Hôm nay, công ty do Elon Musk đầu tư cả trăm triệu đô vừa công bố thành tựu đột phá: "khâu" máy móc với não người
Công nghệ bước thẳng ra từ thế giới cyberpunk.
- Không phải Neuralink của Elon Musk, đây mới là công ty được Bộ Quốc phòng Mỹ "chọn mặt gửi vàng" phát triển công nghệ kết nối với não bộ con người
- Tỉ phú Elon Musk nói rằng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, Neuralink và công ty đào hầm của ông chỉ là thú vui, chiếm 10% thời gian
- Chuyên gia Đại học Cambridge nói về sự nguy hiểm tiềm tàng nếu startup Neuralink của Elon Musk thành công
- Danh sách 15 vị trí đang tuyển dụng tại Neuralink, startup giúp upload não người lên internet của Elon Musk
- Gặp gỡ "cha đẻ" thực sự của Neuralink, những người đã bán đứa con cưng của mình mà không biết người mua là Elon Musk
Elon Musk muốn gắn não bộ với bạn với máy tính bằng một công đoạn đơn giản, an toàn và nhanh gọn như dùng laser mổ mắt.
Tối thứ Ba theo giờ địa phương, công ty Neuralink - doanh nghiệp được Musk đầu tư vào 100 triệu USD - công bố những công đoạn đầu tiên để đạt được mục tiêu nêu trên. Neuralink mô tả một hệ thống robot “như máy khâu” có thể đặt những đường dẫn siêu mỏng sâu vào trong não bộ của bạn. Công đoạn này đã lý giải tại sao Neuralink so sánh cỗ máy với “máy khâu”.
Theo lộ trình phát triển, họ sẽ có thử nghiệm trên người đầu tiên vào Quý hai năm 2020.
Đây mới chỉ là hình minh họa cho hệ thống của Neuralink. Các nhà khoa học giả định thiết bị đeo sau tai sẽ gắn trực tiếp với não bộ thông qua một hệ thống dây nối siêu mỏng.
Neuralink tuyên bố hệ thống có thể đọc và ghi được một lượng dữ liệu khổng lồ. Nhưng cũng giống như các dự án tương lai khác của Musk, tương tự với những thứ tên lửa mạnh nhất hành tinh hay một đường hầm tránh tắc đường, tầm nhìn của Musk phụ thuộc vào khả năng của công nghệ hiện đại và tài năng của các nhà khoa học đang làm việc cho Neuralink.
Một hệ thống kết nối trực tiếp não bộ với máy tính sẽ cho phép người sử dụng tăng tốc độ tương tác giữa người và máy tính, mở ra những khả năng mới cho con người. Ý tưởng này không còn mới lạ nữa, khi mà dòng khoa học giả tưởng cyberpunk đang ngày một nổi tiếng.
Như trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng Neuromancer do tác giả William Gibson cho ra mắt năm 1984, nhân vật trong truyện sử dụng thứ công nghệ có tên “microsoft”, một băng nhỏ cắm được thẳng vào não bộ, ngay lập tức cung cấp thông tin cho người sử dụng. Cái tên Neuromancer cũng không mới lạ gì, khi nó là một trong những tác phẩm văn học quan trọng đánh dấu mốc trưởng thành của cyberpunk trong văn hóa đại chúng.
Neuralink cũng thừa nhận chặng đường phía trước họ còn dài lắm. Không thể vội được, vì nếu suy rộng ra, Neuralink đang cố gắng tiến hóa con người, bằng cách kết hợp hài hòa não bộ với một cỗ máy. Trong buổi họp báo, họ tuyên bố sẵn sàng bàn luận công khai vấn đề này.
“Chúng tôi không muốn gánh nặng bí mật đè lên vai, để có thể thoải mái gây dựng công nghệ và làm việc như những người khác, đơn cử như việc tự do đăng tải báo cáo nghiên cứu khoa học chẳng hạn”, Max Hodak, chủ tịch Neuralink và cũng là một trong những nhà sáng lập công ty cho hay.
Một bộ vi xử lý sẽ nằm trên bề mặt não bộ, nhận dữ liệu từ các điện cực đặt sâu khoảng vài centimet dưới bề mặt não bộ.
Elon Musk không xuất hiện tại buổi gặp mặt báo giới, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy những cố gắng của ông trong ngành này. Musk vẫn tìm cách giải quyết những giới hạn công nghệ mà Neuralink gặp phải, theo lời kể của Shivon ZIlis, giám đốc dự án tại Neuralink. Hiện tại, Neuralink đã nhận về 158 triệu USD tiền vốn đầu tư và đang có 90 nhân viên.
Giao diện não bộ - máy tính có thể vẫn còn hơi xa vời, nhưng tiềm năng y học của nó đã lộ diện. Một ngày nào đó - có thể là sớm thôi, những người khuyết tật sẽ có thể có lại những khả năng mình đã mất, hoặc sinh ra đã thiếu. Một cỗ máy gắn thẳng lên não bộ người dùng sẽ cho phép người khiếm thị nhìn lại được, người khiếm thính nghe được âm thanh và người khiếm thanh tìm lại tiếng nói; khi suy rộng ra, ba khả năng nghe - nhìn - nói của người thường sẽ có thể được cường hóa nhờ hệ thống của Neuralink.
Rõ ràng đây là công nghệ của tương lai.
Neuralink nói rằng họ có thể sẽ phải khoan một lỗ trên hộp sọ để cài cắm được dây siêu mỏng vào não. Nhưng trong tương lai, họ mong muốn hệ thống laser có thể khoan những lỗ cực nhỏ trên hộp sọ, để đưa dây dẫn vào một cách dễ dàng và không đau đớn.
“Một trong những vướng mắc hiện tại là hệ thống khoan sẽ khiến toàn bộ đầu rung lên, không thoải mái chút nào, nhưng khoan laser thì sẽ không khiến bạn cảm thấy rung động gì cả”, chủ tịch Hodak nói.
Dự kiến, Neuralink sẽ làm việc với các nhà phẫu thuật não tại Đại học Stanford, nhiều khả năng là với những viện nghiên cứu khác nữa, để tiến hành thử nghiệm. Jaimie Henderson, giáo sư ngành giải phẫu não tại Stanford, chuyên gia chữa trị động kinh và có nhiều kinh nghiệm trong việc chữa trị bệnh bằng hệ thống Giả lập Não Sâu, là cố vấn chính của Neuralink.
Hệ thống robot này sẽ đặt dây dẫn vào não. Neuralink so sánh đây với một cái máy khâu.
Trong một thử nghiệm diễn ra hôm thứ Hai, Neuralink công bố một hệ thống kết nối với não bộ chuột bạch, có khả năng đọc thông tin từ 1.500 điện cực - tức là tốt hơn 15 lần hệ thống hiện đang áp dụng trên người. Từng đó là đủ để nghiên cứu khoa học hoặc áp dụng cho ngành y tế.
Tuy vậy, thành công trên chuột không thể là lời khẳng định thay cho thử nghiệm trên người. Neuralink phải có được kết quả nghiên cứu trên người thì mới thuyết phục được thế giới. Hiện tại, công ty Imec của Bỉ với công nghệ Neuropixels là người đi đầu ngành, bằng thiết bị có khả năng lấy dữ liệu từ hàng ngàn tế bào não khác nhau.
Công nghệ nổi tiếng nhất của Neuralink là họ có thể đặt những đường dẫn gần với neuron thần kinh - những tế bào nhỏ xíu xây dựng nên bộ não. Khả năng nắm bắt thông tin từ một lượng tế bào khổng lồ để chuyển về máy tính cho mục đích phân tích sẽ là bước quan trọng để ta tự hiểu được bộ não con người.
Bằng những cái kim cực nhỏ và một hệ thống quan sát bằng máy tính, những sợi dây dẫn truyền thông tin sẽ được đặt vào não một cách khéo léo, tránh được những mạch máu có trên bề mặt não bộ. Kỹ thuật Neuralink đang sử dụng sẽ là đặt một loạt những dây dẫn vào não, một dây có kích cỡ ¼ đường kính sợi tóc người.
Những sợi dây là dây dẫn kẹp giữa một lớp vật chất giống cellophane, nối một chuỗi những điện cực với nhau. Có thể tưởng tượng nó như một chuỗi ngọc trai siêu nhỏ được đưa vào não vậy.
Neuralink sẽ đưa chúng và những địa điểm khác nhau trong não, với những độ sâu khác nhau, tùy thuộc vào thử nghiệm hay đặc tính cần có. Tính linh hoạt của những sợi dây dẫn là một điểm cộng, tuy nhiên Neuralink vẫn cần chứng minh dây dẫn có thể tồn tại lâu trong não bộ.
Neuralink không đơn độc trong cuộc đua này. Suốt thập kỷ vừa qua, Lầu Năm Góc đã cấp vốn cho một loạt các nghiên cứu não bộ cơ bản, bên cạnh đó phát triển những hệ thống cho phép điều khiển robot bằng não. Cơ quan Các dự án Phòng thủ Tiên tiến DARPA đã có những sản phẩm đầu tiên: hệ thống cho phép điều khiển chi giả để thực hiện một số hành động cơ bản.
Dù có là ai đang phát triển những công nghệ tương lai, thì những ứng dụng chỉ có thể thấy trong thế giới giả tưởng của cyberpunk đang tìm đường ra đời thực.
Tham khảo New York Times
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android