Huawei Mate 30 Pro, Pixel 4 và cái chết - hay đúng hơn là cuộc tự sát của DxOMark
Huawei và Google, 2 cái tên gắn liền với DxO, năm nay đều không đề cập đến điểm số này trong lễ ra mắt sản phẩm đầu bảng cuối năm.
- DxOMark: Hệ thống camera của Huawei P30 Pro đạt điểm cao nhất, nhưng chưa thực sự thuyết phục
- Chuyện về camera Huawei P30 Pro: 4 camera, điểm DxOMark số 1 thế giới, chụp liệu có đẹp nhất?
- DxOMark - "Người phán xử" hay con cờ marketing trong giới smartphone?
- Huawei P30 Pro có điểm DxOMark cao nhất thế giới, nhưng người dẫn lối cho tương lai cameraphone phải là Google Pixel
Cũng theo cùng một cách AnTuTu là đại diện cho kỷ nguyên smartphone mới bùng nổ, DxOMark có thể coi là một con số đại diện cho thời kỳ smartphone bão hòa. Khi không còn nhiều những cải tiến có nghĩa về mặt tính năng, các nhà sản xuất smartphone tiến hành đầu tư mạnh mẽ vào ảnh chụp, và DxO là đại diện cho sự đầu tư này. Con số đánh giá chất lượng ảnh chụp được đặc biệt chú ý khi Google vén màn thế hệ Pixel đầu tiên vào năm 2016. Một năm sau, Apple cũng khoe DxOMark, Xiaomi cũng khoe, Samsung cũng khoe…
Nhưng nói đến DxOMark là nói đến Huawei. Trong vòng 2 năm gần đây, khi Huawei vén màn smartphone đầu bảng mới, DxOMark sẽ ngay lập tức xướng tên chiếc smartphone ở vị trí số 1 bảng xếp hạng ảnh chụp. Nói DxOMark là sân nhà của Huawei cũng không hề sai…
Mùa smartphone cuối năm 2019, quy luật này vẫn chẳng có gì thay đổi. Sau khi Galaxy Note10 Plus chiếm vị trí dẫn đầu khỏi tay Huawei P30 Pro và Galaxy S10 5G chỉ vài tuần lễ, Mate 30 Pro đã ngay lập tức vươn lên. Sự cách biệt giữa Mate 30 Pro và Galaxy Note10 5G lên tới 4 điểm, cho phép Huawei trở lại vị trí số 1 một cách tuyệt đối…
Nhưng có một điều đã khác: trong sự kiện Mate 30 Pro, Huawei không hề nhắc đến DxOMark nữa. Trước đây, cho đến tận P30 Pro, Huawei đã luôn mang con số này ra khoe. Không hiểu rằng với Mate 30, nhà sản xuất Trung Quốc đã chán nản bỏ cuộc (vì mẫu smartphone này bị cấm cài đặt dịch vụ Google), hay là muốn trả lại hình ảnh khách quan cho DxOMark?
Bất kể suy nghĩ thực sự của Huawei là gì, có thể thấy toàn bộ ngành công nghệ smartphone đều đang bớt mặn mà với DxO. Apple chỉ khoe DxO một lần duy nhất vào năm 2017. Xiaomi không hề khoe điểm cho Mi 9 hay Mi Mix Alpha, trong khi dòng Mix vẫn luôn được tự phong là "smartphone cho ảnh chụp". Google từ năm ngoái đã không còn khoe điểm DxO cho Pixel 3 tại sự kiện. Với Pixel 4 ra mắt ngày 15/10, Google tiếp tục bỏ qua con số đã được chính Pixel 1 đưa lên bản đồ smartphone thế giới.
Hiển nhiên, ngừng khoe điểm DxO không có nghĩa rằng các nhà sản xuất đã ngừng khoe chất lượng ảnh chụp. Tại một sự kiện, họ vẫn luôn dành những lời có cánh cho smartphone của mình, nhưng đã không còn coi DxOMark là đại diện cho ảnh chụp smartphone nữa. Thay đổi này đi kèm với một sự thật đau lòng dành cho DxO: con đường sống của công ty này cũng là con đường dẫn vào sự quên lãng.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, phó chủ tịch OPPO lên tiếng mỉa mai DxO là không cần thiết: "Bạn có thực sự cần DXO không? Tại sao tất cả camera đều phải quy về một tiêu chuẩn duy nhất? Ý tôi là, chúng ta có thể cần các đơn vị đánh giá, nhưng một thứ mang tính chủ quan như ảnh chụp liệu có nên quy về một tiêu chuẩn? Như là, để làm đẹp tất cả mọi người về một kiểu".
Quả thật là như vậy, lịch sử của DxO đã luôn xoay quanh một tranh cãi duy nhất: làm thế nào để định nghĩa ra "cái đẹp". Đầu năm nay, một trong những chìa khóa giúp cho Huawei P30 Pro vươn lên ngôi vương là cảm biến nhạy sáng RYYB. Thế nhưng, một cuộc bỏ phiếu khách quan (bầu ảnh chụp mà không nói tên điện thoại) của PhoneArena đã cho thấy phần đông người dùng xếp P30 ở phía dưới Galaxy S10 và iPhone XS. Điểm yếu của RYYB bị phơi bày khi màu sắc tỏ ra hoàn toàn sai lệch so với thực tế - lý do không một nhà sản xuất nào khác chọn loại cảm biến này là vì mắt người nhạy sáng nhất với ánh sáng RGB chứ không phải là RYB.
Hay Galaxy S10 5G đạt điểm số video rất cao một phần vì… đặt chế độ quay 4K làm mặc định. Trước đó, Galaxy S10 bản thường và Plus đều đã có hỗ trợ quay 4K nhưng lại chọn Full HD làm mặc định. Video quay trên smartphone chắc chắn sẽ được xem trên smartphone nhiều nhất – liệu người dùng có cần tận hưởng 4K trên màn hình nhỏ bé của điện thoại hay không?
Rõ ràng, những trường hợp như P30 Pro và Galaxy S10 5G cho thấy khái niệm "chấm điểm chất lượng ảnh chụp" là cực kỳ thiếu thực tế. Nhưng DxOMark còn gây tranh cãi hơn thế nữa: công ty này có cả dịch vụ tư vấn nâng cao chất lượng ảnh chụp cho các nhà sản xuất. Trong khi DxOMark luôn khẳng định hai mảng dịch vụ đánh giá và tư vấn được hoạt động độc lập, vụ việc của iPhone 11 Pro càng khiến người ta nghi ngờ mức độ khách quan của công ty này: Năm nay, iPhone 11 Pro dù đã ra mắt hơn một tháng nhưng vẫn chưa có điểm DxOMark cho ảnh chụp, cùng lúc lại đã có điểm DxO cho bảng xếp hạng âm thanh mới ra mắt. Rõ ràng là DxOMark đã có thể tiếp cận với iPhone 11 Pro, nhưng chỉ dùng chiếc smartphone này để thu hút sự chú ý cho bảng xếp hạng mới chứ không phải để trả lời câu hỏi cháy bỏng nhất của người dùng: iPhone 11 Pro chụp ảnh có tốt không?
Ngược lại, Mate 30 Pro dù không được bán rộng rãi tại châu Âu (bao gồm Pháp – quê nhà của DxO) thì lại có điểm chỉ vài ngày sau khi công bố tại Trung Quốc. Hành xử theo cách này chẳng khác gì truyền tải đi một thông điệp ngầm tới các nhà sản xuất: quan hệ giữa các nhà sản xuất và công ty DxOMark có ảnh hưởng đến quy trình đánh giá.
Sự kiện Pixel 4 ngày 15/10 chính là dấu chấm hết cho DxOMark. Google, kẻ đã từng đưa tên gọi DxO vào tâm trí của người tiêu dùng, đã không mảy may nhắc đến con số này chỉ một lần. Google hoàn toàn có lý do để làm điều này. Apple - đối thủ xứng tầm duy nhất của Google, cũng vậy. Dần dần, Samsung hay bất kỳ một gã lớn nào khác cũng sẽ phải quên DxO đi.
Bởi ở tầm vóc dẫn đầu ngành công nghiệp hi-tech, cả Google và Apple đều đang sử dụng AI để nâng cao chất lượng ảnh chụp. Muốn có những tính năng như Live HDR trên Pixel 4 hay Deep Fusion trên iPhone, các ông lớn trước hết cần có dữ liệu. Họ đưa vô vàn những bức ảnh chất lượng vào engine AI để con chip có thể tự học cách cải thiện ảnh chụp. Giữa một bên là nguồn tham chiếu với hàng hàng triệu bức ảnh chất lượng - thậm chí còn được những huyền thoại như Annie Leibovitz đóng góp và một bên là những đánh giá (và tư vấn) CẢM QUAN của một công ty tại Pháp, theo bạn, thứ gì sẽ thực sự thúc đẩy nhiếp ảnh tiến về phía trước?
Chưa dừng lại tại đây, những gì Google và Apple đang thực hiện cho thấy tiềm năng khổng lồ của AI: phá vỡ khái niệm nhiếp ảnh truyền thống. Deep Fusion trên iPhone 11 Pro phá vỡ hoàn toàn khái niệm "khoảnh khắc" khi kết hợp tới 6 bức ảnh vào làm một. Live HDR trên Pixel 4 mới ra mắt cũng vậy: ảnh chưa chụp nhưng khung hình đã được áp dụng HDR, tức là chưa chụp nhưng đã qua xử lý trên các khung hình trước "khoảnh khắc"! Pixel 4 cũng chụp đêm bằng cách xử lý hình ảnh chứ không phải là... paste ảnh trăng như Huawei.
DxO làm sao có thể bắt kịp được tất cả những tính năng hoang đường ấy? DxO làm sao có thể đọ lại với nguồn dữ liệu dồi dào và khách quan mà các ông lớn đang sử dụng để xây dựng camera? Bản thân sự tồn tại của khái niệm "điểm chất lượng ảnh chụp" đã là quá vô lý, và giờ là lúc DxO phải được tiễn vào dĩ vãng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"