Thiên đường chuột: thí nghiệm về một xã hội thu nhỏ vẽ ra những kết luận rùng rợn về tương lai con người (Phần 1)
Trong một xã hội tương đối nguyên thủy, các loài động vật cũng như con người sẽ phải tranh giành thức ăn, lãnh thổ, đối tượng giao phối, thậm chí có thể xảy ra chiến tranh giữa các bầy, bộ tộc. Vậy với chuột thí nghiệm sống trong một chốn vô lo vô nghĩ, thì "thiên đường chuột" sẽ ra sao?
- Những biến thể của Loki có thể sẽ xuất hiện trong loạt phim sắp tới của MCU
- Loạt câu chuyện người thực việc thực truyền cảm hứng tạo nên các nhân vật trong American Horror Story (Phần 1)
- Loạt câu chuyện người thực việc thực truyền cảm hứng tạo nên các nhân vật trong American Horror Story (Phần 2)
- Loạt câu chuyện người thực việc thực truyền cảm hứng tạo nên các nhân vật trong American Horror Story (Phần 3 - Phần cuối)
- Để mọi thứ trở nên chân thực hơn, Fast & Furious 9 đã phải tham vấn các nhà khoa học về việc chế tạo ô tô không gian
- Sự ra đời của sự sống trên Trái Đất là do thiên thạch hay do một yếu tố khác?
Xã hội loài người ngày càng phát triển, các nguồn tài nguyên cạnh tranh không chỉ đơn giản là nguồn nước, chỗ ở hay thức ăn mà còn là những khoáng sản, dầu mỏ,… và quy mô chiến tranh cũng theo dòng chảy lịch sử mà ngày càng lớn và nguy hiểm hơn. Hơn thế nữa, những nguồn lực cạnh tranh còn là các khía cạnh vô hình, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc y tế và công việc. Sự phân bổ không đồng đều của các nguồn lực này thường là tâm điểm của xã hội trong thời bình.
Mọi người đều khao khát một "thiên đường" không còn bệnh tật, chiến tranh, áp bức, mặc dù thiên đường này có thể không tồn tại nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ và xã hội, chúng ta đang tiến gần đến thiên đường trong con mắt của người xưa.
Chúng ta cũng sẽ tò mò về tương lai của xã hội loài người. Có vô số công trình đang cố gắng xây dựng một viễn cảnh đẹp đẽ không tưởng để khám phá những vấn đề như vậy, tất nhiên hầu hết chúng đều có kết quả bi quan.
Năm 1798, nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học người Anh - Malthus đã chỉ ra trong luận văn "Nguyên tắc dân số" rằng dân số tăng cấp số mũ nhưng hoạt động sản xuất thực phẩm lại tăng tuyến tính. Nếu cứ diễn biến như vậy, ắt sẽ tới cực điểm nơi dân số không thể phát triển được nữa. Nội dung ẩn của lý thuyết này là sự gia tăng dân số không nhất thiết mang lại sự thịnh vượng, mà có thể gây ra trì trệ kinh tế xã hội, bởi vậy nó còn được gọi là "cạm bẫy Malthus".
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, thế giới dần trở lại thịnh vượng, Hoa Kỳ mở ra thời kỳ bùng nổ dân số với hàng loạt trẻ sơ sinh sau chiến tranh, và theo đó là những quan điểm bi quan bắt đầu xuất hiện. Một số người nghĩ rằng "dân số quá đông" có thể dẫn đến khủng hoảng, trong ngắn hạn sẽ làm cạn kiệt những nguồn lực sinh tồn. Tâm lý này của phần đông dân chúng ngay lập tức bị cuốn hút bởi lý tưởng của Malthus.
Tuy nhiên, sự thành công của Cách Mạng Xanh đã khiến mô hình của Malthus không còn đúng, khi sản lượng lương thực tăng đột biến. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi xoay quanh bùng nổ dân số và những hậu quả nó mang lại vẫn phảng phất đâu đây.
Theo đó, một loạt những thí nghiệm chứng minh cho tác động của bùng nổ dân số xuất hiện. Nhưng loạt thí nghiệm trên động vật dường như đã cho một kết quả đáng kinh ngạc. Những ước tính của con người về nguồn lực sinh tồn có thể vẫn còn quá lạc quan nhưng cuộc khủng hoảng thực sự đến từ chính dân số dường như sẽ là một điều hiển nhiên. Trong đó nổi bật nhất là thí nghiệm của John B. Calhoun, một chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu tập tính học và hành vi con người.
John B. Calhoun và những con chuột Na Uy.
Calhoun đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu các loài chim trong những năm đầu đời của mình, và một trong những nghiên cứu của ông đã được xuất bản trên các tạp chí của Hiệp hội Chim chóc Tennessee khi mới 15 tuổi. Sau đó, Calhoun học từ bằng cử nhân lên tiến sĩ, và hướng nghiên cứu của ông cũng chuyển dần sang tập tính động vật.
Vì luận án tiến sĩ là nghiên cứu nhịp sống 24 giờ của loài chuột Na Uy nên công việc của Calhoun sau khi tốt nghiệp cũng liên quan mật thiết đến loài chuột này. Năm 1947, Calhoun khi đó đang làm việc tại Đại học Johns Hopkins đã nhờ người hàng xóm mua một mảnh đất rộng chưa đầy 1.000 mét vuông để làm nơi thí nghiệm.
Sau đó, ông quyết định xây một "thiên đường nhân tạo cho chuột" để lũ gặm nhấm của mình có thể vô tư sống. Cuối cùng, Calhoun đã đặt tên cho nơi này là "Thành phố chuột".
Với khoảng đất này, diện tích của thành phố chuột không hề nhỏ, ước tính có thể chứa được 5.000 con chuột, Calhoun cũng cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho các đối tượng chuột của mình, đồng thời hạn chế tối đa mức ảnh hưởng của dịch bệnh và kẻ săn mồi. Chuột chỉ được phép hoạt động trong phạm vi "thành phố".
Tuy nhiên, quá trình phát triển của thành phố chuột không hề suôn sẻ như tưởng tượng, thậm chí còn có chút kỳ quái. Calhoun ban đầu đưa vào đó 5 con chuột cái mang thai, nhưng tốc độ sinh sản của những con chuột trong phạm vi này lại không hề cao như ông tưởng tượng. Số lượng chuột trong khu vực nghiên cứu không bao giờ vượt quá 200, và nó ổn định ở mức khoảng 150, nhỏ hơn nhiều so với số lượng chuột mà "thiên đường nhân tạo" này có thể chứa. Chuột sống co cụm lại thành từng nhóm, và chỉ kiếm ăn tại những điểm riêng biệt.
Đây có thể là thí nghiệm đầu tiên khiến Calhoun chú ý đến mật độ dân số. Năm năm sau thất bại của dự án thành phố chuột, Calhoun gia nhập Cục Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH) và có điều kiện tốt hơn để thiết kế những thí nghiệm trên chuột.
Vào thời điểm đó, Calhoun đã có một nhóm nhỏ làm việc với mình, họ đã cải thiện môi trường thí nghiệm trên chuột cũng như thiết kế khu vực nuôi một cách đặc biệt để "thiên đường nhân tạo" có thể hoạt động tốt hơn. Khu vực nuôi bây giờ chỉ dài khoảng 4,5 m, rộng 3 m, được chia thành 4 khu vực được ngăn cách bởi hàng rào điện, mỗi khu vực được trang bị nguồn thức ăn và nước uống không giới hạn, còn có một "căn hộ" nhiều tầng mà chuột có thể đi vào theo đường xoắn ốc.
4 khu vực ngăn cách bởi lưới điện trên thực tế không cách ly hoàn toàn đối với nhau, chúng được nối thành từng cặp bởi 3 cây cầu nhỏ. Cụ thể, bốn khu vực này có thể được coi là bốn góc phần tư trong hệ tọa độ Descartes, trong đó chỉ tồn tại cầu nối trực tiếp khiến đường di chuyển giữa khu vực đầu - khu vực 1 và cuối - khu vực 4 tạo thành hình chữ U. Calhoun thiết kế một hệ thống cho ăn đặc biệt, thức ăn cứng được giữ sau những tấm lưới và quá trình thu nhặt thức ăn không mấy dễ dàng.
Trong lứa chuột đầu tiên, nhưng cư dân ở đây được bố trí một cách hợp lý với tổng cộng có 32 con chuột, số lượng con đực và con cái bằng nhau và chúng đều là chuột trưởng thành đã đến tuổi sinh sản.
Theo kế hoạch, những con chuột trong môi trường sống sẽ sinh sản nhanh chóng, và số lượng sẽ vượt quá giới hạn 40 con trong một thời gian ngắn, nhưng Calhoun sẽ không dừng thí nghiệm ngay lập tức. Ông sẽ để những con chuột sinh sản lên 80 con và quan sát chúng.
Lúc đầu, chuột cái phân bố đều ở bốn vùng, nhưng khi các cuộc giao tranh giữa những con chuột đực kết thúc, những con chuột đực mạnh hơn đã chiếm nhiều con chuột cái hơn.
Do thiết kế bốn khu vực và ba cầu kết nối nên một số lượng lớn chuột đực có địa vị thấp sẽ tập trung ở khu vực hai và ba, trong khi khu vực thứ nhất và thứ tư trở thành "bầy" của những con chuột đực có địa vị cao hơn. Tại cầu nối, lũ chuột tự lập những chốt chặn khiến các cá thể không thể tự do đi lại. Chuột yếu thế sang tới chuồng 2 và 3 để kiếm ăn và không thể quay lại, chỉ còn một số nhỏ chuột đực nằm lại tại chuồng 1 và 4.
Lúc này, điều kỳ lạ đã xảy ra, con chuột đực có địa vị thấp sống ở khu vực 1 và 4 - dù đang sống giữa bầy cái - lại không hề có ham muốn giao phối khác giới. Thay vào đó chúng tiếp cận những con chuột đực có địa vị cao hơn, vậy nhưng những con đực có địa vị cao cũng không hề từ chối điều này.
Số lượng chuột tại chuồng 2-3 ngày một dày đặc do liên tục xuất hiện những lứa chuột mới "đi không trở lại". Cùng lúc đó, hành vi ăn của chuột thay đổi do bắt đầu quen với thiết bị cho ăn của Calhoun. Chúng từ chối ăn một mình, và chỉ tham gia hoạt động moi thức ăn từ lưới khi và chỉ khi có sự hiện diện của đồng loại. Áp lực từ dân số, từ việc kiếm ăn (dù cho thức ăn dồi dào) tạo ra một hình mẫu được Calhoun gọi là "behavioural sink", tạm dịch là "tha hóa hành vi"; chuột bắt đầu hình thành những hành vi có hại.
Nằm dưới sự ảnh hưởng của tha hóa hành vi, chuột cái gia tăng tương tác xã hội và giảm khả năng chăm con - và vì chuột non dựa dẫm rất nhiều vào mẹ, số lượng cá thể đàn đứng trước nguy cơ suy giảm. Mỗi khi chuột cái dời tổ, chúng thường bỏ lại nơi ở cũ một số không nhỏ chuột con. Chưa hết, đến thời điểm động dục, vì chuột cái sinh sống trong chuồng kín, chúng không thể chạy thoát những cá thể động đực, và hành vi giao phối tàn bạo tại chuồng càng ảnh hưởng lớn tới con non. Có lúc, tỷ lệ tử vong trong chuồng chuột chạm mốc 96%.
Ở những con đực thống trị, tha hóa hành vi khiến chúng trở nên cuồng loạn, thường xuyên tấn công cá thể cùng chuồng và thậm chí là con non.
Còn ở nhóm chuột yếu thế, Calhoun nhận thấy những đặc điểm có thể tách chuột thành ba nhóm riêng biệt:
Loại thứ nhất được gọi là "toàn tính luyến ái - pansexual", chúng không tham gia vào các cuộc cạnh tranh địa vị xã hội, nhưng sẽ cố gắng giao phối với bất kỳ con chuột nào có thể mà không quan tâm tới giới tính hay độ tuổi. Không nhiều cá thể từ chối hành vi này.
Loại thứ hai được Calhoun gọi là "kẻ đi đêm - somnambulist ", chúng di chuyển chậm chạp, hầu như không tương tác với những con chuột khác, không tham gia các hoạt động xã hội và rất ít cá thể khác tương tác với chúng., nhưng chúng lại cực kỳ thích chăm chút cho vẻ ngoài của bản thân và không bao giờ có biểu hiện bạo lực.
Loại thứ ba, nhóm khiến Calhoun ngạc nhiên nhất được đặt tên là "lũ lần mò - prober". Đây là những cá thể tăng động, liên tục tìm kiếm cơ hội giao phối với chuột thuộc cả hai giới. Ngay cả khi chúng bị tấn công bởi những con chuột đực có địa vị cao hơn, chúng vẫn sẽ điên cuồng theo đuổi những con cái đang động dục. Lần vào tới ổ chuột và thấy những con non bị bỏ lại, lũ lần mò tìm được cho mình một nguồn dinh dưỡng nữa.
Còn tiếp: Cái kết của thí nghiệm ghê rợn, và tiền đề của thí nghiệm tiếp theo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4