Bên cạnh trường lớp chính thống, có rất nhiều cách khác để nâng cấp tiếng Anh mà không cần phải tốn một đồng nào
Ngôn ngữ thứ 2 là “chìa khóa” mở ra cho bạn những cơ hội trong cuộc sống, từ học tập, giải trí cho tới công việc. Tầm quan trọng của ngôn ngữ thứ 2 là rất dễ thấy khi đi trên bất cứ con phố nào của thành phố lớn ta cũng thấy được các trung tâm dạy tiếng. Trong đó tiếng Anh chắc chắn vẫn là ngôn ngữ được đại đa số mọi người chọn, vì là ngôn ngữ thông dụng, được rất nhiều nước trên Thế giới sử dụng làm cả ngôn ngữ chính lẫn ngôn ngữ thứ 2.
Tuy vậy để thuần thục được tiếng Anh không phải là điều dễ, có những bạn được học từ sớm nhưng không sử dụng hàng ngày thành ra quên. Cũng đúng thôi khi “học” phải đi đôi với “hành”, học những kiến thức cơ bản trong trường và trung tâm tiếng Anh nhưng không có những cách áp dụng vào đời sống thì cũng “công cốc”.
Vậy sau đây là một vài cách tôi tích hợp tiếng Anh vào cuộc sống của mình để “nâng trình” trong việc sử dụng "món" ngoại ngữ này.
Chuyển điện thoại, máy tính sang tiếng Anh
Những thứ mà con người thời đại 4.0 này nhìn vào nhiều nhất chắc chắn là máy tính và điện thoại của mình. Bằng cách chuyển ngôn ngữ trong phần mềm của các món đồ công nghệ sang tiếng Anh, bạn có thể làm quen một cách thụ động với những từ tiếng Anh mới.
Tiêu thụ các nội dung bằng tiếng Anh
Ưu điểm của việc học tiếng Anh ở trường hay trung tâm là bạn sẽ được học những từ ngữ, đặt câu một cách “chuẩn chỉnh” nhất có thể. Tuy vậy khi học tiếng Việt ở thời tiểu học bạn cũng đã biết, những câu được viết trên sách và cách nói chuyện hàng ngày có sự khác biệt nho nhỏ nhưng vẫn rõ rệt. Nói chuyện trên thực tế, mọi người sẽ sử dụng những từ ngữ đơn giản, có phần “suồng sã”, với những câu ngắn và có cách nhấn nhá tự nhiên hơn.
Đây là lý do tại sao tôi thích học tiếng Anh qua việc tiêu thụ các nội dung ngoại ngữ được chính người bản địa tạo ra thay vì chỉ học ở trên sách vở. Đó có thể là video review đồ công nghệ, dạy các kiến thức khoa học trên Youtube, đọc những bài báo bằng tiếng Anh, thêm 1 vài bài hát ngoại ngữ vào playlist toàn nhạc Việt, hay đôi khi vào Reddit “ngắm nghía” những câu chuyện thường nhật của mọi người.
Bằng cách này, tôi học được cách đọc đúng được của nhiều từ, cách đặt câu để nói chuyện sao cho tự nhiên, và dần dần học được những kiểu nói ẩn dụ, những câu đùa của người bản địa.
Thử tìm một công việc liên quan tới phiên dịch
Tôi cảm thấy may mắn khi lúc mới đi làm đã có công việc sử dụng tới ngoại ngữ là phiên dịch những bài viết tiếng Anh sang tiếng Việt cho độc giả nước nhà. Từ khi làm công việc này tôi cảm thấy “trình” tiếng Anh, đặc biệt là vấn đề đọc - hiểu, vốn từ chuyên môn cũng như cách diễn giải tự nhiên ra tiếng Việt được nâng lên nhiều.
Tất nhiên trong quá trình làm việc, vẫn có những từ và cả câu tôi không hiểu nên vẫn phải nhờ tới “chị” Google, nhưng qua những lần như vậy thì tôi lại tích góp cho mình vốn từ, vốn câu mới để sử dụng trong những lần sau.
Một số công việc khác cũng thường xuyên sử dụng tới tiếng Anh là dịch sách, coder ở các công ty liên doanh với nước ngoài, các công việc phục vụ thức ăn, thức uống ở những khu có nhiều người nước ngoài,... Tất cả đều có thể giúp bạn nâng khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh của mình một cách tự nhiên nhất.
“Xách xe” lên Phố đi bộ nói chuyện với người nước ngoài
Nếu không có các công việc liên quan đến ngoại ngữ, bạn có thể học tập các bạn nhỏ ở trung tâm tiếng Anh: Xách xe đi lên Phố đi bộ của những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài! Đây là cách “hành” hữu hiệu nhất sau những giờ “học” của bạn, vì bạn đang giao tiếp trực tiếp với những người sử dụng ngôn ngữ đó. Họ hiểu được bạn đang nói gì và bạn hiểu được họ nói gì thì bạn đã thành công trong việc học ngôn ngữ rồi!
Đây cũng là một cách để tăng sự tự tin trong giao tiếp người với người. Trước đây tôi sống khép kín, ít nói chuyện với người khác dù là ở ngôn ngữ nào. Nhưng từ khi đi làm được tiếp xúc nhiều người, trong đó có những người không nói tiếng mẹ đẻ của mình thì tôi cũng trở nên tự tin hơn. Dù có nói sai câu, từ nhỏ thì người đối diện cũng thường bỏ qua, vì họ cũng biết tôi đang sử dụng ngôn ngữ thứ 2.
Vẫn cần có trường lớp làm nền tảng
Nếu mục đích học tiếng Anh của bạn là để sử dụng thực tế, nghe hiểu, viết và nói tiếng Anh tự nhiên thì 4 cách trên rất hiệu quả. Ngược lại, nếu bạn cần học tiếng Anh thật nhanh và “chuẩn chỉ” để đi thi lấy bằng cấp thì vẫn cần tới trường lớp, trung tâm chính quy. Như đã đề cập ở trên, tiếng Anh học ở trường và tiếng Anh giao tiếp vẫn có những sự khác biệt, cái này bổ trợ cái kia chứ không giống nhau hoàn toàn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"