Vừa gọi vốn được 502 triệu đô, Magic Leap đã phải báo cảnh sát vì có nhân viên cuỗm 1 triệu đô rồi trốn mất
Cụ thể, chỉ 2 ngày sau khi gọi vốn thành công 502 triệu USD, Magic Leap đã phải báo cảnh sát về vụ việc đánh cắp 1 triệu USD, gây ra bởi chính nhân viên bên trong công ty.
Startup công nghệ Magic Leap đến từ Florida, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất những chiếc kính thực tế tăng cường, hồi tháng 10 vừa qua đã gọi vốn thành công 502 triệu USD. Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau đó, startup này đã phải gọi cho cảnh sát để trình báo về vụ việc một nhân viên của hãng đã đánh cắp hơn 1 triệu USD trong khoảng thời gian kéo dài 23 tháng.
Vụ việc này, phải đến tận bây giờ, tức gần nửa năm sau đó, mới được công bố rộng rãi - và ngay lập tức đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về khả năng của Magic Leap. Nên nhớ rằng, những sáng chế mà Magic Leap công bố là đề tài bàn tán của rất nhiều người trong giới công nghệ - với nhiều sự thán phục nhưng cũng không ít sự nghi ngờ. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra, đó là liệu Magic Leap có thực sự đủ khả năng để kịp thời tạo ra một sản phẩm đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng, cũng như của những nhà đầu tư đã rót vào đây hàng tỷ USD như Google hay Alibaba hay không?
Sự phát triển vũ bão nhờ công các nhà đầu tư
Magic Leap còn được cộng đồng công nghệ đặt cho một cái tên thân mật là "startup tỉ đô", khi mà trong quá trình hoạt động của mình kể từ năm 2011, công ty này đã gọi vốn được tổng cộng 1,9 tỉ USD. Số vốn này biến Magic Leap trở thành startup giàu có nhất trong ngành công nghệ thực tế tăng cường, bỏ xa kẻ đứng thứ hai là Niantic - cái tên đứng sau tựa game Pokémon Go - với số vốn là 225 triệu USD.
Chính nhờ số vốn khổng lồ này mà Magic Leap đã nhanh chóng "bành trướng" văn phòng của mình ra nhiều khu vực như Los Angeles, Mountain View, Seattle, Austin, Dallas, Anh, New Zealand, và Israel. Bên cạnh đó, năm 2017 vừa rồi, công ty này đã chuyển tổng hành dinh tới Plantation, Florida - nơi mà trước đây là nhà máy của Motorola.
Và thế là Magic Leap, từ một startup công nghệ với chỉ vỏn vẹn vài nhân viên trong một căn phòng vào năm 2011, đến nay đã là một tổ chức lớn với nhân lực lên tới 1400 người. Tuy nhiên, vấn đề của Magic Leap đó chính là đến nay công ty vẫn chưa thể tung ra thị trường một sản phẩm tiêu dùng nào cả.
Và những vấn đề bên trong nội bộ công ty
Sự phát triển nhanh chóng của Magic Leap đã trở thành cơ hội cho những hành vi sai trái đến từ chính bên trong công ty này. Cụ thể, chỉ 2 ngày sau khi gọi vốn thành công 502 triệu USD, Magic Leap đã phải báo cảnh sát về vụ việc đánh cắp 1 triệu USD, gây ra bởi chính nhân viên bên trong công ty.
Cụ thể, theo cáo buộc của Magic Leap, quản lý cấp cao của bộ phận tuyển dụng là Cheryl Martin đã cấu kết với công ty tuyển dụng Hampton Group để tham ô 1 triệu USD. Con số 1 triệu USD này đến từ việc tuyển dụng 39 nhân sự cho Magic Leap trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 7 năm 2017, được thực hiện bởi Cheryl Martin và Hampton Group. Tuy nhiên, theo kết quả của được điều tra thì việc tuyển dụng 39 nhân sự này hoàn toàn không do Hampton Group thực hiện.
Đến nay, vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra của cảnh sát. Trong khi đó, Cheryl Martin từ chối xuất hiện, cũng như không để cho người đại diện của mình đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Còn về phía Hampton Group, đại diện của công ty tuyển dụng này là bà Ann Smith cũng từ chối đưa ra bình luận, với lý do là "không nhớ gì về vụ việc này bởi bà đang phải sử dụng một loại thuốc chữa bệnh đặc biệt."
Dấu hỏi về bảo mật
Vụ việc Cheryl Martin chỉ là một trong số nhiều vấn đề nội bộ mà Magic Leap đang phải đối mặt. Thứ tư vừa qua, công ty này đã đệ trình lên tòa án đơn kiện Todd Keil - giám đốc bộ phận bảo mật, với cáo buộc ông này đang cố gắng "rút ruột" hàng triệu USD dưới vỏ bọc là chi phí cho các vụ kiện liên quan đến những kẻ làm rò rỉ tin tức nội bộ công ty ra bên ngoài.
Bên cạnh cáo buộc nói trên, Magic Leap còn đưa ra cáo buộc khác về một vụ việc trong quá khứ, khi mà Keil đã trả cao hơn giá thị trường tới 250.000 USD để thuê một nhà cung cấp các giải pháp an ninh đến từ Israel, vốn là người quen của ông này. Trong khi đó, Todd Keil lại tố cáo rằng Magic Leap có ý định Reverse-Engineering để đánh cắp công nghệ mà Microsoft sử dụng trong Hololens.
Cùng lúc này, Magic Leap còn phải tìm cách đối phó với tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ ra bên ngoài. Theo như lời của công ty này, thì "Magic Leap đã gặp phải tình trạng hình ảnh tuyệt mật về thiết bị cũng như các phòng thí nghiệm bị rò rỉ cho giới truyền thông." Và quả thực, hồi tháng 2 năm ngoái, bức hình bản mẫu thiết bị của Magic Leap đã bị rò rỉ và ngay lập tức lan truyền trong giới truyền thông.
Và vẫn còn nhiều khó khăn khác
Theo lời một số người "quen biết" với Magic Leap, thì chi phí cho các hoạt động nghiên cứu cũng như sản xuất của công ty này giờ đã lên tới 50 triệu USD mỗi tháng. Con số này khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi với Magic Leap, về khả năng quản lý tài chính cũng như các hoạt động của công ty này - đặt trong bối cảnh Magic Leap vẫn đang tiếp tục gọi vốn. Axel Springer, gã khổng lồ truyền thông của Đức mới đây cũng đã góp vốn cho "startup tỉ đô", và Magic Leap đang thực hiện đàm phán với quỹ đầu tư của Ả Rập để xin thêm 400 triệu USD tiền đầu tư nữa.
Theo như Magic Leap, nguồn vốn khổng lồ ấy hiện đang được sử dụng để biến công ty này thành một tổ chức đa ngành, từ đó lập ra một ngành công nghiệp mới liên quan đến thực tế ảo và thực tế tăng cường. Magic Leap không chỉ sản xuất kính cũng như các thiết bị phần cứng, họ còn có một bộ phận chuyên sản xuất nội dung là Magic Leap Studio với hàng trăm nhân viên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để Magic Leap có thể tung ra sản phẩm của mình vào cuối năm nay, theo như lời CEO Abovitz. Vấn đề lớn nhất liên quan đến thời lượng pin và sạc, do kính của Magic Leap không thể vừa cắm sạc vừa sử dụng được. Bên cạnh đó, hãng này phải tìm cách đảm bảo nguồn nội dung để "nuôi sống" thiết bị của mình trong thời gian đầu, trước khi có được sự tham gia của các nhà phát triển ứng dụng và phần mềm khác.
Nhìn chung, chưa cần đến các vấn đề pháp lý cũng như nội bộ, thì Magic Leap đã đủ "đau đầu" rồi.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời