Hóa ra ác mộng cũng có mặt tốt: Là nơi bộ não diễn tập cho những tình huống nguy hiểm ngoài đời thực

    zknight,  

    Nhưng nếu vượt qua một ngưỡng sợ hãi nhất định, giấc mơ sẽ mất đi lợi ích của nó.

    Những cơn ác mộng có thể đem lại cảm giác sợ hãi hoặc đau khổ. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy, chúng có thể có lợi. Những giấc mơ đáng sợ hoạt động như một biện pháp trị liệu qua đêm, giúp chúng ta điều chỉnh lại não bộ để đối phó được với những nỗi sợ hãi xảy đến trong cuộc sống thực.

    Bằng cách lập bản đồ hoạt động của bộ não con người trong khi ngủ, các nhà khoa học đã củng cố được ý tưởng cho rằng: Giấc mơ là nơi diễn tập dành cho những kịch bản tồi tệ mà chúng ta có thể phải đối mặt trong thực tế.

    Càng gặp nhiều ác mộng và ác mộng càng kinh hoàng, bạn càng bình tĩnh hơn trước các tình huống khó khăn trong cuộc sống.

    Hóa ra ác mộng cũng có mặt tốt: Là nơi bộ não diễn tập cho những tình huống nguy hiểm ngoài đời thực - Ảnh 1.

    Hóa ra ác mộng cũng có mặt tốt

    "Lần đầu tiên, chúng tôi đã xác định được mối tương quan thần kinh của nỗi sợ hãi khi chúng ta mơ, và quan sát thấy các vùng tương ứng được kích hoạt khi một người trải qua nỗi sợ hãi trong cả trạng thái ngủ và trạng thái thức tỉnh", Lampros Perogamvros, một nhà khoa học thần kinh đến từ Đại học Geneva cho biết.

    Giấc ngủ của con người vẫn còn là một bí ẩn, nhưng bất cứ ai từng gặp ác mộng đều có thể tự suy ra từ kinh nghiệm cá nhân của mình, rằng tâm trạng và giấc ngủ có mối liên hệ đan xen chặt chẽ với nhau. Điều đó diễn ra chính xác như thế nào thì các nhà khoa học cũng khó có thể nói được, mặc dù có nhiều giả thuyết từ lâu cho rằng giấc ngủ có thể giúp điều chỉnh cảm xúc của chúng ta.

    Tương tự như khi bạn thức giấc, con người chúng ta đều có thể trải nghiệm cảm xúc trong giấc mơ của mình. Và những cảm xúc đọng lại từ giấc mơ ấy thực sự có thể ảnh hưởng đến đời sống thực, ngay từ khi bạn thức dậy và kéo dài có thể tới vài ngày, vài tuần.

    Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) - bằng cách nào đó - có thể ổn định được cảm xúc và các ký ức tiêu cực cho chúng ta. Nhưng liệu những cảm xúc đó có thể thấm vào giấc mơ của chúng ta hay không lại là một vấn đề khác?

    Đã có bằng chứng sơ bộ cho thấy các trung tâm cảm xúc trong não của chúng ta, như vùng amygdala, vẫn hoạt động trong khi ngủ. Và khi những khu vực này bị làm suy yếu ở một số người, các nhà khoa học đã ghi nhận được giấc mơ của họ có rất ít cảm xúc.

    Tuy nhiên, đó mới chỉ đơn giản là những mối tương quan, và tất cả những gì chúng ta có được cho đến nay là những giả thuyết về mối quan hệ giữa giấc mơ, các vùng trong não bộ và cảm xúc chúng ảnh hưởng.

    Một trong số các giả thuyết đó có tên gọi là "giả thuyết mô phỏng mối đe dọa'. Theo giả thuyết này, bộ não của chúng ta có một cơ chế đối phó với nỗi sợ hãi trong cuộc sống, nó sẽ 'diễn tập' trước các sự kiện đe dọa đến chủ thể trong giấc mơ của mình.

    Trong khi đó, một giả thuyết khác đề xuất một giấc ngủ có thể giải quyết được những xung đột cảm xúc, giảm bớt những tâm trạng tiêu cực trong ngày hôm sau cho chúng ta.

    Cả hai giả thuyết đều đồng ý rằng, về nguyên tắc, trải nghiệm nỗi sợ hãi trong giấc mơ của chúng ta dẫn đến những phản ứng tốt hơn khi thức dậy. Các giả thuyết này chỉ không tìm được tiếng nói chung khi giải thích: Làm thế nào điều đó diễn ra?

    Hóa ra ác mộng cũng có mặt tốt: Là nơi bộ não diễn tập cho những tình huống nguy hiểm ngoài đời thực - Ảnh 2.

    Giấc mơ là nơi diễn tập cho những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống thực.

    Bây giờ, một nhóm các nhà khoa học đã thực hiện những thí nghiệm thực tế để kiểm tra xem giả thuyết nào đúng.

    "Giấc mơ có thể được coi là một sự huấn luyện thực sự cho các phản ứng trong tương lai của chúng ta và có khả năng giúp chúng ta đối mặt với những hiểm nguy trong cuộc sống thực", Perogamvros nói.

    Sử dụng kỹ thuật đo điện não đồ độ phân giải cao (EEG), các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động của não trong khi ngủ của tổng cộng 18 tình nguyện viên tham gia. Mỗi lần khi có một tình nguyện viên thức dậy, họ sẽ được hỏi về giấc mơ của mình và liệu họ có cảm thấy sợ hãi không.

    Phân tích kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy có hai vùng não bộ liên quan đến nỗi sợ hãi: vùng đảo insular và vỏ não cingulate.

    Giống như vùng amdygdala liên quan đến nỗi sợ hãi, insula cũng được kích hoạt bởi sự đau khổ và liên quan đến những cảm xúc trong trạng thái tỉnh thức. Ngược lại, vỏ não cingulate là một phần của bộ não giúp cơ thể chúng ta sẵn sàng phản ứng và đối phó với các sự kiện đe dọa.

    Để tìm hiểu thêm về các khu vực này và vai trò của chúng, các nhà thần kinh học đã đưa ra một cuốn nhật ký giấc mơ cho 89 người tham gia. Trong đó, họ phải ghi lại những giấc mơ và cảm xúc của mình mỗi sáng thức dậy trong vòng 1 tuần.

    Vào cuối tuần, những người tình nguyện sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI) để ghi lại hoạt động não trong thời gian thực. Khi máy chụp đang bật, họ sẽ được cho xem những hình ảnh đáng sợ hoặc gây ra cảm xúc tiêu cực. Mục đích là để xem những cơn ác mộng có thay đổi phản ứng của họ trong đời thực với những tấm ảnh này hay không?

    Nhà khoa học thần kinh Virginie Sterpenich đến từ Đại học Geneva cho biết: "Chúng tôi thấy khi ai đó càng cảm thấy sợ hãi trong giấc mơ của họ, thì các khu vực insula, cingulation và amygdala càng ít được kích hoạt khi họ nhìn vào những bức ảnh tiêu cực".

    "Ngoài ra, hoạt động ở vỏ não trước trán trung gian, được biết đến với chức năng ức chế amygdala trong các tình huống sợ hãi, sẽ tăng cường tỷ lệ thuận với số lượng giấc mơ đáng sợ mà tình nguyện viên gặp phải".

    Hóa ra ác mộng cũng có mặt tốt: Là nơi bộ não diễn tập cho những tình huống nguy hiểm ngoài đời thực - Ảnh 3.

    Bằng cách lập bản đồ hoạt động của bộ não con người trong khi ngủ, các nhà khoa học đã củng cố được ý tưởng của mình.

    Các kết quả thực nghiệm này hỗ trợ giả thuyết cho rằng giấc mơ là những tình huống diễn tập hiệu quả, giúp não bộ hiệu chỉnh lại hoạt động của nó để đối phó tốt hơn với các trường hợp nguy hiểm ngoài đời thực.

    Mặc dù vậy, các tác giả nghiên cứu cũng cảnh báo rằng những cơn ác mộng nhiều khi vượt quá mức, sẽ gây ra sự đau khổ thực sự và làm gián đoạn giấc ngủ của người trải nghiệm nó. Cơn ác mộng vượt ra khỏi tầm của một giấc mơ xấu, có mức độ sợ hãi vừa phải, sẽ tác động rất tiêu cực đến cảm xúc của chúng ta khi thức dậy.

    Perogamvros kết luận: "Chúng tôi tin rằng nếu vượt qua một ngưỡng sợ hãi nhất định, giấc mơ sẽ mất đi vai trò có lợi của nó, hoạt động như một tác nhân điều chỉnh cảm xúc".

    Bên cạnh tìm hiểu những cơn ác mộng đem lại cảm giác tiêu cực trong mơ, hiện các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu các giấc mơ ngọt ngào, với cảm giác tích cực sẽ ảnh hưởng thế nào đến chúng ta ngoài đời thực.

    Nghiên cứu mới của họ được đăng trên tạp chí Human Brain Mapping.

    Tham khảo Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ