Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê

    M.Đức,  

    Sự tối giản vẫn được hãng âm thanh Mỹ đặt lên hàng đầu!

    Đều như vắt chanh, mỗi năm hãng âm thanh Mỹ Ultimate Ears lại ra mắt một phiên bản nâng cấp cho dòng sản phẩm chủ lực mang tên Boom của họ. Đến nay, dòng sản phẩm này đã đến được thế hệ 3, nhưng liệu nó có gì khác phiên bản trước, liệu nó có đáng để người dùng nâng cấp, và đặc biệt là liệu nó còn đủ hấp dẫn để người dùng mua mới khi chưa biết gì về các sản phẩm của Ultimate Ears.

    Mở hộp


    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 1.

    Một trong những điểm khó hiểu nhất ở phiên bản Boom2 đó là phần vỏ hộp được làm hình trụ, nhìn thì thật khác người nhưng 1. Khó cho các cửa hàng trong công tác cất giữ, 2. Khó cho...những người đánh giá như mình trong việc chụp hình. Đến sản phẩm Boom3, hãng đã trở lại với vỏ hộp vuông vắn bằng giấy bìa cứng như bao hãng khác.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 2.

    Tháo lớp giấy bên ngoài, ta thấy được phần vỏ hộp bên trong đầy màu sắc. Ultimate Ears từ trước đến nay luôn gây ấn tượng trong cách đóng hộp, dù là tai nghe hay loa di động.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 3.

    Loa được đặt ngay ngắn bên trong, không có thêm các lớp nhung chống sốc, song hộp cũng được đóng khá chặt nên nguy cơ loa lăn qua lăn lại và bị hỏng là không cao.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 4.

    Trong hộp ta có chỉ 1 dây sạc duy nhất. Đây là một điểm 'cải lùi' so với phiên bản trước, khi Boom2 được tặng trong hộp 1 dock sac USB cùng 4 chân cắm thay đổi cho các thị trường khác nhau.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 5.

    Bộ phụ kiện của Ultimate Ears Boom2, với dock sạc và các cổng cắm.

    Mình không hiểu tại sao Ultimate Ears không tặng kèm những phụ kiện đó nữa, có lẽ hãng nghĩ rằng người dùng sẽ sử dụng chung sạc với smartphone cho tiện. Đa phần người dùng sẽ làm vậy, nhưng nếu hãng tặng thêm thì vẫn sẽ tốt hơn.

    Thiết kế


    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 6.

    Boom chắc chắn là dòng sản phẩm mang tính biểu trưng nhất của Ultimate Ears, khi chỉ cần nhắc tới tên hãng là người dùng sẽ nhớ ngay tới thiết kế của dòng này. Và cũng vì lí do này, hãng cũng không thay đổi vỏ ngoài trên Boom3 quá nhiều. Ta vẫn có một chiếc loa hình trụ dài, với vỏ ngoài bọc vải, đẹp theo dạng tối giản.

    Có 2 điểm thay đổi lớn và 2 điểm thay đổi nhỏ (sẽ được nói rõ ở phần sau). 2 điểm thay đổi lớn về thiết kế đó là phần vải bện có vẻ được bện khít nhau, nên cầm trên tay có cảm giác sẽ bền theo năm tháng hơn và tiếp theo đó có phần cao su đã được loại bỏ, nhằm tăng tính liền lạc trong thiết kế.

    Video giới thiệu độ bền của Boom3 từ Ultimate Ears

    Nhưng một điểm không đổi, đó là chất lượng hoàn thiện tuyệt vời của phần vỏ ngoài. Loa khá nhỏ nhắn, chỉ bằng chai nước 400ml, nhưng khi cầm lên khá nặng, gõ vào thì thấy chắc nịch. Dòng Boom từ trước đến nay 'bền có tiếng', kèm theo đó là khả năng chống nước và bụi IP67, mình cũng cảm thấy yên tâm khi đem nó ra ngoài trời sử dụng.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 8.

    Mặt trước tất nhiên ta vẫn có 2 nút bấm tăng giảm âm lượng siêu lớn đã quá quen thuộc với dòng Boom. Cá nhân mình thấy rằng kiểu nút bấm này đẹp thì rất đẹp, nhưng sẽ khó bấm hơn các nút truyền thống, vì người dùng sẽ phải nhấn chính xác vào phần giữa của 2 dấu và trừ để kích hoạt. Đây chỉ là nhược điểm vô cùng nhỏ, nếu được chọn mình cũng sẽ chọn kiểu nút này, nhìn rất hiện đại.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 9.

    Mặt trên ta có 3 nút, một nút nguồn, một nút để bật tắt Bluetooth và một nút được hãng gọi là 'Nút ma thuật'. Bản chất của nút này dùng để nhấn giữ, giúp người dùng chọn nhanh một danh sách nhạc đặt sẵn trong Apple Music hoặc Deezer. Apple Music thì các iFan đã sử dụng nhiều, nhưng mình chưa thấy ai ở Việt Nam sử dụng Deezer cả, nên nếu hãng tích hợp Spotify thì sẽ hợp lí hơn.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 10.

    Điểm nâng cấp nhỏ về thiết kế tiếp theo nằm ở mặt sau, khi hãng tích hợp thêm một chiếc móc nhỏ bằng vải để tiện đem đi. Ở phiên bản Boom2 hãng đặt phần móc này ở dưới đáy, lại được làm bằng kim loại và theo mình thì không tiện dụng bằng.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 11.

    Cổng sạc micro USB của loa được đặt sau một cửa cao su để đảm bảo tính chống bụi và nước IP67. Giờ đã là 2019, các hãng smartphone và máy tính đều đã chuyển sang sử dụng USB Type-C, nên có lẽ Ultimate Ears cũng nên sử dụng chuẩn này để đơn giản hóa vấn đề pin sạc cho người dùng.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 12.

    Một tính năng mới nữa đó là khả năng sạc không dây, với một chân kết nối ở dưới đáy. Tính năng này đòi hỏi người dùng phải mua thêm một đế sạc mang tên PowerUp với giá bán $39. Việc thêm tính năng mới luôn được chào đón, nhưng nếu hãng sử dụng chuẩn Qi như smartphone thì ta có thể sử dụng được chung đế sạc thay vì phải mua thêm một sản phẩm nữa. 

    Cả khả năng sạc có dây và không dây của loa đều có những nhược điểm, mà theo mình hãng cần phải thay đổi trong phiên bản tiếp theo.

    Phần mềm


    Giao diện phần mềm dành cho Boom3 trên smartphone

    Đi kèm với loa là một phần mềm điều khiển, có chức năng để nâng cấp firmware để tăng tính ổn định, bật tắt / chuyển ngôn ngữ của hướng dẫn bằng giọng nói, điều chỉnh chất âm bằng EQ, và tính năng mình cho là hữu dụng nhất: kết nối nhiều loa với nhau để cùng chơi 1 bản nhạc. Tính năng này được cho là có thể kết nối được hàng trăm loa để chơi nhạc theo 'chuỗi', nhưng có lẽ ít ai muốn bỏ tiền ra mua cả công-ten-nơ loa về để thử cả, cùng lắm là 2 - 3 chiếc mà thôi.

    Thông số kĩ thuật

    - 2 màng loa 2'' và 2 màng rung thụ động

    - Dải tần: 90Hz - 20kHz

    - Độ lớn cực đại: 90dB

    - Thời lượng: 15 tiếng

    - Chống nước và bụi IP67

    - Kích thước: 73 mm x 184 mm

    - Cân nặng: 608 g

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 15.

    Chất âm


    Một điểm gần như không có thay đổi gì so với phiên bản Boom2 đó là chất âm, vì có lẽ 2 sản phẩm này dùng chung một cấu hình loa. Chiếc loa này (và cả phiên bản trước) đều có chất âm hướng sáng, nhấn vào âm trung và cao, còn dải trầm thì lại không nhiều mặc dù hãng quảng cáo rất nhiều về khả năng tái tạo trầm, và tên cũng có cả chữ 'Boom'.

    Thử với bài Nevada - Vicetone, loa chơi được âm trống ở mức ổn, nhấn nhiều vào dải trầm trung (mid bass), với tốc độ nhanh, tức là chơi rồi ngắt ngay chứ không ngân dài. Phần siêu trầm (sub bass) mất lượng và lực khá nhanh, nên những bài có dải này thì chỉ chạm tới mà thôi, không thực sự tạo ra điểm nhấn cho bài hát. Vẫn như thường lệ, những ai muốn có chất âm mạnh bạo hơn thì nên chọn dòng eXtra Bass, như chiếc Sony XB41.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 16.

    Điểm 'ăn tiền' trong chất âm của loa nằm ở dải trung, do không bị âm trầm 'kìm kẹp' nên thể hiện tiến tới người nghe, có thiên hướng sáng và chi tiết tốt. Giọng Annie Drury trong bài On A Good Day - Above & Beyond chắc chắn, có đầy đủ âm hơi để tạo sự chắc chắn song cũng có âm hơi để không bị quá khô khan, khó nghe. Đoạn trung cao (high mid) lên đủ cao, nên giọng ca sĩ và các nhạc cụ luôn có cảm giác 'thoát', ngược lại với kiểu âm trung dễ nghe nhưng thiếu độ sáng của Sony eXtrabass XB41.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 17.

    Cũng nhờ có chất âm sạch và thoáng, Boom3 cũng có cả dải cao tốt. Lượng âm cao vừa đủ dùng, không quá nhiều để lấn át dải quan trọng nhất - giọng ca sĩ, nhưng nhiều hơn so với những chiếc loa dạng Basshead. Các âm hi-hat, cymbal đủ sắc, có một chút ngọt nên không bị lạnh, nhìn chung không tệ chút nào.

    Điểm mà Boom3 thua các chiếc loa khác, đặc biệt là các dòng loa Sony eXtra bass đó là khả năng tái tạo âm trường. Loa có 2 màng Dynamic, nhưng lại được đặt theo chiều dọc, nên âm thanh cảm giác như được chơi tại một điểm, trong khiSony XB41 thì sẽ có khả năng chơi nhạc chiều ngang tốt hơn. Nhưng bù lại, Boom3 có thể chơi nhạc theo 360 độ, điều các loa chiều ngang không làm được.

    Đánh giá loa di động Ultimate Ears Boom3: Nâng cấp nhỏ nhưng vẫn khó để chê - Ảnh 18.

    Lời kết


    Như thường lệ, ta 'lộn' lại đầu bài để trả lời những câu hỏi đặt ra về sản phẩm này. Ultimate Ears Boom3 mặc dù không phải là một nâng cấp lớn so với phiên bản tiền nhiệm, nhưng vẫn tiếp tục là một sản phẩm tốt dành cho những ai muốn có một chiếc loa di động ngoài trời, với chất lượng pin tốt, thiết kế bền bỉ và chất âm sạch sẽ.

    Những ai chưa có loa di động, thì đây hoàn toàn là một lựa chọn đáng tiền. Nhưng ngược lại, những ai đã sở hữu Boom2 thì nên 'skip' phiên bản này, và chờ các lần nâng cấp có nhiều tính năng khác biệt hơn.

    Ưu điểm

    - Thiết kế hiện đại, hoàn thiện rất chắc chắn

    - Chuẩn chống nước và bụi IP67

    - Đã tích hợp sạc không dây (mặc dù là chuẩn riêng)

    - Thời lượng pin 15 tiếng

    - Có khả năng kết nối nhiều loa

    - Kết nối ổn định, không trễ

    - Chất âm sạch sẽ, độ chi tiết khá

    Nhược điểm

    - Không còn các dock sạc như bản cũ

    - Vẫn sử dụng micro USB thay vì nâng cấp lên USB Type-C

    - Âm trầm ít hơn so với Sony eXtra Bass

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày