnh nhân được điều trị không đáp ứng với nó.
Nhưng một khi liệu pháp có hiệu quả, kết quả mà nó mang lại cho những bệnh nhân may mắn này thực sự rất ấn tượng.
Để cố gắng tăng tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng với điều trị, các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 của liệu pháp tại 4 trung tâm y tế khác nhau. Trong đó, bệnh nhân ung thư não sẽ được sử dụng kết hợp cả hóa trị lẫn tiêm virus bại liệt.
Các nhà nghiên cứu cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm tiêm virus bại liệt biến đổi gen trên bệnh nhân ung thư vú và ung thư da.
Tham khảo Washingtonpost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android