Tại sao cơn đói có thể biến bạn gái bạn thành quái vật? Và cách khiến họ hiền lành trở lại

    zknight,  

    Nồng độ đường trong máu sụt giảm khiến chúng ta dễ tức giận và muốn làm tổn thương người bạn đời của mình nhiều hơn.

    Bạn sẽ không thể tra được nghĩa của từ “hangry” trong từ điển Anh-Việt, bởi đây là một tiếng lóng kỳ lạ. Nhưng cũng chẳng sao, không khó để đoán được nghĩa của từ này. Hangry là sự kết hợp giữa “hungry”, nghĩa là đói và “angry”, tức giận.

    Tiếng lóng này được dùng khá phổ biến trong giao tiếp của người bản xứ, nó có nghĩa là cảm giác dễ cáu kỉnh và tức giận gây ra bởi cơn đói. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng bằng chứng khoa học đã cho thấy hangry là điều hoàn toàn có thật.

    Khi đói, lượng đường trong máu giảm xuống có thể khiến mọi người cư xử như một con quái vật. Một nghiên cứu năm 2014 đăng trong Kỷ yếu Viện hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) còn chỉ ra, những cặp đôi sẽ dễ bất hòa, giận nhau thậm chí đối xử tàn nhẫn hơn nếu một trong hai người bị đói.

    Vậy một khi biết được lý do của hiệu ứng hangry, bạn hoàn toàn có thể hóa giải được nhiều tình huống căng thẳng trong cuộc sống của mình.

     Tại sao cơn đói có thể biến mọi người thành quái vật?

    Tại sao cơn đói có thể biến mọi người thành quái vật?

    Cơn đói có thể biến mọi người thành quái vật

    Trước hết, hãy nói về lý do. Tại sao cơn đói có thể khiến bạn cáu kỉnh? Nó liên quan đến năng lượng và nồng độ đường glucose trong cơ thể. Chúng ta biết rằng não cần năng lượng để hoạt động, và nó chỉ chấp nhận glucose là phân tử nhiên liệu duy nhất.

    Vì vậy, khi bạn đói, nghĩa là nồng độ đường glucose trong máu cũng giảm xuống, bộ não sẽ bị hụt năng lượng. Sự mất mát này khiến nó phải “đóng cửa” một số khu vực hoặc cắt giảm một số nhiệm vụ. Và ở phần đầu danh sách những nhiệm vụ cần cắt giảm, đó là kiểm soát và kìm chế cảm xúc. Lý do vì những hoạt động này đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn trong não bộ.

    Trong bài báo khoa học công bố trên PNAS, nhà nghiên cứu Brad Bushman và các đồng nghiệp đã khảo sát 107 cặp vợ chồng trong 21 ngày. Mục đích của ông là theo dõi xem sự sụt giảm lượng đường trong máu có thể tác động đến mối quan hệ của họ như thế nào.

    Kết quả mà Brad Bushman nhận thấy, đó là những ứng viên có nồng độ đường trong máu sụt giảm dễ giận dữ vợ hoặc chồng của họ hơn. Cách mà ông đo lường hiệu ứng này khá thú vị, cho người tham gia đâm kim lên những con búp bê hình nhân đại diện cho vợ hoặc chồng của mình. Khi họ đâm càng nhiều, chứng tỏ đối tượng càng tức giận và muốn làm tổn thương người bạn đời của mình nhiều hơn.

    Brad Bushman còn tạo ra một thí nghiệm thứ 2, yêu cầu những người vợ hoặc chồng ép đối tác của mình nghe những âm thanh khó chịu như tiếng móng tay di lên bảng phấn, hoặc tiếng mũi khoan rít của nha sĩ.

    Lần này, ông nhận ra rằng lượng đường trong máu thấp cũng có thể khiến ai đó trở nên đáng sợ hơn bình thường. Khi đó, họ sẽ muốn kéo dài thời gian “tra tấn” người bạn đời của mình bằng những âm thanh ghê răng trên.

     Brad Bushman đo lường sự giận dữ bằng cách yêu cầu người tham gia đâm kim lên những con búp bê hình nhân đại diện cho vợ hoặc chồng của mình

    Brad Bushman đo lường sự giận dữ bằng cách yêu cầu người tham gia đâm kim lên những con búp bê hình nhân đại diện cho vợ hoặc chồng của mình

    Trong thực tế, nồng độ đường trong máu thấp có thể gây ra những ảnh hưởng rõ rệt trên một số người. Đó là những người có cơ địa không tốt trong việc điều tiết glucose. Những dữ liệu tương quan từ nhiều nghiên cứu khẳng định khó kiểm soát glucose khiến chúng ta dễ thực hiện hành vi xấu.

    Một nghiên cứu dài hạn được thực hiện từ năm 1984 cho thấy sự thay đổi mức độ đường trong máu có thể dự đoán những giai đoạn bạo lực của 84% đối tượng tội phạm.

    Một trong những nghiên cứu ấn tượng nhất đã so sánh tương quan của nồng độ glucose thấp với tỷ lệ bạo lực trên quy mô toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu xem xét sự thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase (một rối loạn di truyền phổ biến liên quan đến mức glucose thấp), và tỷ lệ tử vong do bạo lực và chiến tranh ở 122 quốc gia.

    Phân tích của họ xác định rằng có một mối tương quan đáng kể. Những quốc gia có tỷ lệ thiếu thụt glucose-6-phosphate dehydrogenase cao hơn cũng có tỷ lệ tử vong vì bạo lực cao hơn.

    Tại sao đồ ăn vặt khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn?

    Đến đây, bạn có thể nói rằng tất cả những nghiên cứu kể trên chỉ mới thiết lập được một mối tương quan. Vậy liệu có bằng chứng thực nghiệm nào chứng minh điều đó không?

    Thực ra, ở hướng ngược lại thì có, các nhà khoa học đã chứng minh rằng mọi người sẽ đều cư xử tốt hơn sau khi họ được cho ăn hoặc uống đồ ngọt. Vâng! Trong môi trường phòng thí nghiệm, rất nhiều thứ thú vị đã xảy ra khi họ cho những ứng viên uống, dù chỉ là một cốc nước chanh.

     Một bữa ăn nhẹ có thể khiến mọi người hiền lành trở lại

    Một bữa ăn nhẹ có thể khiến mọi người hiền lành trở lại

    Ví dụ, trong một thử nghiệm, những người tham gia cũng được yêu cầu “tra tấn” những người khác bằng âm thanh và tiếng ồn. Họ được chia là hai nhóm, một nhóm được cho uống nước chanh và một nhóm được cho dùng giả dược. Kết quả là nhóm uống nước chanh đã hiền dịu và nhẹ nhàng hơn trong cuộc “tra tấn”.

    Một nghiên cứu tương tự nữa cho thấy các đối tượng được cho ăn đồ ngọt có vẻ ít bực mình hơn, khi chơi một trò điện tử trên máy tính cực kỳ khó.

    Và trong một bài báo khoa học khác, các nhà nghiên cứu đã làm giảm lượng đường trong máu của ứng viên bằng cách tiêm insulin cho họ. Kết quả là người tham gia đã thể hiện nhiều tâm trạng tiêu cực hơn, mà các tác giả ghi nhận chúng "có thể dẫn đến nhiều đánh giá tiêu cực hơn về cuộc sống".

    Vì vậy, nếu bạn không muốn có nhiều "đánh giá tiêu cực về cuộc sống”, hoặc đơn giản là làm dịu hoặc chuẩn bị cho những cơn nóng giận của người khác khi họ đói, hãy nghĩ đến một bữa ăn nhẹ. Dẫu vậy, đừng lạm dụng đường quá nhiều, chúng ta biết đường có hại và khi ai đó bị nghiện đường, cơn nóng giận của họ còn khủng khiếp hơn cả cảm giác đói.

    Tham khảo Vox

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày