Tình cảnh thảm hại của Other Bets 2017: hóa ra đường đi tìm tương lai của Google/Alphabet vẫn tù mù như xưa
Dù đã được cải thiện đáng kể nhưng trong quý 4 vừa rồi các mảng "Other Bets" của Alphabet vẫn lỗ hơn 1 tỷ USD. Kết thúc năm 2016, các chữ cái khác của Alphabet gần như không có một tin mừng nào cả.
Theo báo cáo tài chính mới được công bố, trong quý 4/2016, các mảng Other Bets (nằm ngoài Google) của Alphabet đã thu về được 260 triệu USD doanh thu, tăng mạnh so với mức 150 triệu USD của cùng kỳ trước đó. Khoản lỗ do các mảng kinh doanh nghiên cứu này cũng đã được giảm hơn 10% xuống còn 1,08 tỷ USD.
Những con số nói trên nhìn qua thì có vẻ thật đẹp. Trong khi tình cảnh của Other Bets đã được cải thiện đáng kể, mức lỗ trên 1 tỷ USD vẫn khiến cho tập đoàn mẹ không thể đạt được các con số kỳ vọng của phố Wall. Cổ phiếu công ty sụt giảm mức 1% trong phiên giao dịch sáng thứ sáu (giờ Mỹ).
Để giảm lỗ cho Other Bets, các nhà lãnh đạo của Alphabet cũng đã phải trả một cái giá rất đắt: sau khi tuyển mộ một nhà lãnh đạo từ Morgan Stanley về đảm nhiệm vị trí giám đốc tài chính, Alphabet đã khai tử tổng cộng 100 dự án nghiên cứu tại X Lab, phòng thí nghiệm chuyên thực hiện các dự án cao cấp tách ra từ Google. Tất cả các dự án đắt đỏ của Other Bets cũng như Google đều đã bị khai tử.
Một số "nạn nhân" đáng chú ý nhất của đợt cải tổ này là mảng nghiên cứu robot, chiếc smartphone module Project Ara và dự án cáp quang Fiber. Trong khi Fiber chỉ bị ngừng mở rộng (vẫn tiếp tục hoạt động tại các địa bàn hiện thời), Project Ara bị khai tử chỉ đúng 1 tháng sau khi Google khẳng định sẽ tung ra phiên bản hoàn thiện vào năm 2016. Mảng robot sau 2 năm không có người lãnh đạo kể từ khi Andy Rubin rời bỏ đến năm vừa qua cũng đã bị ngừng hoạt động.
Boston Dynamics, công ty robot nổi tiếng được Google mua lại hiện cũng đang bặt vô âm tín. Tin tức cuối cùng về Boston Dynamics xuất hiện là vào tháng 5 năm ngoái, khi nhiều tin đồn xuất hiện cho biết Toyota sẽ mua lại công ty này từ tay Alphabet. Cho đến nay, các tin đồn này vẫn chưa trở thành hiện thực và Boston Dynamics cũng chưa thể ra mắt bất kỳ một sản phẩm nào dưới tay Google/Alphabet.
Cùng lúc, quy mô nghiên cứu Wi-Fi miễn phí bằng khinh khí cầu (Project Loon) cũng bị cắt giảm. Số phận của dự án drone sử dụng năng lượng mặt trời (Project Wing) còn thê thảm hơn: ngay sau khi dự án này bị khai tử, cả 2 lãnh đạo cao cấp nhất của mảng drone đều rời bỏ Alphabet.
Thực tế, năm 2016 đã chứng kiến tình trạng "chảy máu chất xám" nặng nề tại các mảng Other Bets của Alphabet khi một loạt các nhân sự chủ chốt lần lượt rời bỏ công ty. Project Loon, Project Loon, Google Ventures, Access (đơn vị chủ quản của Fiber), Project Aura (hậu duệ của Glass), Waymo (dự án xe tự lái) đều mất các nhân sự cấp cao.
Đình đám nhất trong số các vụ việc này là vụ việc của Tony Fadell, "cha đẻ" của iPod và cũng là nhà sáng lập của Nest, nhà sản xuất thiết bị nhà thông minh được Google mua lại vào năm 2014. Sau những lời chỉ trích nặng nề từ nhân viên cũ của Dropcam (công ty camera thông minh được Nest thâu tóm), Fadell bị buộc phải rời bỏ vị trí lãnh đạo tại Nest.
Trong năm 2017, Alphabet sẽ tiếp tục phải sống nhờ vào doanh thu quảng cáo của Google. Đây chắc chắn là một kịch bản mà Larry Page và cộng sự không hề mong muốn, đặc biệt là khi sức ép cạnh tranh của Facebook và Amazon (với công nghệ trợ lý ảo Alexa) đang ngày một mạnh mẽ hơn. Nhưng ở phía còn lại, khi "bắn lên mặt trăng" để tìm ra những phương hướng kinh doanh không mấy ai nghĩ đến, Alphabet cũng sẽ phải cẩn thận để vừa làm hài lòng các nhà đầu tư, vừa tránh rối loạn nội bộ nặng nề. Nếu không, kịch bản thê thảm của Other Bets năm 2016 chắc chắn sẽ lặp lại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"