Đi làm cả tuần nên không có thời gian tập thể dục? Các nhà khoa học sẽ chỉ cho bạn cách để khỏe mạnh
Hãy trở thành "chiến binh cuối tuần" hoặc thanh thủ thời gian dù chỉ một chút.
Tin vui cho những người bận rộn: Bạn sẽ không cần thiết phải tập thể dục mỗi ngày, đủ 150 phút mỗi tuần như khuyến cáo hiện tại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thay vào đó, chỉ cần 1-2 buổi tập mỗi tuần hoặc dồn cả vào thứ 7 và chủ nhật, bạn vẫn đạt được những lợi ích sức khỏe tổng thể tương tự.
Đó là những gì mà các nhà khoa học nhận ra khi nhìn vào dữ liệu sức khỏe của khoảng 64.000 người trưởng thành tại Anh. Kết quả được báo cáo trên tạp chí JAMA Internal Medicine, đánh đổ một quan niệm thông thường của chúng ta rằng tập thể dục phải đều đặn, mỗi ngày trong tuần và đến một ngưỡng mới có thể đem lại kết quả.
Không có thời gian tập thể dục mỗi ngày? Các nhà khoa học sẽ chỉ cho bạn cách để khỏe mạnh
“Dành một chút thời gian rảnh rỗi để vận động sẽ tốt hơn là không tập luyện gì”, các tác giả nghiên cứu dẫn dắt bởi Gary O’Donovan đến từ Đại học Loughborough cho biết. Tập thể dục nhiều hơn dĩ nhiên là tốt hơn.
Nhưng đối với những người bận rộn “tần số và thời gian tập luyện không phải là điều quan trọng”, nếu xét trên tiêu chí đạt được lợi ích sức khỏe. Chỉ cần có tập thể dục, cho dù là rất ít hoặc không duy trì đều đặn, vẫn có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư.
Hiện nay, WHO khuyến cáo người trưởng thành từ 18-64 tuổi nên có thời gian tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, hoặc 75 phút vận động mạnh. Con số có thể khác biệt một chút tùy theo mức độ trao đổi chất của cơ thể bạn. Nhưng nói chung, các hoạt động được tính vào 150 phút sẽ bao gồm: đi bộ nhanh, đạp xe đường thành phố… Trong khi hoạt động mạnh 75 phút gồm chạy bộ hoặc chơi bóng đá…
Trong khi lợi ích của việc tập luyện đều đặn chắc chắn đã rõ ràng, các nhà khoa học từ lâu đã đặt câu hỏi: Tập luyện không thường xuyên hoặc dồn một đợt lớn vào cuối tuần liệu có lợi ích nào không?
Để tìm hiểu, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu theo dõi 64.000 người từ những năm 1994 tới năm 2012, chia họ thành các nhóm. Khoảng 45% trong số này là nam giới, và họ đều trên 40 tuổi. Độ tuổi trung bình là 58.6. Có 62% những người ít vận động, họ có thể tập luyện nhưng chưa đạt tới mốc các chuyên gia khuyến nghị.
Chỉ có 11% số người được coi là tích cực vận động, họ làm đúng theo các khuyến nghị. Còn 4% còn lại được mệnh danh là “chiến binh cuối tuần”, những người có vẻ rất bận rộn và chỉ luyện tập vào những ngày cuối tuần.
Tiếp theo đó, các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng tử vong giữa các nhóm, đặc biệt đối với bệnh tim mạch và ung thư, hai nguyên nhân giết người hàng đầu trên thế giới. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu đo lường hiệu quả giảm nguy cơ tử vong cho các thói quen tập luyện khác nhau.
Kết quả là những người có tập luyện nhưng không tới mức khuyến cáo giảm được 31% nguy cơ tử vong. Các “chiến binh cuối tuần” giảm được 30% nguy cơ. Nhóm tập luyện tốt nhất giảm được tới 35% nguy cơ tử vong.
Các con số tương tự xuất hiện khi các nhà khoa học đo lường tác dụng phòng chống ung thư và bệnh tim mạch của việc tập luyện. Lần lượt 3 nhóm có thể giảm nguy cơ mắc ung thư: 14%, 18% và 21%. Với bệnh tim mạch là 37%, 40% và 41%.
Đặt tất cả các con số lại với nhau, các nhà khoa học kết luận rằng: “Ngay cả tập luyện không thường xuyên và ở mức độ thấp, phù hợp với lối sống bận rộn, cũng có thể mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể”. Bởi vậy, cho dù có đang bận rộn cả tuần vào công việc, dành ra một đến hai buổi tập luyện ngắn vẫn có thể giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ tử vong, xấp xỉ với 150 phút tập luyện mỗi tuần như WHO khuyến cáo.
Tham khảo Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android