Thực phẩm ngày càng rẻ, nhưng rẻ không phải tốt.
Con người hiện giờ đang béo và nặng hơn bao giờ hết. Nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Lancet chỉ ra: Thế giới ngày hôm nay đã có nhiều người béo hơn cả người gầy. Tỷ lệ béo phì đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1980 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Con người đang ngày càng béo lên
Các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi lý do tại sao cả thế giới chúng ta cùng béo lên. Nhưng chắc chắn nguyên nhân không xuất phát từ yếu tố di truyền hay tiến hóa, bởi gen con người không thể thay đổi nhanh đến vậy. Các chuyên gia cho rằng môi trường sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt mới là vấn đề.
Không ngoài dự đoán, 10 biểu đồ rút ra từ các nghiên cứu dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “Tại sao chúng ta ngày càng béo hơn?”:
1. Mức tiêu thụ đường của con người tăng vọt
Đường phụ gia là thành phần cực kỳ có hại trong chế độ ăn uống. Nó thậm chí còn được gọi là “Cái chết trắng” của thời đại mới. Ấy vậy mà ngành công nghiệp đường trước đây đã giấu nhẹm đi chuyện này. Họ mua chuộc một số nhà khoa học Harvard để công bố các nghiên cứu, khiến đường ngày càng được tiêu thụ mạnh mẽ.
Cho đến khi mọi việc bại lộ, nhiều nghiên cứu mới phát hiện ra hàng loạt tác hại của đường. Theo đó, ăn một lượng dư thừa đường phụ gia gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến đề kháng insulin, tăng mỡ bụng, cholesterol xấu LDL…
Một loạt các nhà khoa học và chuyên gia cảnh báo ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và thậm chí là ung thư.
Đường cũng khiến bạn béo lên, một phần vì nó có thể gây nghiện và khiến chúng ta ăn không dứt. Nó cũng ảnh hưởng xấu đến các nội tiết tố gây béo phì. Không có gì ngạc nhiên khi nhìn vào biểu đồ này để giải thích tại sao ngày nay có quá nhiều người béo và thừa cân.
2. Chúng ta vẫn luôn tăng cân vào dịp lễ
Cân nặng của bạn không thể gia tăng chỉ sau 1 đêm. Đó là một quá trình dài, nhiều khi xảy ra trong nhiều năm. Nhưng nếu bây giờ bạn nhìn lại và biết rằng mình đã tăng một vài cân trong năm nay. Khá bất ngờ khi nghiên cứu chỉ ra, quá nửa số cân nặng thừa ra này đến từ những đợt nghỉ lễ.
Cụ thể, 52% cân nặng của bạn có thể đến chỉ từ 12% số ngày nghỉ lễ trong năm. Đó là khoảng thời gian mà mọi người thường ăn uống thoải mái, và thả ga trong các buổi tiệc tùng. Hậu quả là lượng calo ăn vào nhiều hơn mức tiêu hao, bạn sẽ tăng cân.
3. Sai một ly trong hướng dẫn chế độ ăn, cả nước Mỹ đều tăng cân
Trong thế kỷ 20, người Mỹ rất lo sợ bệnh tim. Nhiều nhà khoa học khi đó nói rằng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, là thủ phạm gây bệnh. Một phần những nghiên cứu này cũng được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp đường. Như đã nói, họ muốn giấu đi tác hại của đường nên đã đổ lỗi nó sang cho chất béo.
Những sai lầm này dẫn đến sự ra đời của những chế độ ăn ít béo. Nhưng thú vị là, thời gian đã chứng minh chế độ ăn này không khiến người Mỹ giảm cân. Ngược lại, thời gian mà những ca béo phì ở Mỹ bắt đầu tăng mạnh cũng trùng khớp với thời gian chế độ ăn ít béo ra đời.
Lựa chọn các loại thực phẩm ít béo trở thành “mốt” trong những thập niên cuối thế kỷ 20. Chớ trêu thay, thực phẩm ít chất béo thì lại chứa đầy đường phụ gia làm tăng cân.
Khi vụ việc lừa dối của ngành công nghiệp đường bị bại lộ, các nhà nghiên cứu bắt đầu phải xem xét lại chế độ ăn ít béo. Cuối cùng, các nghiên cứu dài hạn cho tới nay chỉ ra: chế độ ăn ít chất béo thực sự không có tác dụng giảm cân, mà cũng chẳng ngăn ngừa bệnh tim hoặc ung thư.
4. Thực phẩm ngày càng rẻ, nhưng rẻ không phải tốt
Thực phẩm rẻ hơn, khiến chúng ta tiêu thụ nhiều hơn, một nguyên lý dễ hiểu.
Nhìn vào biểu đồ trên, bạn có thể thấy rằng giá thực phẩm đã giảm rất mạnh trong vòng 80 năm qua. Từ việc phải dành tới ¼ thu nhập để mua được các bữa ăn, bây giờ, bạn có thể chỉ cần 1/10 lương hàng tháng.
Điều này có vẻ như là một tin vui, nhưng hãy coi chừng. Giá rẻ ít khi đi đôi với chất lượng và sức khỏe. Thực phẩm rẻ hơn vì nó được sản xuất công nghiệp và qua quá trình chế biến nhiều hơn.
Trong thực tế, có các loại thực phẩm sạch và chất lượng đắt tới nỗi mà nhiều người không mua được. Còn thực phẩm giá rẻ thì ở khắp nơi, bởi nó phục vụ cho tầng lớp bình dân và người thu nhập thấp.
Mặc dù không phải tất cả, nhưng ăn thực phẩm giá rẻ, bạn sẽ có nguy cơ nhiều hơn đưa vào cơ thể đường, tinh bột chế biến và nhiều loại phụ gia không tốt cho sức khỏe.
5. Nước ngọt có gas và nước ép trái cây, uống càng nhiều càng béo
Cùng là vấn đề liên quan đến đường, nhưng đường trong các lon nước ngọt hoặc nước ép trái cây có đôi chút khác.
Chúng ta đều biết não bộ là cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết cân bằng năng lượng trong cơ thể. Nó đảm bảo cho bạn không bị đói cũng như tích tụ chất béo dư thừa. Nhưng khi bạn uống đường trong dạng lỏng, não bộ không điều chỉnh khiến bạn ăn ít đi.
Các loại nước ép trái cây tưởng chừng rất lành mạnh, nhưng nó cũng có chứa đường phụ gia, không khác gì nước ngọt có gas. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người không nên ăn quá 10% đường phụ gia mỗi ngày. Theo mức này, uống chỉ một lon nước tăng lực mỗi ngày là thừa.
Đường ở dạng rắn đã xấu, đường ở dạng lỏng thậm chí còn tồi tệ hơn.
6. Các công việc ngày nay đã nhẹ nhàng hơn
Trong đồ thị trên đây, bạn có thể thấy công việc của chúng ta đã nhẹ nhàng hơn trong quá khứ. Mỗi ngày, trung bình một người có thể tiết kiệm được hơn 100 Calo.
Nhưng đáng tiếc, calo tiết kiệm khiến bạn nhàn nhã hơn, nhưng nó lại cộng vào mức cân nặng, nếu bạn không hoạt động thể chất tích cực. Bởi vậy, nếu bạn đang làm một công việc nhẹ nhàng, ít vận động, hãy tập thể dục thường xuyên nếu không muốn tăng cân.
7. Con người đang ngủ ít đi
Khi nói đến thừa cân và béo phì, rất ít người để ý đến vấn đề giấc ngủ.
Nhưng bạn có biết giấc ngủ kém có ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều loại hooc-môn. Chẳng hạn như thiếu ngủ cũng khiến hệ nội tiết làm bạn tăng cảm giác đói và thèm ăn.
Trong những thập kỷ gần đây, thời gian ngủ trung bình của chúng ta đã giảm khoảng 1-2 giờ. Có rất nhiều lý do, nhưng có lẽ sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ ,với các thiết bị cầm tay phát ánh sáng nhân tạo như điện thoại thông minh, máy tính bảng…, là một phần vấn đề.
Trong nghiên cứu, thời gian ngủ ngắn có thể ảnh hưởng lớn tới cân nặng, nó làm tăng 89% nguy cơ béo phì ở trẻ em và 55% ở người lớn.
8. Chúng ta đang ăn hàng nhiều hơn
Trong biểu đồ này, bạn có thể thấy được xu hướng thay đổi trong thói quen ăn uống trong vòng 130 năm qua của người Mỹ.
Bắt đầu thế kỷ 20, họ chủ yếu ăn các bữa ăn tự nấu tại nhà. Nhưng cho tới năm 2009, khoảng một nửa những bữa ăn của người Mỹ sẽ là đồ ăn nhanh hoặc ăn tại nhà hàng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết các bữa ăn tự nấu ở nhà sẽ bổ dưỡng và lành mạnh hơn tại hàng quán, và tất nhiên là cả thức ăn nhanh. Bởi vì các loại thực phẩm này thường được thêm quá nhiều đường hoặc muối để tạo hương vị. Đồng thời, làm vậy các nhà hàng cũng có thể tăng thời gian bảo quản thực phẩm.
Còn một thiếu sót ở biểu đồ này, đó là nó còn chưa tính cả các loại đồ ăn nhanh mà người Mỹ mua về và ăn tại nhà. Chắc hẳn họ có đặt pizza rao tận nơi, nhưng nếu vậy, những chiếc bánh vẫn được tính vào khoảng màu xanh lá cây.
9. Ngày càng có nhiều loại đồ ăn vặt
Sự đang dạng các nhãn hàng thực phẩm và đồ ăn vặt cũng góp phần làm nên “đại dịch” béo phì ngày nay.
Đồ thị này thể hiện mức tăng cân của 3 nhóm chuột trong thí nghiệm. Một nhóm có chế độ ăn lành mạnh, một nhóm được cho ăn 1 loại đồ ăn vặt duy nhất và một nhóm ăn nhiều đồ ăn vặt cùng lúc.
Dễ dàng nhận thấy những con chuột ăn đồ ăn vặt tăng cân nhanh hơn nhóm chuột ăn uống lành mạnh. Nhưng đáng chú ý hơn cả là nhóm chuột ăn nhiều đồ ăn vặt cùng lúc, chúng tăng cân gần như gấp 3 lần.
Đã có nghiên cứu tương tự trên người xác nhận kết quả này. Khi trên thị trường ngày càng có nhiều đồ ăn vặt có sẵn, chúng ta càng ăn nhiều hơn mức cơ thể cần và tăng cân.
10. Lượng calo tiêu thụ tăng lên
Cuối cùng, dù nguyên nhân có đến từ đồ uống có đường, thức ăn vặt, chất béo hay bất cứ điều gì khác, thứ làm cho chúng ta béo lên chính là việc ăn ngày càng nhiều.
Tính trên lượng calo thì chúng ta đã ăn nhiều hơn đáng kể so với chỉ một vài thập kỷ trước. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ một đồ thị này đã quá đủ để chúng ta giải thích sự gia tăng của số ca thừa cân, béo phì trên toàn thế giới.
Nhưng cũng phải nói một điều công bằng rằng, có nhiều yếu tố thúc đẩy con người ăn ngày càng nhiều hơn. Chúng ta không thể đổ lỗi rằng con người bây giờ lười biếng, lại còn ăn nhiều hơn và thiếu ý chí giảm cân.
Sự thật là ngay cả sự thay đổi trong môi trường, thói quen dinh dưỡng cũng tác động đến cách não bộ và hệ nội tiết của con người làm việc. Có những thay đổi đã gây ra trục trặc trong hệ thống sinh học, ngăn cản chúng ta duy trì cân nặng và giảm béo.
Dẫu vậy, vẫn có những yếu tố khó chấp nhận được. Chẳng hạn như sự lừa dối của ngành công nghiệp đường đã đóng góp đáng kể vào việc khiến chúng ta béo lên. Ngoài ra, bạn hãy cảnh giác với thị trường thực phẩm chế biến và đồ ăn nhanh đang phát triển rất mạnh trong thời đại hiện nay.
Tham khảo Authoritynutrition
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"