Nó có thể nắm giữ nhiều bí mật của bệnh vô sinh, sảy thai sớm hoặc dị tật bẩm sinh.
Quá trình sinh sản của con người diễn ra một cách khá phức tạp, và dường như nó có thể gặp trục trặc ở bất cứ một công đoạn nào. Trong khi các nhà khoa học cảnh báo lượng tinh trùng trên toàn thế giới đã giảm hơn một nửa trong vòng 40 năm qua, những người đàn ông còn có thể tăng nguy cơ vô sinh từ 20 nguyên nhân khác trong lối sống.
Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications lại vừa tiết lộ một cấu trúc của tinh trùng hoàn toàn mới, có thể phải chịu một phần trách nhiệm cho bệnh vô sinh nam, làm sảy thai cho phụ nữ hoặc gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Quá trình phân bào
Thời trung học, có lẽ tất cả chúng ta đều từng phải làm một bài tập sinh, vẽ lại quá trình phân chia tế bào. Trong đó, có thể bạn đãkhá bối rối với những đường kẻ hình vòng cung giữa hai đầu thế bào, tạo thành một hình, nói vui thì giống hệt chiếc lồng quay xổ số.
Trở lại thời đó, có lẽ bạn còn chẳng biết nên kẻ bao nhiêu đường thẳng như vậy và những đường thẳng này có nghĩa là gì. Nhưng bây giờ, câu trả lời không còn quan trọng, đó là những sợi thoi phân bào xuất phát từ trung tử và bạn muốn vẽ bao nhiêu đường cũng được.
Quan trọng hơn lúc này là, một cấu trúc trung tử mới vừa được các nhà khoa học phát hiện trong tinh trùng. Nó có thể là nguồn gốc khiến bạn bị vô sinh.
Phát hiện này được công bố bởi các nhà khoa học tại Đại học Toledo, trong đó, họ tìm thấy một trung tử không điển hình trong tinh trùng có một số tính chất kì lạ.
"Bất thường trong sự hình thành và chức năng của các trung tử không điển hình có thể là nguồn gốc của bệnh vô sinh không rõ nguyên nhân ở các cặp vợ chồng, và không có lựa chọn điều trị có sẵn cho họ", nhà nghiên cứu Tomer Avidor-Reiss đến từ Khoa sinh học Đại học Toledo cho biết trong một thông cáo báo chí.
"Nó cũng có thể phải chịu trách nhiệm cho tình trạng sảy thai sớm và các khuyết tật phát triển trong phôi thai".
Quá trình phân bào trong hợp tử đòi hỏi 2 trung tử, giống như những gì bạn vẽ trong vở bài tập sinh học thời phổ thông. Cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn tin rằng tinh trùng đã cho trứng một trung tử của nó, và rồi tự nhân đôi lên để có 2 trung tử.
"Vì trứng của người mẹ không cung cấp trung tử, và tinh trùng của người cha chỉ sở hữu một trung tử nhìn thấy được, chúng tôi muốn biết trung tử thứ hai trong các hợp tử đã đến từ đâu", Avidor-Reiss nói.
Sự thật được hé lộ, đó là trung tử của tinh trùng thực sự không nhân đôi. Thực ra, tinh trùng đã có sẵn một trung tử nữa, nhưng cấu trúc của nó quá lạ nên không nhà khoa học nào để ý. Trung tử không điển hình này có chứa một bộ đầy đủ các protein, cho phép nó biến thành một trung tử điển hình và đầy đủ chức năng sau khi thụ tinh.
"Nó đã bị bỏ quên trong quá khứ, bởi vì cấu trúc và thành phần protein của nó hoàn toàn khác với trung tử đã biết trước đây", Avidor-Reiss nói.
Cấu trúc trung tử mới phát hiện trong tinh trùng có thể giải thích các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân
Liệu hoạt động kỳ lại của cấu trúc trung tử mới này có phải là thứ gây ra tất cả những vấn đề về khả năng sinh sản hay không? Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học đang đặt ra để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về nó.
Rất có thể, trung tử mới này đang nắm giữ những câu trả lời về bệnh vô sinh nam không rõ nguyên nhân, sảy thai và dị tật bẩm sinh.
"Chúng tôi đang làm việc với Khoa Tiết niệu tại Trung tâm Y khoa Đại học Toledo để nghiên cứu các tác động lâm sàng của trung tử không điển hình, để xem nó có liên quan đến vô sinh hay không và cụ thể là loại vô sinh nào", Avidor-Reiss nói.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI