Elon Musk đang giết chết Twitter?

    Hoài Vy, Tiền Phong 

    TP - Vào năm 2022, người đàn ông giàu nhất thế giới đã trả 44 tỷ USD để xây dựng lại trang mạng xã hội theo tầm nhìn của mình. Một năm trôi qua, ngay cả những người ủng hộ tỷ phú Musk cũng đồng ý rằng ông có lẽ đã bước hụt.

    Twitter đã thay đổi đáng kể dưới thời của tỷ phú Elon Musk và không mấy người - ngay cả những người ủng hộ ông - nói rằng đó là những thay đổi tích cực. Trong những tuần gần đây, các cơ quan chính phủ, nguồn tin tức và những người có ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội đã đặt câu hỏi về tính hữu ích của nền tảng này, sau khi một số tổ chức công khai từ bỏ tài khoản của họ hoặc nói với người dùng rằng họ không thể dựa vào Twitter để biết thông tin khẩn cấp.

    Elon Musk đang giết chết Twitter? - Ảnh 1.

    Từ khi tỷ phú Musk trở thành “ông chủ” mới của Twitter, nhiều phương diện của trang web đã thay đổi

    Các nhà quảng cáo đã bỏ chạy vì những thay đổi chính sách của ông Musk và hành vi thất thường trên nền tảng, khiến doanh thu quảng cáo giảm tới 75% trong những tháng gần đây, theo một người đã đồng ý chia sẻ vấn đề nội bộ với điều kiện được giấu tên.

    Elon Musk đang giết chết Twitter? - Ảnh 2.

    Giám đốc điều hành của SpaceX, Elon Musk, cập nhật về quá trình phát triển tàu vũ trụ Starship tại cơ sở phóng của công ty ở Texas (Mỹ)

    Các đợt sa thải đã khiến Twitter hoạt động với đội ngũ nhân viên chỉ còn 1.500 người - giảm 80% - và đầy rẫy các lỗi và trục trặc khiến trang web có thể ngừng hoạt động hàng tiếng đồng hồ. Trong khi đó, ông Musk thừa nhận giá trị của công ty đã sụt giảm, chỉ còn chưa đến một nửa số tiền 44 tỷ USD mà ông đã trả sáu tháng trước.

    Đó là tình huống khá căng thẳng”, tỷ phú Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với BBC về nửa năm đầu tiên ông phụ trách. Nhưng ông cho biết các nhà quảng cáo đang quay trở lại và ông dự đoán sẽ có thể “hòa vốn”. “Nhìn chung, tôi nghĩ xu hướng này là rất tốt”.

    Tỷ phú Musk nổi tiếng là một doanh nhân với “bàn tay vàng của Midas”, nhưng những chuỗi quyết định thất thường của ông tại Twitter đã khiến ông mất đi một phần hào quang. “Tôi thất vọng vì dường như ông ấy đã mắc nhiều sai lầm với Twitter. Tôi không nghĩ rằng nền tảng đã trở nên tốt hơn”, một người làm việc ẩn danh cho tỷ phú Musk, người ban đầu cổ vũ việc tiếp quản, cho biết.

    Ngay cả hành trình mua lại trang web của ông Musk cũng rất kịch tính. Nó bắt đầu cách đây hơn một năm, khi có thông tin tiết lộ rằng ông Musk, khi đó là người giàu nhất thế giới, đã mua hơn 9% cổ phần của Twitter, biến ông trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của nó.

    Vài ngày sau, ông đã viết rằng việc Twitter không tuân thủ nguyên tắc tự do ngôn luận - có thể liên quan đến chính sách cấm các tài khoản cực đoan -“về cơ bản làm suy yếu nền dân chủ”. Ông cáo buộc các nhà lãnh đạo của Twitter đã chứa chấp các tài khoản giả mạo và cam kết sẽ “đánh bại chúng!”. Ông nói, dưới sự lãnh đạo của mình, Twitter sẽ tìm cách “xác thực tất cả con người thật”.

    Khoảng sáu tháng sau, ông Musk đã giữ một số lời hứa đó. Ông đã khôi phục nhiều tài khoản bị cấm trước đây, bao gồm cả tài khoản của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông nói rằng tuần này Twitter sẽ chuyển phần lớn sang mô hình đăng ký trả phí để xác minh các tài khoản. Nhưng một số quyết định này đang làm thay đổi đáng kể mô hình trang web và gây ra những hậu quả không lường trước được, chẳng hạn như sập hệ thống.

    Các nhân viên cũ trước đây nói rằng tỷ phú Musk đã xóa sổ nhiều chức năng cốt lõi của công ty, chẳng hạn như đánh giá rủi ro khi ra mắt sản phẩm mới và xóa một số dữ liệu người dùng theo yêu cầu của liên bang. Họ cho biết nội bộ của Twitter đang hỗn loạn, với rất ít chiến lược nhất quán ngoài việc bắt buộc phải đáp ứng những ý thích bất chợt của ông Musk.

    Trước sự thất vọng của một số người dùng, Twitter cũng đang cố gắng thu phí trên mọi phương diện. Công ty gần đây đã thông báo rằng họ sẽ hạn chế quyền truy cập vào giao diện lập trình ứng dụng (API), một công cụ phần mềm cho phép các nhà nghiên cứu và nhà phát triển bên ngoài thu thập và phân tích dữ liệu, đồng thời công ty sẽ tính phí trong hầu hết các trường hợp.

    Những nỗ lực thu phí của Twitter nhằm, một phần, giúp trả tiền cho trang web. Việc mua lại nền tảng của tỷ phú Musk, được tài trợ bằng sự kết hợp giữa các khoản vay và cam kết vốn chủ sở hữu - bao gồm cả từ tài sản của chính ông - đã khiến công ty phải trả khoảng 1 tỷ USD (23,4 nghìn tỷ VND) tiền lãi hàng năm. Ngoài ra, theo dữ liệu từ Pathmatics, tổ chức thực hiện phân tích các thương hiệu, 61 nhà quảng cáo hàng đầu của Twitter đã cắt giảm quảng cáo của họ đến 80% trở lên trong 12 tháng trước tháng 3/2023.

    Công ty hiện tính phí cho nhiều tính năng khác nhau của trang web, bao gồm Twitter Blue – dịch vụ mất 8 USD (188 nghìn VND) hàng tháng nếu người dùng muốn có dấu xác nhận màu xanh trên tài khoản mình. Twitter đã cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm số lượng nhân viên, đóng cửa văn phòng và bán đấu giá thiết bị. Ông Musk đã nói rằng bất chấp những vấn đề nghiêm trọng về tài chính của Twitter, công ty đang có xu hướng hòa vốn. “Nhiều người đã dự đoán Twitter sẽ ngừng hoạt động. Họ đã sai”, ông nói.

    Mặc dù vậy, một số người lo lắng rằng ông Musk lại một lần nữa quá tham vọng. Trong buổi phỏng vấn của BBC, giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX đã đề cập đến các kế hoạch theo đuổi trí tuệ nhân tạo, sau khi một bản tin cho biết Twitter đang thu thập các thiết bị máy tính mạnh với mục đích tham gia vào cùng lĩnh vực chịu trách nhiệm cho các mô hình AI lớn như ChatGPT.

    Ông Musk đã thành lập một công ty khởi nghiệp mới tập trung vào AI - X.AI - ở bang Nevada vào tháng trước. Tài liệu bang cho phép 100 triệu cổ phiếu và liệt kê ông Musk là giám đốc. Trong khi đó, theo một trong những nhân viên cũ, Twitter chỉ là còn là một cái bóng của những gì nó từng đại diện với không có nền tảng nào khác có khả năng thay thế. “Không có gì có thể thực sự thay thế được nó. Twitter là độc nhất vô nhị”, họ nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ