Khi thấy những mạch máu xanh này nổi lên ở chân, dân văn phòng đặc biệt nên cẩn thận

    Thanh Long,  

    Chủ quan với chứng suy giãn tĩnh mạch chân có thể khiến bạn phải hối hận. Nó có thể gây ra các cục máu đông đe dọa đến tính mạng.

    Sara, một nhân viên văn phòng 25 tuổi làm trong ngành truyền thông ở Mỹ lần đầu tiên nhìn thấy những mạch máu xanh kỳ lạ trên chân mình vào năm 2012. Đó là trong một lần thử váy ở tiệm quần áo, Sara soi gương và phát hiện xung quanh đầu gối của mình có một vài đường gân xanh nổi lên.

    Cô ấy đã phát hoảng – không phải vì các đường màu xanh này gây đau hay gì cả, chúng rõ ràng đã âm thầm xuất hiện mà không hề gây ra triệu chứng thể chất gì. Sara vẫn đi làm bình thường mỗi ngày. Thỉnh thoảng cô cảm thấy chân mình hơi đau nhức và có lần bị chuột rút. "Nhưng có lẽ đó là do giày cao gót", Sara nghĩ.

    Khi thấy những mạch máu xanh này nổi lên ở chân, dân văn phòng đặc biệt nên cẩn thận - Ảnh 1.

    Thứ mà Sara sợ nhất chỉ là những mạch máu xanh kia sẽ khiến đôi chân mình trở nên xấu xí khi mặc váy. Cô nghĩ rằng mình sẽ cần dậm phấn một chút ở chân hoặc mặc quần tất dày hơn để che giấu trước khi những vết gân xanh này cần thời gian để biến mất.

    Cũng bởi sự chủ quan ấy, Sara không bao giờ có thể tưởng tượng ra viễn cảnh của 10 năm sau, khi những mạch máu xanh năm nào ngày một phồng to lên, khiến cô đau đớn và phải phẫu thuật để cắt bỏ chúng.

    Trên thực tế, Sara đã mắc một chứng bệnh mà dân văn phòng rất hay mắc phải: Suy giãn tĩnh mạch.

    Suy giãn tĩnh mạch là gì? Khi nào nó có thể đe dọa tính mạng của bạn?

    Theo trung tâm giáo dục và nghiên cứu y tế Mayoclinic của Hoa Kỳ, suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh xảy ra khi tĩnh mạch biến dạng, phình to ra và xoắn lại. Chúng thường ảnh hưởng tới các tĩnh mạch ở chân và gần bề mặt da. Đó là bởi đây là vùng phải chịu áp lực lớn trong tư thế đứng của chúng ta, và cả khi chúng ta ngồi.

    "Trong khi động mạch có nhiệm vụ mang máu từ tim đến các phần còn lại trên cơ thể, tĩnh mạch lại đưa máu từ cơ thể trở về tim. Để máu có thể quay lại con đường đó, các tĩnh mạch ở chân phải hoạt động để chống lại trọng lực", Mayoclinic cho biết.

    Khi thấy những mạch máu xanh này nổi lên ở chân, dân văn phòng đặc biệt nên cẩn thận - Ảnh 2.

    Để làm được điều đó, tĩnh mạch của chúng ta sử dụng một hệ thống van biến thiên. Chúng đóng mở liên tục để cho máu đi qua và ngăn máu "rơi" ngược trở lại theo trọng lực. Nhưng nếu các van này bị hỏng, máu có thể đọng lại trong tĩnh mạch và khiến nó trở thành một đường ống căng cứng, phồng lên và xoắn lại.

    Thông thường, tuổi tác là yếu tố lớn nhất gây ra hiện tượng suy giãn tĩnh mạch. Những người già thường xuyên gặp tình trạng này khi các van tĩnh mạch của họ bị hao mòn do quá trình lão hóa gây ra.

    Tiền sử gia đình, việc mang thai, chứng béo phì đôi khi cũng có thể gây ra chứng suy giãn tĩnh mạch. Nhưng đối với Sara, cô không thuộc vào bất kỳ nhóm nào trong số đó. Tất cả vấn đề mà cô gặp phải chỉ là từ lối sống của mình: Sara đã ngồi quá nhiều trong những năm làm việc văn phòng của mình.

    Là một nhân viên truyền thông, công việc chủ yếu của cô là làm việc với máy vi tính. Sara cho biết cô thường xuyên phải ngồi từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Ngồi nhiều khiến máu ở chi dưới của cô không lưu thông, và các cơ bắp và cả van tĩnh mạch ở đó cũng yếu đi.

    Sara không nghĩ đến điều đó, chỉ cho đến khoảng 5 năm trước, khi cô đi khám và các bác sĩ lần đầu tiên gọi tên căn bệnh làm nổi những mạch máu xanh trên chân của cô. Đó là khoảng thời gian mà những cơn chuột rút bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

    Cô cũng thấy các tĩnh mạch của mình bắt đầu sưng to hơn và xoắn lại trông giống như một con giun bò lổm ngổm dưới da mình. Thỉnh thoảng, Sara bị đau nhói xung quanh đầu gối. Những tĩnh mạch ấy cũng khiến chân cô ngứa râm ran.

    Khi thấy những mạch máu xanh này nổi lên ở chân, dân văn phòng đặc biệt nên cẩn thận - Ảnh 3.

    Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất mà Sara phải đối mặt là biến chứng của chứng suy giãn tĩnh mạch. Mayoclinic cho biết căn bệnh có thể gây ra những cục máu đông nguy hiểm khi máu ứ đọng và không lưu thông.

    Trong một số trường hợp, những cục máu đông này có thể di chuyển đến tim và phổi và gây ra tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là thuyên tắc phổi.

    Suy giãn tĩnh mạch cũng có thể khiến tĩnh mạch bị vỡ, gây chảy máu nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, những vết giãn mạch máu này có thể gây ra tình trạng loét, đặc biệt là khu vực gần mắt cá chân.

    Điều trị suy giãn tĩnh mạch: Từ một đôi vớ nén đến phẫu thuật cắt bỏ

    Các bác sĩ cho biết suy giãn tĩnh mạch là một căn bệnh lão hóa mà chúng sẽ không thể nào tự biến mất như Sara nghĩ. Để điều trị cho cô, họ đã cho Sara đeo một đôi vớ nén. Vớ nén là một đôi vớ ép chặt vào chân, giúp tĩnh mạch co lại và luân chuyển máu hiệu quả hơn.

    Thêm vào đó, bệnh nhân sẽ nhận được một số lời khuyên về việc phải thay đổi lối sống ít vận động, tập các bài tập nâng cao chân để làm chậm quá trình suy giãn tiến triển. Đây là những biện pháp đầu tiên mà bảo hiểm ở Mỹ yêu cầu bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch phải thực hiện.

    Và chỉ khi can thiệp này thất bại, họ mới trả tiền cho các thủ thuật tiếp theo.

    Khi thấy những mạch máu xanh này nổi lên ở chân, dân văn phòng đặc biệt nên cẩn thận - Ảnh 4.

    Các giai đoạn của chứng suy giãn tĩnh mạch chân.

    Đó là điều mà Sara đã phải trải qua trong năm nay. Bởi chứng suy giãn tĩnh mạch của cô quá nặng, các bác sĩ cuối cùng đã phải phẫu thuật để cắt bỏ chúng.

    Thủ tục này liên quan đến việc cắt các tĩnh mạch bị phình dưới da. Các bác sĩ sẽ lấy chúng ra ngoài thông qua một vết rạch nhỏ, đồng thời họ chuyển đường phân phối máu sang các tĩnh mạch còn lại nằm sâu hơn ở trong chân của Sara.

    Toàn bộ ca mổ chỉ diễn ra trong 30 phút dưới một liều thuốc gây tê. Sara có thể cảm nhận được các bác sĩ chọc kéo vào chân mình. Nhưng cô không hề thấy đau. Sau đó, các bác sĩ quấn quanh đùi cô một băng siêu nén để giữ nó trong 48 giờ.

    Sara được cho về nhà, và khi hết thuốc tê, cơn đau mới ập đến.

    Thật may mắn cho Sara, trong lần tái khám các bác sĩ cho biết ca phẫu thuật cho cô đã thành công. Đó là bởi nhiều bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch thậm chí phải phẫu thuật nhiều lần mới có thể chữa dứt điểm tình trạng của mình.

    Các bác sĩ đã cho cô ấy những lời khuyên để đề phòng chứng bệnh tái phát. 

    Khi thấy những mạch máu xanh này nổi lên ở chân, dân văn phòng đặc biệt nên cẩn thận - Ảnh 5.

    Các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch thường phải đeo vớ nén. Khi biện pháp này thất bại, họ sẽ phải phẫu thuật.

    Theo Mayoclinic, quản lý lối sống thiếu vận động là chìa khóa để các nhân viên văn phòng như Sara phòng tránh căn bệnh này.

    Họ nên tránh ngồi một chỗ hoặc thậm chí đứng một chỗ quá lâu. Thay vào đó, nhân viên văn phòng nên đứng dậy khỏi ghế và đi lại khoảng 5 phút sau mỗi một tiếng ngồi làm việc của mình.

    Điều này sẽ giúp máu ở chân họ được lưu thông, các cơ bắp và van ở tĩnh mạch sẽ được vận động để khỏe mạnh.

    Ngoài ra, nhân viên văn phòng cũng nên tập thể dục để quản lý cân nặng của họ, bởi giảm cân cũng là cách để giảm những áp lực đè lên tĩnh mạch ở chân.

    Bạn cũng nên chọn giày dép phù hợp, tránh đi giàu cao gót và nên chọn giày đế bằng, giày thể thao sẽ tốt cho tĩnh mạch hơn. Tránh mặc quần áo chật vì quần áo bó sát có thể làm giảm lưu lượng máu.

    Cuối cùng, về dinh dưỡng bạn nên tránh ăn nhiều muối vì muối có thể giữ nước khiến chân và mạch máu bị phù nề.

    Nếu thấy bất cứ bất thường nào ở chân, nhất là những đường mạch máu màu xanh hoặc màu tím nổi lên, bạn nên đi khám sớm. Phát hiện chứng suy giãn tĩnh mạch sớm là điều kiện tiên quyết để điều trị sớm và ngăn chặn căn bệnh tiến triển.

    Ở bệnh viện, các bác sĩ có thể sử dụng máy siêu âm để quan sát dòng máu chảy qua tĩnh mạch của bạn. Họ cũng có thể phát hiện sớm các cục máu đông và quyết định bạn nên điều trị chứng suy giãn ở mức độ nào, từ đeo với nén cho đến một cuộc phẫu thuật cắt bỏ như Sara.

    Nhưng tốt nhất, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Chúng tôi hi vọng bài viết này có thể giúp các nhân viên văn phòng chăm sóc tốt hơn cho các mạch máu dưới đôi chân của mình.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ