Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang bất ngờ dẫn trước gã khổng lồ Samsung trong lĩnh vực thiết kế camera trên smartphone.
Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, Huawei bất ngờ trở thành nạn nhân và theo các chuyên gia đánh giá, kẻ hưởng lợi lớn nhất là hãng công nghệ Samsung. Tuy nhiên, liệu đây có phải lúc mà nhà sản xuất smartphone đến từ Hàn Quốc có thể vui mừng. Câu trả lời là: Không.
Bởi dù có thiếu đi Huawei, sân chơi smartphone chỉ mở rộng thêm chứ sự cạnh tranh không hề giảm sút, thậm chí có phần khốc liệt hơn. Mà các đối thủ mới của Samsung chính là Oppo và Xiaomi đã bắt đầu giơ nanh giương vuốt, không ngại thể hiện tham vọng tranh đấu của mình.
Camera dưới màn hình trên nguyên mẫu điện thoại của Oppo.
Cụ thể, trong lĩnh vực thiết kế smartphone, Samsung là công ty tiên phong trong việc đưa camera selfie xuống bên dưới màn hình cảm ứng bằng thiết kế Infinity-O. Tuy nhiên, thiết kế này vẫn để lộ khuyết điểm khi vẫn tồn tại lỗ khoét để đặt camera. Trong khi Samsung chưa thể tìm ra giải pháp hoàn hảo, Oppo bất ngờ vươn lên dẫn trước. Công ty Trung Quốc vừa hé lộ đoạn video về chiếc smartphone sở hữu camera selfie nằm bên dưới màn hình cảm ứng, mà không có bất kỳ lỗ khoét nào lộ ra.
Cơ chế hoạt động của nó rất ấn tượng, khi không cần sử dụng đến thì màn hình sẽ hiển thị toàn bộ. Khi cần sử dụng camera selfie thì khu vực màn hình hiển thị sẽ được đẩy xuống bên dưới, để lộ ra một vòng tròn mà đó chính là ống kính camera selfie.
Tất nhiên nó vẫn có nhược điểm là chất lượng hình ảnh bị giảm sút, do ánh sáng phải đi xuyên qua màn hình cảm ứng để vào bên trong ống kính và đến được cảm biến. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy Oppo luôn sẵn sàng để chờ đợi cơ hội vượt qua Samsung trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm mới, với tinh thần không một chút e dè.
Công nghệ camera dưới màn hình của Xiaomi.
Dường như chỉ cần người nổ phát súng đầu tiên, những kẻ ẩn nấp trong bóng tối khác cũng dần mạnh dạn bước ra ánh sáng. Chỉ vài giờ sau khi Oppo hé lộ nguyên mẫu smartphone đầu tiên có camera dưới màn hình, Xiaomi cũng có câu trả lời tương tự. Trên Weibo, chủ tịch Xiaomi ông Lin Bin đã đăng video khoe nguyên mẫu smartphone có camera dưới màn hình do Xiaomi phát triển.
Mẫu smartphone này không cần thiết kế tai thỏ, camera trượt hay đục lỗ bởi camera của nó được đặt bên dưới màn hình OLED. Thay vì video dạng "quay lén" như kiểu Oppo, Xiaomi đã chủ động quay video này để thiết kế sản phẩm của mình, với chất lượng hình ảnh và tốc độ lấy nét của camera dưới màn hình khá tốt.
Hiện tại, vẫn chưa rõ công nghệ của Xiaomi hoạt động như thế nào. Gần đây, Xiaomi đã đệ trình một sáng chế liên quan tới camera dưới màn hình. Sáng chế này mô tả công nghệ hai phần hiển thị của màn hình được điều khiển xen kẽ để cho phép ánh sáng đi qua, tới với cảm biến camera.
Thậm chí, cả chủ tịch hãng Honor mới đây cũng không ngại ngùng hé lộ về việc đang tiếp cận công nghệ camera dưới màn hình. Ông cho biết công ty đã phát triển một thiết bị nguyên mẫu có camera dưới màn hình nhưng hiện tại nó đang gặp phải một số vấn đề.
Đây liệu có phải sự trùng hợp không khi cả ba công ty Trung Quốc đồng loạt công bố thành quả về công nghệ này, với mong muốn dằn mặt Samsung? Bởi rõ ràng, camera đặt dưới màn hình là mục tiêu mà Samsung luôn hướng tới, với các thông điệp màn hình tràn viền hay vô cực. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn im lặng, chưa có công bố gì liên quan tới công nghệ này. Điều này có thể khiến nhiều người tò mò và thắc mắc. Liệu Samsung đang che giấu rồi đợi tới khi sản phẩm hoàn thiện mới chịu hé lộ thông tin hay trên thực tế trình độ nghiên cứu và phát triển của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc.
Giới hạn công nghệ của Samsung vẫn đang dừng lại ở... một cái lỗ.
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần cho Samsung thêm chút thời gian. Nhưng bao lâu là đủ và người tiêu dùng liệu có còn kiên nhẫn như xưa. Trước đây, một chiếc smartphone là tài sản lớn và luôn khiến người dùng phải cân nhắc mỗi khi mua sắm. Nhưng với sự tiến bộ cũng như phát triển của xã hội, giờ thiết bị điện tử này đã trở thành một món đồ công nghệ bình thường mà ai cũng có thể sở hữu. Lúc này, nhu cầu và mong muốn của họ đối với thiết bị này cũng thay đổi. Nếu không thể giúp mang lại cảm giác sang trọng như iPhone, một chiếc smartphone Android ít ra phải mang tới cho người sở hữu cảm giác "độc nhất" và mới lạ, khác biệt với thiết bị của những người xung quanh. Điều này chỉ có thể được tạo ra bởi các thiết kế và tính năng độc đáo đi kèm. Đó có thể là camera pop-up, camera "vây cá mập", ống kính siêu zoom hay thiết kế hiển thị 100% với camera dưới màn hình.
Khi các sản phẩm của Samsung chưa đủ sức để thay thế hoàn toàn địa vị của iPhone ở phân khúc cao cấp, lại thiếu đi sự tự tin để đột phá về thiết kế và tính năng như các sản phẩm đến từ Trung Quốc, địa vị của nhà sản xuất Hàn Quốc có thể bị đe dọa và lung lay. Vòng đời của smartphone tầm trung đang có dấu hiệu ngắn lại, tâm lý mua điện thoại "ăn chắc mặc bền" với người dùng cũng dần bị thay thế bởi sự thích thú muốn thử thách với những điều mới lạ. Đó cũng là lúc cơ hội cho các nhà sản xuất điện thoại như Oppo hay Xiaomi cũng dần mở ra. Có lẽ không cần phải nói nhiều về việc các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, không chỉ trong ngành công nghệ, nhạy bén và sáng tạo như thế nào trong việc tạo ra các sản phẩm độc đáo và có thiết kế đột phá.
Quay trở lại với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Huawei đang có dấu hiệu đuối sức. Nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc quá yếu thế. Chính quyền nước này có thể "dựng" lên một gã khổng lồ Huawei trong lĩnh vực công nghệ thì cũng có thể nâng đỡ, hỗ trợ để tạo ra một Huawei thứ hai, thứ ba khác trong lĩnh vực sản xuất smartphone dựa trên nền tảng của Oppo hay Xiaomi. Nếu điều đó trở thành hiện thực, tất nhiên trong điều kiện Oppo hay Xiaomi thể hiện được khả năng của mình, câu chuyện soán ngôi của Apple trong tay người Mỹ có vẻ xa vời nhưng khả năng các công ty này đấu tay đôi với Samsung của người Hàn lại là chuyện trong tầm tay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI