Trong cuộc sống hiện đại, áp lực công việc cùng với những chuyện không vui khác dễ gây cho người ta lo lắng, trầm cảm, dần sinh ra những rối loạn về sức khoẻ. Một trong những rối loạn đó, là chứng mất ngủ.
Mất ngủ là một rối loạngiấc ngủ thường gặp có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Những người mất ngủ thường dễ thức giấc trong đêm hoặc thức dậy sớm hơn bình thường. Chứng mất ngủ có thể chỉ xuất hiện nhất thời hoặc kéo dài dai dẳng. Mất ngủ được chia làm hai thể: mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính.
- Mất ngủ cấp tính thường liên quan tới những stress cấp. Nó có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Tiên lượng thế này tốt hơn nếu thời gian mất ngủ dưới một tháng.
- Mất ngủ mạn tính thường dai dẳng, liên tục. Nó thường là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe khác như trầm cảm hoặc đau mạn tính. Loại này không phổ biến như loại trên.
Các nguyên nhân gây mất ngủ
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên các rối loạn về giấc ngủ. Và mất ngủ thường xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Stress: nỗi lo lắng, sợ hãi trong một tình huống nào đó, có thể do áp lực ở công ty hay trong trường học, ví dụ như sắp có bài thuyết trình, hoặc ngày mai có buổi thi cuối kì; …
- Trầm cảm, lo âu và các trạng thái tinh thần, tình cảm khác.
- Thói quen đi ngủ xấu như nằm trên giường xem phim, ngủ không điều độ...
- Khi bạn có vấn đề về giấc ngủ, bạn lo lắng và chính sự lo lắng này càng làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
- Thay đổi thói quen giấc ngủ và mọi thứ xung quanh bạn: có thể là thay đổi về tiếng động, ánh sáng hoặc “lạ giường”; hay thay đổi thói quen ngủ như loạn nhịp sinh học do thay đổi múi giờ hoặc làm ca đêm...
- Các vấn đề khác như đau, các rối loạn về hô hấp hoặc hội chứng bồn chồn chân tay.
- Các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, một số loại thuốc nhất định, rượu.
- Không tập thể dục thể thao.
Triệu chứng của mất ngủ là gì?
Các triệu chứng của chứng mất ngủ đa dạng tùy từng người. Có thể là:
- Khó ngủ đầu giấc: bạn nằm lên giường, nhắm mắt, lăn bên này lăn bên kia hơn một tiếng trước khi bạn có thể đi vào giấc ngủ.
- Thức giấc trong đêm và khó ngủ lại.
- Thức dậy sớm hơn bình thường vào mỗi sáng.
- Cảm thấy mệt mỏi khi tỉnh dậy cứ như thể bạn không ngủ đủ vậy!
- Cảm thấy buồn ngủ, cau có, nhăn nhó, khó chịu, bực dọc, không đủ năng lượng để hoàn thành công việc vào ngày hôm sau.
Khi nào bạn được chẩn đoán là mắc chứng mất ngủ?
Mất ngủ không phải là một căn bệnh, không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán ra nó. Nhưng khi bạn ngủ không tốt, bạn vẫn cần phải làm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, hỏi về các vấn đề sức khỏe bạn đang có, các loại thuốc bạn đang sử dụng. Có khi bác sĩ sẽ thử nghiệm một số bài tập thể dục, xét nghiệm máu, và trong một số trường hợp, họ sẽ thực hiện nghiên cứu để giúp tìm nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ cho bạn.
Bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử giấc ngủ của bạn như: chất lượng giấc ngủ của bạn thế nào, bạn ngủ bao nhiêu tiếng/ngày, thói quen đi ngủ của bạn thế nào và bất kì hành vi bất thường nào mà bạn có. Có thể bạn sẽ phải viết một quyển nhật ký giấc ngủ, ghi chép lại các vấn đề có liên quan tới giấc ngủ của bạn trong một tuần hoặc thậm chí hai tuần. Nếu bạn có vấn đề gì đó liên quan tới tâm thần như trầm cảm hay lo âu, bác sĩ sẽ mời chuyên gia để tư vấn cho bạn.
Vậy chứng mất ngủ chữa thế nào?
Điều trị chứng mất ngủ cần tập trung vào nguyên nhân chính gây mất ngủ. Nếu bạn có những vấn đề về sức khoẻ, ví dụ bị đau mạn tính, căng thẳng, mệt mỏi thì khi điều trị những vấn đề đó, giấc ngủ của bạn sẽ được cải thiện. Ngoài ra, một vài thay đổi nhỏ dưới đây có thể giúp bạn ngủ tốt hơn:
- Đi ngủ đúng giờ vào mỗi tối.
- Thức dậy đúng giờ vào mỗi sáng.
- Tránh sử dụng cà phê và rượu trước khi ngủ nhiều giờ.
- Tập thể dục đều đặn (nhưng cần đảm bảo thời gian tập và đi ngủ cách nhau ít nhất 3-4 tiếng).
- Ngủ trưa vừa đủ.
Một số người dùng thuốc để có giấc ngủ tốt hơn. Thực tế các bác sĩ chỉ kê thuốc trong một thời gian ngắn khi các phương pháp khác không hiệu quả. Nhưng dùng thuốc ngủ không đúng cách cũng có thể hình thành các thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu tới chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, điều trị thuốc ngắn hạn kết hợp thay đổi hành vi, lối sống sẽ là phương pháp có hiệu quả hơn cả.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tư vấn giúp bạn học được các thói quen mới để có giấc ngủ tốt hơn. Hãy nói với bác sĩ về vấn đề giấc ngủ của bạn hoặc bất kì một vấn đề về sức khỏe mà bạn đang có. Điều đó thực sự quan trọng, bởi nếu thiếu ngủ sẽ dẫn đến trầm cảm, tai nạn, giảm chất lượng công việc, đời sống hôn nhân, xã hội, uống nhiều rượu hơn và sức khỏe càng ngày càng tồi tệ hơn. Khi bạn có phương pháp điều trị đúng, bạn sẽ tránh được các “rắc rối” này và bản thân sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn, có ích hơn trong cuộc sống của mình.
Tham khảo: webmd
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?