World Cup 2022 và những kỷ lục về tiền bạc

    Đặng Lai , Tiền Phong 

    World Cup 2022 lập kỷ lục ở số tiền mà nước chủ nhà đã chi ra để tổ chức (220 tỷ USD). Bên cạnh đó là rất nhiều khoản tiền kỷ lục nữa mà giải đấu sẽ khai mạc vào tối nay tạo nên.

    World Cup 2022 và những kỷ lục về tiền bạc - Ảnh 1.

    42 triệu USD: Số tiền thưởng được trao cho đội đăng quang, cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 4 triệu USD so với những gì tuyển Pháp nhận được từ chức vô địch World Cup 2018. FIFA cho phép mỗi đội quyết định phần tiền mà các cầu thủ nhận được.

    60 triệu USD: Giá trị từng năm của bản hợp đồng mà Nike tài trợ cho Liên đoàn bóng đá Pháp. Đây là bản hợp đồng tài trợ cho đội tuyển đắt nhất mà Nike thực hiện. Nike tài trợ trang phục thi đấu cho 13 đội tuyển tại World Cup 2022, nhiều nhất trong số các hãng sản xuất đồ thể thao. Còn lại, 7 đội sẽ mặc đồ của Adidas và 6 đội sẽ mặc Puma. New Balance, Hummel, Kappa, Majid, Marathon và One All Sports mỗi hãng tài trợ cho một quốc gia.

    128 triệu USD: Cầu thủ được trả lương cao nhất World Cup 2022 là Kylian Mbappe của Pháp, người sẽ kiếm được 18 triệu USD tiền lương thông qua hợp đồng với PSG và 110 triệu USD khác ngoài sân cỏ, theo ước tính của Forbes.

    209 triệu USD: Tổng số tiền FIFA đền bù cho các CLB trên khắp thế giới tại World Cup 2022. Mỗi cầu thủ thi đấu tại giải đấu tại Qatar sẽ được FIFA "trả lương", trung bình 10.000 USD mỗi ngày/cầu thủ. Quỹ đã tăng đáng kể kể từ World Cup 2014 tại Brazil.

    World Cup 2022 và những kỷ lục về tiền bạc - Ảnh 2.

    277 triệu USD: Số tiền mà David Beckham được Qatar trả để làm đại sứ cho World Cup 2022. Khoản tiền này được thanh toán dần trong 10 năm. Đây là khoản chi kỷ lục cho một vị đại sứ World Cup.

    440 triệu USD: Tổng tiền thưởng cho World Cup 2022. Con số này đã tăng từ 400 triệu vào năm 2018 đến 440 triệu USD năm nay. Cần biết, tổng giải thưởng của World Cup nữ 2019 chỉ là 30 triệu USD.

    1,7 tỷ USD: Chi phí do FIFA chi trả cho World Cup năm nay, với khoản chi lớn nhất là tiền thưởng, sau đó đến các chi phí vận hành như khách sạn và hậu cần (322 triệu USD) và hoạt động truyền hình (247 triệu USD).

    4,7 tỷ USD: Doanh thu dự kiến của FIFA từ World Cup. Quyền phát sóng truyền hình chiếm 2,64 tỷ USD và quyền tiếp thị mang lại 1,35 tỷ USD khác, trong khi doanh thu bán vé và quyền tiếp khách lên tới 500 triệu USD.

    6,5 tỷ USD đến 10 tỷ USD: Ước tính về số tiền mà Qatar đã chi để xây dựng 7 sân bóng mới cho World Cup năm nay.

    14,2 tỷ USD: Tổng chi phí của Nga liên quan đến việc tổ chức World Cup 2018, theo Moscow Times. Các hạng mục lớn nhất bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông (6,11 tỷ USD), xây dựng sân vận động (3,45 tỷ USD) và chỗ ở (680 triệu USD).

    220 tỷ USD: Chi phí ước tính cho những gì Qatar đã chi trong 12 năm qua để chuẩn bị cho World Cup. Các quan chức chính phủ chưa bao giờ xác nhận con số này, nhưng vào năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Qatar cho biết nước này đã chi 500 triệu USD mỗi tuần cho các dự án.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ