Mô hình chợ độc nhất thế giới ở Ấn Độ: Đàn ông không thể mở sạp hàng vì một "thông lệ" 500 năm tuổi

    Minh Hạnh , Thể thao & văn hóa 

    Là khu chợ có tuổi đời hơn 500 năm, Ima Keithel tuyệt đối không có một người đàn ông nào làm chủ cửa hàng chỉ vì một lý do lâu đời.

    Khu chợ độc đáo nhất thế giới

    Thoạt nhìn, Ima Keithel giống như bất kỳ khu chợ nào khác. Từ hoàng hôn cho đến bình minh, những hàng người bán hàng ở đây rao bán mọi thứ từ trái cây tươi đến cá và vải.

    Nhưng nếu dạo qua khu chợ khổng lồ với hơn 5.000 quầy hàng trải dài trên ba tòa nhà nhiều tầng, có lẽ du khách sẽ sớm nhận ra một điểm độc đáo: tất cả chủ tiệm ở đây đều là phụ nữ.

    Bà Meilani Chingangbam, 65 tuổi, bán các vật phẩm nghi lễ tôn giáo như nhang và đồ trang trí đền thờ ở chợ từ năm 2002, nói: "Chúng tôi giống như gia đình vậy, chúng tôi là chị em. Đây là một nơi tuyệt vời để làm việc. Mọi người rất đáng tin cậy và tốt bụng".

    Ima Keithel - có nghĩa là "chợ của mẹ" trong ngôn ngữ Meitei địa phương - nằm ở Imphal, thủ phủ của bang Manipur, phía đông bắc Ấn Độ. Đây là khu chợ dành riêng cho phụ nữ lớn nhất thế giới. Đàn ông có thể vào không gian này – nhưng chỉ để mua hàng hóa, làm công việc khuân vác hoặc bảo vệ.

    Vào buổi sáng sớm, mùi hương của eromba, một món ăn địa phương gồm khoai tây nghiền, măng và tương ớt cá khô, thoang thoảng trong không khí. Ở một góc, một nhóm các bà chủ đang túm tụm thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc giao hàng chậm trễ và sản phẩm kém chất lượng.

    Thỉnh thoảng, một vài người phụ nữ ghé qua để dâng lễ vật tại đền thờ Ima Imoinu, nữ thần của sự giàu có và kinh doanh và là vị thần bảo hộ cho khu chợ.

    photo-1

    Các lối đi đông đúc được xếp chồng lên nhau với đủ loại "kho báu" thú vị: gỗ thông thơm và lá trầu màu ngọc bích, đồ gốm thủ công và giỏ tre, chăn lụa mịn và thảm màu sặc sỡ.

    Lấp đầy khoảng trống giữa chúng là những chủ cửa hàng đeo khăn choàng màu hồng, vàng, đỏ và xanh lá cây rực rỡ, một số có dấu hiệu Manipuri chandon trên trán, những người khác quấn khăn trùm đầu theo đạo Hồi.

    Lina Moirangthem, một hướng dẫn viên du lịch địa phương ở Meitei cho biết: "Bạn hoàn toàn có thể mua được bất cứ thứ gì bạn muốn ở đây. Chợ rẻ và nằm ngay trung tâm thành phố. Toàn bộ nền kinh tế của bang hầu như vận hành nhờ những người phụ nữ này".

    Tục lệ lâu đời

    Theo phong tục, chỉ những phụ nữ đã kết hôn mới được chính thức buôn bán ở chợ và để có được một chỗ trong khu vực chính thức, một người phụ nữ phải được một người bán hàng đã nghỉ hưu đề cử, người này thường sẽ chọn "người kế vị" có quan hệ họ hàng như em gái, con gái hoặc em họ.

    photo-1

    Chẳng hạn, Priya Kharaibam là thế hệ thứ ba trong gia đình cô làm nghề buôn bán đồ gốm tại Ima Keithel, nối tiếp bà ngoại của cô. "Tôi tự hào được điều hành công việc kinh doanh của gia đình", người phụ nữ 34 tuổi nói, hai bên là hàng loạt chậu đất nung.

    Việc thành lập Ima Keithel bắt đầu từ Vương quốc Kangleipak vào thế kỷ 16, khi nó khởi đầu như một khu chợ tạm để trao đổi cây trồng. Để củng cố quân đội chống lại các nước láng giềng, vào năm 1533, nam giới ở Manipur bắt buộc phải nhập ngũ theo điều luật có tên Lallup-Kaba và tất cả đàn ông đều được huấn luyện thành chiến binh từ khi còn trẻ để bảo vệ vành đai của vương quốc, chạy dọc biên giới với Myanmar.

    Thời điểm đó, cả thành phố hầu như chỉ còn lại phụ nữ điều hành và quản lí.

    Lokendra Arambam, cựu học giả về thời kỳ tiền thuộc địa tại Đại học Manipur, cho biết: "Khu chợ khi đó do phụ nữ mở bán các mặt hàng ở ngoài trời, chủ yếu bán cá, rau và các sản phẩm kinh tế khác".

    Tiếp tục phát triển

    Nhờ vị trí chiến lược, dễ tiếp cận của Imphal ở trung tâm Manipur, thành phố dần phát triển trở thành trung tâm kinh tế của khu vực và những người phụ nữ ở Ima Keithel ngày càng có nhiều ảnh hưởng hơn. 

    photo-1

    Người bán vải 80 tuổi Nongmai Them Khumsonbi nói rằng khi bà mới cưới, chồng bà, lúc đó là một nhân viên chính phủ được trả lương thấp, đã phản đối bà bán hàng ở chợ vì ông không tin rằng phụ nữ nên đi làm.

    "Ông ấy không muốn tôi ra ngoài", bà cười lớn. "Nhưng tôi đã thắng trong cuộc tranh luận. Và cuối cùng tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn ông ấy".

    Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ đối với những người phụ nữ này. Vào tháng 1 năm 2016, một trận động đất mạnh 6,7 độ richter đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tòa nhà của chợ và phải mất gần hai năm để xây dựng lại. Việc đóng cửa kéo dài hơn một năm trong đại dịch cũng gây thiệt hại cho sinh kế của các tiểu thương.

    Nhưng giờ đây, hoạt động kinh doanh đã trở lại sôi nổi tại khu chợ có lịch sử hàng thế kỷ.

    Oinam Ongbi Jayela, một thợ may 64 tuổi và là một góa phụ, cho biết: "Tôi yêu công việc của mình từ trái tim, tôi làm việc đó một cách say mê. Nhưng ở đây không chỉ có công việc. Ở đây tôi thấy thoải mái. Ở bên những người phụ nữ này tôi rất vui. Ở đây, tôi cảm thấy mình sẽ còn sống lâu hơn nữa".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ