Viettel khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, loại bỏ quản lý trên giấy, tiết kiệm 100 tỷ/năm cho xã hội

    VT,  

    Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm cho xã hội.

    Chiều ngày 24/3/2017, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia từ ngày 1/6/2017. Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, PTGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Đại tá Tống Viết Trung cùng với đại diện của Cục Y tế dự phòng, các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc, các Viện/Bệnh viện/Trường liên quan hoạt động tiêm chủng, đại diện UBND Thành phố Hà Nội, cùng các tổ chức quốc tế/tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế.

    Như vậy, sau khi thí điểm tại 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, từ 1/6/2017, 13.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng Hệ thống của Viettel để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân. Hệ thống này sẽ giúp Ngành Y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID), từ đó tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh nguy hiểm, tránh dược những nguy cơ nhiễm bệnh, nguy cơ tàn tật nhờ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Người dân có thể theo dõi lịch tiêm chủng, tiền sử tiêm chủng của mình và các thành viên trong gia đình thông qua ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử. Thông qua hệ thống, người dân cũng có thể chủ động đăng ký lịch tiêm trực tuyến cũng như tìm kiếm cơ sở tiêm gần nhất. Các kiến thức về an toàn tiêm chủng cũng được Ngành Y tế cập nhật đầy đủ và thường xuyên trên hệ thống.

    Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm cho xã hội. Theo Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống sẽ giúp Hà Nội tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công.

    Ông Tống Viết Trung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đưa ứng dụng Viễn thông và CNTT len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, giáo dục và y tế sẽ cần được ưu tiên trước hết vì đây là hai lĩnh vực đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia. Cùng với việc xây dựng gần 36.000 trạm phát sóng 4G để có một hạ tầng 4G phủ rộng và sâu như 2G, để bất cứ người dân nào ở Việt Nam cũng có cơ hội được tận hưởng một cuộc sống tiện ích hơn, Viettel cũng đẩy mạnh triển khai các ứng dụng viễn thông và CNTT trong cuộc sống mà Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là một phần trong chiến lược đó. Sự kiện khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia ngày hôm nay thêm một lần nữa khẳng định những bước tiến rất xa của ngành y tế trong việc đưa ứng dụng viễn thông và CNTT trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân”.

    Hiện tại Viettel đang tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai các cấu phần còn lại của hoạt động y tế dự phòng, hoàn thiện các danh mục sản phẩm cho ngành y tế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong hệ sinh thái tổng thể các ứng dụng quản lý cho cơ quan y tế các cấp: từ quản lý khám chữa bệnh, giám định BHYT, quản lý tiêm chủng, quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm,…cho tới các giải pháp hành chính công, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục nâng cấp, cải thiện và mở rộng về tính năng cũng như quy mô triển khai, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu về y tế - dân số từ nay đến năm 2020.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ