Kiên trì đơn giản là không bỏ cuộc, không cần nhanh, miễn là đừng dừng lại.
*Bài viết dưới đây là chia sẻ trên Quora của Nelson Wang, đồng sáng lập Habby.co, chủ nhân của 4 trong top 100 ứng dụng iOs
Có người từng hỏi tôi rằng, kỹ năng nào quan trọng nhất trong đời mỗi người?
Qua thời gian, con người phải học rất nhiều kỹ năng để tồn tại.
Kỹ năng nào cũng quan trọng, tuy nhiên nếu phải lựa kỹ năng quan trọng nhất, giá trị nhất trong cả đời người thì tôi cho đó là sự kiên trì.
Nelson Wang
Kiên trì là gì?
Kiên trì không chỉ là kỹ năng, đó còn là thái độ sống, theo đuổi mục đích mà mình đã đề ra. Đó chính là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, dù có gian nan thử thách nhưng vẫn nhất quyết làm đến cùng. Lòng kiên trì đối với mỗi người là nhân tố để thành công, để đạt được mục đích mà mình đặt ra.
Còn đây là lý do vì sao kiên trì lại là kỹ năng quan trọng nhất mà ai cũng cần có:
Kiên trì là gốc rễ của sự thành thạo
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong thời gian dài chắc chắn sẽ giúp bạn thành thạo một việc gì đó. Dưới đây là 2 ví dụ đã khiến tôi nhận ra chân lý đơn giản này.
Tôi có 3 người bạn: Nate, West và Chris.
Họ chẳng biết mô tê gì về việc sản xuất quần nỉ (sweatpant), tuy nhiên 3 người này rất yêu thời trang và họ khát khao tạo ra chiếc quần nỉ tuyệt nhất trên đời.
50 chiếc quần nỉ từ nhiều thương hiệu được mua về, cắt nhỏ ra chỉ để nghiên cứu đường kim mũi chỉ, cách cắt vải... Chỉ sau 2 tháng, họ đã tiêu mất vài nghìn USD vào việc... phá quần. Đen đủi hơn, việc liên kết với một nhà sản xuất kém chất lượng, quần may ra không như mong muốn lại ngốn thêm rất nhiều tiền.
Hầu hết, con người bình thường sẽ bỏ cuộc ở giai đoạn này. Tuy nhiên, 3 người bạn của tôi lại không như vậy. Mục tiêu của họ là chất lượng chứ không phải giá thành, họ tiếp tục nghiên cứu và đi tìm đối tác. Cuối cùng, chiếc quần nỉ ưng ý đầu tiên đã ra đời. Một chiến dịch quảng cáo mang tên "Saturday Sweatpant" đã giúp họ vớt vát, thu về hơn 8000 USD chỉ sau 3 ngày.
Giờ thì có ông trời mới đếm nổi họ đã bán được bao nhiêu chiếc quần nỉ, vì chất lượng tốt ư? Cũng đúng, nhưng chủ yếu là nhờ họ đã không bỏ cuộc.
"Saturday Sweatpant" của thương hiệu Natoma & Company
Câu chuyện thứ 2: Mọi người cứ hỏi tôi làm thế nào để được đăng bài viết trên Forbes? Câu trả lời lại gói gọn trong từ "kiên trì".
Tôi đã bỏ ra 2 năm, viết 6 cuốn sách, 21 bài báo, 18 bài đăng trên Quora và hơn 30 bài viết giới thiệu sách gửi cho các đầu báo.
Qua thời gian, tôi thấy kỹ năng viết của mình cải thiện rõ rệt trên cả số lượng lẫn chất lượng. Khi mới bắt đầu, mỗi bài viết của tôi mất đến 2 ngày mới xong, còn giờ chỉ cần 2 tiếng và chắc chắn là đọc chất lượng hơn rất nhiều. Giờ tôi viết một lúc cho cả Forbes, Bussiness Insider, Inc. và The Huffington Post.
Có lẽ những gì tốt đẹp nhất đến với tôi chủ yếu nhờ sự kiên trì và lì lợm trước khó khăn.
"Sự kiên trì không phải là cuộc đua đường trường, nó là nhiều cuộc đua ngắn nhưng liên tục, liên tục"
Kiên trì đem đến cơ hội trong những lúc bạn nghĩ rằng mình đã hết cơ hội
Khoảng vài năm trước, tôi đi phỏng vấn ở 5 công ty thuộc top 100 Fortune. 4 công ty đầu không chọn tôi vì họ nói tôi không có những kỹ năng mà họ đang tìm kiếm. Nếu tôi thấy nản và bỏ cuộc thì tôi đã không đi phỏng phấn lần thứ 5.
Lần này họ yêu cầu tôi làm 1 bài thuyết trình mà không hề thông báo gì trước, tôi đã gắng hết sức để làm tốt nhất có thể và cuối cùng tôi đã được nhân.
Kiên trì giúp bạn mạnh mẽ hơn
Tôi từng thành lập công ty phát triển ứng dụng trên nền iOS, ứng dụng đầu tiên tên là "UI" - giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn trước mỗi buổi phỏng vấn, tuy nhiên vấn đề là giao diện trông cực kỳ xấu xí.
Ứng dụng này đã lọt vào top 50, việc đó giúp tôi phát triển thêm 14 ứng dụng nữa trong vài năm sau. Tuy nhiên, 10 trong số đó thất bại ê chề.
Sau nhiều lần bị cuộc đời này chối từ, tôi tiếp tục kiên trì. Đôi lúc cảm thấy mình có phần vô cảm và "chai mặt". Tôi cứ thế cắm cúi làm, tích lũy kinh nghiệm cho tới khi mọi thứ suôn sẻ hơn, ứng dụng mà tôi tạo ra trông cũng lung linh hơn. Cùng với việc coding thành thạo, các ý tưởng cứ thế được hiện thực hóa một cách trôi chảy.
Nếu chán nản và bỏ cuộc, giờ tôi đã không trở thành người đồng sáng lập Habby.co.
Kiên trì dạy bạn cách xử lý khủng hoảng
Bất cứ ai cũng sẽ gặp khủng hoảng trong đời (cụ thể thế nào chỉ bản thân bạn mới rõ).
Có lần tôi nhận được mail từ một luật sư, anh ta cho rằng công ty của tôi đã gây thiệt hại lớn cho khách hàng. Tôi rơi vào khủng hoàng sau khi kiểm tra mail. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại, tôi lên giường đi ngủ như bình thường.
Ngày hôm sau, tôi gọi ngay cho một số luật sư, cùng họ tìm cách giải quyết. Sau 2 tuần, mọi thứ được dàn xếp ổn thỏa. Nếu trước đây tôi không kiên trì và lì lợm, có lẽ giờ này đã phá sản rồi.
Kiên trì = lạc quan
Khi còn là một cậu sinh viên, tôi có kể cho vài người về ý tưởng tạo ra một trang mạng chuyên chia sẻ các bài viết để động viên con người sống tốt hơn. Những người được nghe lờ đi, họ cho rằng ý tưởng này thật vớ vẩn.
Tôi không bực bội hay xa lánh họ, thay vào đó tôi thay đổi ý tưởng thành: tạo ra cộng đồng có khoảng 100.000 người theo dõi, khoảng 1 triệu visit hàng tháng... Bất ngờ là mọi người lại quay ra ủng hộ tôi làm đến cùng.
Một điều tôi muốn nói với những người trẻ tuổi: Khi còn trẻ, chúng ta thường bị sự khó chịu cản bước, ức chế là không làm. Như vậy là rất sai đấy, cần phải coi đó là động lực để cố gắng hơn.
Lý do tôi thành lập được 2 công ty, rồi đến công ty thứ 3 đều nhờ sự kiên trì, không bỏ cuộc. Cuộc sống này đôi lúc sẽ hất bạn xuống hố sâu, sự kiên trì đã dạy tôi sống lạc quan. Tôi không bị chuyện "ngã xuống hố" ám ảnh, trái lại, thứ tôi nhớ là mình đã đứng lên và bước ra khỏi vô số cái hố.
Nếu tôi phải chọn 1 kỹ năng duy nhất cho đời mình thì đó chính là sự kiên trì. Đừng bỏ cuộc nếu vẫn có thể tiếp tục cố gắng.
Theo Quora
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?
Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.
Loài cá 50 triệu năm tuổi này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong suốt 200 năm!