Thay vì tạo ra các tác phẩm nguyên bản, nhiều hãng phim tỏ ra lười biếng khi liên tục “vắt sữa” những thương hiệu cũ.
Mới đây, khán giả bắt đầu chán nản khi Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald (Sinh Vật Huyền Bí: Tội Ác Của Grindelwald) trở thành một bộ phim nhàm chán khi chỉ có vai trò tạo tiền đề cho các phần sau. Tuy nhiên, đây cũng là "căn bệnh" chung của hàng loạt thương hiệu phim bị kéo dài một cách quá đáng.
1. Tranformers
Vốn là một dòng đồ chơi của hãng Hasbro, Transformers dần trở thành thương hiệu điển ảnh "tỷ đô" qua bàn tay của Michael Bay . Song, cũng chính "ông hoàng cháy nổ" đã khiến loạt phim dần trở nên lụn bại bởi kịch bản thiếu đầu tư. Khán giả luôn trong tâm thế xem những người máy lao vào đấm nhau với khung cảnh cháy nổ, khói lửa xung quanh cùng nội dung đầy lỗ hỏng.
Loạt phim có dấu hiệu đi xuống kể từ Transformers: Age of Extinction (2014) với đỉnh điểm là Transformers: The Last Knight (2017). Các fan khó lòng nhận ra các nhân vật quen thuộc khi "anh Bảy" không ngại "chế" ra thêm vô số người máy mới.
Gần đây, phần tiền truyện Bumblebee tạo được ít nhiều hy vọng bởi tạo hình nguyên bản từ Generation One. Nhưng qua bao nhiêu phần phim nữa thì thương hiệu lại đi vào vết xe đổ cũ đây? Có lẽ Paramount nên để cho Transformers được ngủ yên thì hơn.
2. Toy Story
Ra mắt từ năm 1995, Toy Story đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả trên khắp thế giới. Từ ý tưởng về những món đồ chơi có sự sống, chàng cao bồi Woody ( Tom Hanks ) và Buzz Lightyear (Tim Allen) dần trở thành một phần của văn hóa đại chúng.
Qua các phần phim, cậu chủ Andy (Andy Davis) cũng dần trưởng thành cũng người xem với sự xuất hiện của vô số nhân vật và các chuyến phiêu lưu mới đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, Toy Story 3 (2010) có lẽ là cái kết hoàn hảo khi anh chàng bước vào ngưỡng cửa đại học và nhường đồ chơi lại cho bé khác.
Phần phim cũng mang hàm ý khép lại tuổi thơ của nhiều người để bắt đầu trưởng thành hơn. Song, Disney dường như vẫn muốn "vắt sữa" tiếp khi tung ra teaser cho Toy Story 4. Không biết nội dung phần mới có gì hấp dẫn nhưng nhiều khán giả đã bắt đầu lo sợ thương hiệu sẽ gây thất vọng khi không giữ được phong độ trước kia.
3. Pirates of the Caribbean
Vốn dự tính tập trung vào hai nhân vật Will Turner ( Orlando Bloom ) và Elizabeth Swann ( Keira Knightley ), Pirates of the Caribbean dần trở thành "sân chơi" riêng của Jack Sparrow ( Johnny Depp ). Sau bộ ba phim đầu tiên, anh chàng chính thức trở thành nhân vật chính của thương hiệu.
Phong cách tưng tửng của Johnny Depp chính là sức hút không thể chối cãi. Nhưng đó là thời điểm gần 10 năm trước. Việc trung thành với một kiểu diễn trong suốt nhiều năm khiến tài tử dần mất đi tình cảm của khán giả, và Pirates of the Caribbean cũng bị ảnh hưởng theo
Doanh thu thấp kỷ lục của Pirates of the Caribbean: Salazar's Revenge (2017) là minh chứng rõ ràng nhất. Tuy nhiên, Disney vẫn chưa biết điểm dừng khi lên kế hoạch tái khởi động thương hiệu mà không có Johnny Depp. Có lẽ nhiều khán giả cũng đoán trước được số phận của phần phim sắp tới bởi sức hút của Pirates of the Caribbean gần như đều đến từ Jack Sparrow.
4. Terminator
Vào những năm 1990 khi dòng phim khoa học viễn tưởng bùng nổ một cách mạnh mẽ thì Terminator chính là "ông hoàng" với ý tưởng mới lạ và hấp dẫn. Câu chuyện về những tên người máy du hành thời gian để thay đổi tương lai tận thế để lại dấu ấn trong lòng người xem với đỉnh điểm là Terminator 2: Judgement Day (1991).
Song, bộ ba phim với hàng loạt tựa game và series truyền hình ăn theo đã là quá đủ. Thương hiệu bắt đầu đi xuống rõ rệt khi Terminator Salvation (2009) tập trung vào John Connor (Christian Bale) tương lai bị lỗ vốn. Phần phim mới nhất Terminator Genisys (2015) với hàng loạt thay đổi về dòng thời gian khiến người xem vô cùng rối trí.
Không những thế, gương mặt biểu tượng T-800 Arnold Schwarzenegger cũng đã quá già để tiếp tục diễn xuất. Thế nhưng, Paramount có lẽ vẫn chưa muốn tiếp tục với Terminator 6 khi đưa Sarah Connor (Linda Hamilton) trở lại. Sau 27 năm, nhân vật liệu có còn sức hút như xưa?
5. Star Wars
Ai cũng biết rằng Star Wars có là một phần của văn hóa đại chúng Mỹ với lượng fan đông đảo nhưng cứ mãi "hút máu" thương hiệu này liệu có là quyết định đúng đắn? Còn nhớ sự trở lại của Star Wars: The Force Awakens (2015) đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục về doanh thu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người hâm mộ bất chấp nội dung để ra rạp.
Đặc biệt là mới đây, Solo: A Star Wars Story (2018) thất bại ê chề cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu. Cộng đồng fan lớn cũng tỷ lệ thuận với độ "hung hãn". Chỉ một vài sai lệch không vừa ý cũng đủ khiến Star Wars: The Last Jedi (2017) bị "ném đá" không thương tiếc.
Có lẽ, phần thứ 9 sẽ là cái kết hoàn hảo cho bộ ba phim thứ ba của thương hiệu này. Sau đó, Disney chỉ nên tập trung vào những phần phim hoạt hình hoặc khai thác bối cảnh cổ đại của cuộc chiến giữa Sith và Jedi hơn là tiếp tục chìm đắm trong "sóng gió gia tộc" Skywalker.
6. Resident Evil
Ở lĩnh vực trò chơi điện tử, Resident Evil là một thương hiệu ăn khách với các phần đều đạt doanh thu khủng. Song, tựa phim cùng tên thì lại chẳng làm được điều tương tự. Đạo diễn Paul W. S. Anderson đã đưa vợ mình là Milla Jovovich thành nữ chính trong khi các nhân vật được người hâm mộ yêu mến chỉ góp mặt "cho vui".
Nội dung phim gần như xa rời bản gốc khi biến thành sân chơi riêng của "siêu nhân" Alice. Tính kinh dị hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho thể loại hành động. Sau 6 phần phim dai dẳng, khán giả có thể thở phào nhẹ nhõm khi Resident Evil: The Final Chapter (2016) là cái kết tạm ổn dù chẳng được như kỳ vọng.
Nhưng, Sony lại nghĩ ngược lại. Doanh thu khá so với kinh phí thấp cũng khiến các nhà làm phim tiếp tục muốn "vắt sữa" thương hiệu này. Hãng đang lên kế hoạch tái khởi động thương hiệu trong thời gian không xa. Có lẽ, nếu tiếp tục dùng cái tên Resident Evil để câu khách dù nội dung xa lạ thì không sớm hay muộn phim, cũng sẽ thất bại.
7. Fantastic Beasts
Giống như Toy Story, Harry Potter cũng đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, 8 phần phim trong suốt 10 năm đã là quá đủ. Cái kết tuyệt vời của các nhân vật giúp khán giả an tâm khép lại một phần tuổi trẻ. Ấy vậy mà Warner Bros. vẫn muốn "hút" thêm "máu" của Potterhead.
Fantastic Beasts and Where to Find Them (2016) như một tấm vé nhiệm màu trở về với thế giới phép thuật đầy mê hoặc. Nhưng có lẽ, J. K. Rowling chỉ nên dừng lại ở hành trình khám phá những con thú huyền bí của Newt Scamander ( Eddie Redmayne ) mà thôi. Việc tạo ra vô số câu chuyện bên lề khiến người xem lắc đầu ngao ngán.
Không chỉ vậy, nữ nhà văn người Anh cũng khiến các fan của loạt truyện phẫn nộ khi quên hết những gì mình từng viết và đưa ra hàng loạt tình tiết mâu thuẫn. Kế hoạch làm tới 5 phần phim của Warner Bros. khiến người hâm mộ lo lắng khi chẳng biết được tuổi thơ của mình sẽ bị phá hoại đến nhường nào. Phải chẳng thương hiệu này chỉ nên dừng lại ở một bộ ba và đừng quá tập trung vào Dumbledore ( Jude Law ) và Grindelwald (Johnny Depp)?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4