Đen như cầu Choluteca: vừa xây xong thì gặp bão, chẳng hư hại gì nhưng sông lại đột ngột đổi hướng khiến cầu trở nên vô dụng

    Dink,  

    Rút ra được hàng đống những bài học từ sự kiện khiến kỹ sư xây cầu dở khóc dở cười.

    Triết gia vĩ đại Heraclitus đã bình phẩm rằng “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, ý nói Vũ trụ không hề tĩnh mà biến đổi không ngừng. Mẹ Thiên nhiên sinh ra ta cũng chỉ là con cháu của Vũ trụ, ắt cũng biến đổi không ngừng giống đấng sinh thành.

    Tại đất nước Honduras vùng Trung Mỹ, Mẹ Thiên nhiên lại dạy cho cả nhân loại bài học đắt giá, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có liên quan tới hai cái cầu trên cùng một dòng sông.

    Phiên bản đầu tiên của Cầu Choluteca bắc qua sông Choluteca được xây dựng trong khoảng thời gian 1935-1937. Đây là một trong những bản sao chép còn sót lại cho tới ngày nay của cây Cầu Cổng Vàng nổi tiếng. Sau cơn bão Mitch quét vào Honduras năm 1998, câu cầu bị hư hại một phần và hiện tại, chỉ những phương tiện “nhẹ cân” mới được phép qua đây. 

    Đen như cầu Choluteca: vừa xây xong thì gặp bão, chẳng hư hại gì nhưng sông lại đột ngột đổi hướng khiến cầu trở nên vô dụng - Ảnh 1.

    Cầu Choluteca Cũ.

    Thập niên 90 tới, sông Choluteca chứng kiến thêm sự xuất hiện của một cây cầu lớn. Các kỹ sư đặt cho công trình cái tên Cầu Choluteca Mới, hay còn được gọi là Cầu Mặt Trời Mọc. Được xây bởi Tập đoàn Hazama Ando trong khoảng thời gian 1996-1998, Cầu Mặt Trời Mọc trở thành dự án xây cầu lớn nhất của một công ty Nhật Bản trên đất Mỹ Latinh.

    Vào đúng năm khánh thành cầu, công trình đồ sộ ngay lập tức được mang lên bàn cân: cơn bão Mitch lại nhăm nhe tấn công cây cầu mới. Dân vùng Trung Mỹ khổ không khác mấy những người bà con miền Trung ruột thịt, họ đã quá quen với việc gió lớn có thể kéo đổ cả những công trình vững chắc nhất. 

    Thế mà cây cầu do người Nhật xây dựng vẫn đứng vững! Sừng sững trước gió bão, Cầu Mặt Trời Mọc gần như không chịu thiệt hại nào, vẫn tồn tại sau bão trong điều kiện nguyên vẹn cận hoàn hảo.

    Thế nhưng khi bão tan, cây cầu bị tước mất chức năng quan trọng nhất của nó: là nối liền giao thông giữa hai bờ sông bởi lẽ đường sá ở hai đầu cầu biến mất. Đoạn sông rộng hơn 100 mét vốn chảy dưới Cầu Mặt Trời Mọc chuyển hướng do dòng lũ lớn sau bão. Ngay lập tức, Cầu Mặt Trời Mọc mang trên mình cái tên mới xứng đáng với sự vô dụng của mình: Cây Cầu Chẳng Dẫn Tới Đâu - The Bridge to Nowhere.

    Đen như cầu Choluteca: vừa xây xong thì gặp bão, chẳng hư hại gì nhưng sông lại đột ngột đổi hướng khiến cầu trở nên vô dụng - Ảnh 2.

    Cây Cầu Chẳng Dẫn Tới Đâu.

    Sức tàn phá của thảm họa tự nhiên quá lớn, vượt xa mọi dự tính của con người. Kỹ sư nào nghĩ được tới chuyện sông sẽ đổi hướng để thiết kế thêm chân cho cầu chạy đuổi theo dòng nước? 

    Nhưng vì là con của Mẹ Thiên nhiên và cháu của Vũ trụ, chúng ta cũng tự rút ra những kinh nghiệm xương máu sau bài học đau lòng xót của. Từ ngày sông Choluteca chuyển hướng, câu cầu đã trở thành phép ẩn dụ cho hàng loạt những bài giảng trải khắp các lĩnh vực. 

    Những học trò đầu tiên ắt phải là những người xây cầu: họ biết rõ số lượng bão mà khu vực Trung Mỹ sẽ phải trải qua, nên đã xây được một cây cầu có thể hứng chịu sức quật khủng khiếp của gió. Thế nhưng họ đã sai lầm khi cho rằng sông là yếu tố bất biến, và cơn bão Mitch khắc lên nền đất một đường nước mới đã chứng minh vạn vật biến chuyển không ngừng.

    Ta cũng có thể liên tưởng tới dòng nước công nghệ và những nạn nhân đã bị nó nuốt chửng, những cây cầu vô dụng nằm chỏng trơ khi sông đổi hướng. 

    Trong thời điểm thập niên 70 và 80, IBM thống trị thị trường máy tính cho tới khi Microsoft thể hiện vị thế bá chủ. Microsoft xây nên câu cầu Windows trên dòng sông PC, một mình độc bá với hệ điều hành được cài cắm trong hầu hết các máy tính trên thế giới. 

    Thế nhưng hai cơn bão mang tên “internet” và “điện thoại di động” đã làm chệch hướng mọi thứ. Microsoft đã chậm nhận ra sự thay đổi trong hướng đi của dòng sông, cố gắng “lắp thêm chân cho cầu” bằng Windows Phone và việc mua lại Nokia. Tuy nhiên, cầu lại là sự vật tĩnh, có lắp thêm chân cũng không chạy theo được, điều mà kỹ sư Nhật xây cầu qua sông Choluteca hiểu rõ lắm. Chúng ta đều biết số phận của dự án Windows Phone và hợp đồng mua Nokia.

    Đen như cầu Choluteca: vừa xây xong thì gặp bão, chẳng hư hại gì nhưng sông lại đột ngột đổi hướng khiến cầu trở nên vô dụng - Ảnh 3.

    Cây cầu nằm trơ trọi sau cơn bão.

    Ở thời điểm hiện tại, Microsoft vẫn lấy Windows làm trọng tâm, nhưng đã xây thêm vài cây cầu khác linh hoạt hơn. Họ dấn thân vào ngành game với những hệ máy mới, cung cấp dịch vụ giải trí chất lượng cao cho người dùng. Họ xây dựng nền tảng điện toán đám mây mới, mong muốn có trong tay cơ sở hạ tầng vững chắc trong thời đại internet.

    Năm 2003, Cầu Mặt Trời Mọc được nối với đường cao tốc. Lại một lần nữa, xe đi lại trên công trình vững chắc mà người Nhật xây nên. Cái tên Cây Cầu Chẳng Dẫn Tới Đâu tan biến như cơn bão hết năng lượng: cuối cùng, cây cầu tưởng như vô dụng đã thích nghi được với hoàn cảnh trớ trêu.

    Trong Vũ trụ này, có lẽ chỉ tồn tại một hằng số duy nhất: không có gì là vĩnh hằng, mọi thứ rồi sẽ đổi thay. Cách tồn tại hiệu quả nhất, như Mẹ Thiên nhiên vẫn dạy, đó là ứng biến, tiến hóa và vượt qua trở ngại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ